Nặng - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền

13/08/2017 06:37 GMT+7

Chỉ trong một tuần mà tôi trượt chân té ngã ba lần. Quá nhiều để gây nguy hiểm cho một người có số tuổi gần chạm lục tuần.

Mỗi lần ngã là một lần nghiệm ra nguyên nhân mình ngã không lần nào giống lần nào để có thể áp dụng kinh nghiệm trước vào sự vụ sau. Mà, không hiểu sao, ngã xong, khi tỉnh táo lại tôi luôn có cảm giác như thời đi học, làm bài không được, vừa rời khỏi phòng thi liền nghĩ ra cách giải hết sức đơn giản, nhẹ nhàng. Vò đầu bứt tai, bài toán dễ vậy tại sao mình không biết làm. Hai suy nghĩ cách nhau nửa thế kỷ không giống nhau ở tình huống nhưng lại cùng mẫu số chung là lần sau sẽ (đi đứng) cẩn thận/(làm bài) suy nghĩ kỹ hơn.
Có lẽ tâm trạng tôi lúc bật thốt lên hay chỉ nghĩ trong đầu cần suy nghĩ thấu đáo khi giải một bài toán là sự nuối tiếc, hụt hẫng, mệt mỏi, chán chường, thất bại, tương đồng với cái cảm giác mất thăng bằng để phải té ngã rồi sau đó nhận ra, nếu mình cẩn trọng một chút sẽ không có chuyện như vậy.
Lần ngã đầu tuần là khi tôi bước ra khỏi một quán ăn. Cái thềm ba bậc cấp dài hết mặt tiền quán có lối dắt xe máy ở chính giữa. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao mình lại đi trên lối xuôi tuột này trong khi đó bậc cấp rộng rãi, trống trơn, không có một ai (lỗi của tôi rành rành ra đó rồi). Dù đôi giày bata có đế bám dính khá tốt nhưng nó không bám được vào một mảng xi măng trơn láng nào đó khiến tôi bị trượt. Liền tiếp theo trạng thái vô thức, tích tắc trong vòng một giây, tôi nhận ra mình đã quá khinh suất. Hậu quả của sự ngang bướng, cố chấp là đây chăng? Ở độ tuổi nào người ta cũng có thể gây ra những điều lầm lỗi? Tôi không đi giống mọi người là bước xuống từng bậc cấp và kết quả là cái mông của tôi lãnh trọn. Sai lầm của cái này dẫn đến một cái khác phải nhận lãnh hậu quả.
Ngẫm ngợi mông lung xa gần, may mắn tôi chỉ “ịch” cái bàn tọa xuống một điểm trên mặt đất và cố định ở đó; nếu khi ấy cái thềm trơn, chân chuồi xa hơn và tôi ngã té ngửa, đập đầu xuống thì sao? Trong cái rủi luôn có cái may là đây khi vận hạn con người chưa đến lúc. Hên - xui nào cũng có bí mật riêng của nó. Cho là hên, thì điều gì làm nên cái may mắn nhỏ nhoi này? Phải chăng mọi thứ trên đời đều có bàn tay sắp đặt của định mệnh, họa chỉ đến với con người khi may mắn đi vắng? Con người cô đơn bởi hạnh phúc, thăng hoa, vui vẻ bỏ đi nhường chỗ cho nỗi buồn, tuyệt vọng, sự chán chường ập đến làm bạn đồng hành bất kể lúc nào đó trong cuộc đời. Mạnh mẽ bứt khỏi người đi cùng không mong muốn này hay buông xuôi chấp nhận đều khiến làm nên số phận và tính cách, quyết định vận mệnh.
Còn nữa, phân tích nguyên nhân thì phải nhìn lại hậu quả cái mông ê ẩm. “Dư chấn” kéo dài đến nửa giờ. Vẫn còn quá may mắn khi chỉ tổn thương ở phần mềm. Ai đó chỉ ngã nhẹ mà vỡ cả xương chậu đấy thôi! “Trông người mà ngẫm đến ta” là lối suy nghĩ so sánh có người cho là không ổn, thiếu tính nhân văn. Tại sao lấy bất hạnh của người khác làm thước đo sự may mắn của mình? Luận như thế nào về ý nghĩa chia sẻ đây? Đối mặt với sự cố không may/tai họa, tránh sao thoát khỏi những suy tưởng nông cạn?
Lần té ngã thứ hai là khi tôi bước xuống từ bậc cuối cùng của cầu thang mà nền nhà còn ướt. Cú trượt này hoàn toàn may mắn khi tôi nhanh chóng chụp được tay vịn cầu thang, tuy nhiên nó cũng khiến một chân và mông của tôi “rêm rêm”. Kinh nghiệm rút ra khi này là gì? Tất nhiên là phải cẩn thận với cái nền nhà còn ướt mà chính tôi chứ không ai khác vừa lau nó xong. Như vậy, cũng như lần trước, hoàn toàn lỗi ở tôi nói một cách khách quan; nếu độ lượng một chút sẽ đổ thừa cho trí nhớ. Người có tuổi làm sao thấu hết để ý tứ việc mình đi, đứng. Bao nhiêu ví dụ sờ sờ ra đó. Bắc nồi cơm điện, không bấm nút; uống thuốc hay chưa không nhớ; nặng hơn, mở vòi nước rồi bỏ đó mà đi, bàn ủi quên rút phích cắm, bước lên xe buýt số 8 mà cứ nghĩ là xe 104, cuối cùng thấy xe rẽ đi hướng khác mới biết mình nhầm… Hằng hà sa số việc cỏn con mà khi còn trẻ chắc chắn không ai quan tâm bởi nó đương nhiên phải là như thế, bắt đầu và kết thúc một công việc đúng theo quy trình, chẳng thể nào nhầm lẫn được. Thói quen hình thành nên tính cách cần phải xét lại và có dung sai cho phép hơi rộng rãi ở độ tuổi không còn trẻ nữa chăng?
Lần này tôi cũng ngã “ịch” mông nhưng không ê ẩm nhiều như lần trước. Tuy thể xác không tổn thương nhưng rõ ràng tôi bị lung lay về tâm lý và liên tục tự nhắc bản thân phải chú ý hơn nữa dù tôi biết chắc chắn rằng, giống như càng cố tình đi nhẹ, không va chạm thì lại càng gây ra tiếng động lớn vậy, hay càng nôn nóng càng dễ làm sai!
Hai hôm sau, tôi lại bị trượt ngã cũng tại nơi bậc thang cuối cùng ấy. Lỗi tại tôi hoàn toàn do sơ ý và chủ quan. Tôi ôm đồm hai việc cùng một lúc khi xuống cầu thang buộc phải trong tư thế lùi mà lại không vịn tay nắm (vì không còn tay để nắm). Còn một bậc nữa mới hết thang thì tôi cứ đinh ninh chân mình sẽ chạm đất. Trong cái thế hụt cẳng, mất thăng bằng, tôi ngã lăn cù, chỏng gọng. Đồ đạc văng tung tóe. Khi gượng ngồi dậy được, tôi cảm thấy khó duỗi chân và đầu gối bên trái hơi đau. Ngay chỗ đau cũ, lần tôi bị trượt ngã cách đấy một năm.
Không có kinh nghiệm nào dạy kinh nghiệm nào khi con người chủ quan. Đến lúc sự việc xảy ra rồi mới nhận biết sai lầm của mình và tự nhủ sẽ hết sức tránh, nhưng không có gì đảm bảo được điều ấy.
Lần này tôi lại có thêm một kinh nghiệm nữa là nỗi đau khơi lại từ “vết thương” cũ đã lành. Nhớ lại, đó là lần ngã nhớ đời (mà liệu tôi có nhớ đời được không) và di chứng của nó gây phiền toái cho tôi đến ba tháng sau mới đi đứng được bình thường.
Lần đó, tôi ghé thăm gia đình một người bạn. Chuyện trò rôm rả xong đến lúc chuẩn bị ra về thì tôi phát hiện nhà bạn có giàn hoa lan đẹp quá. Sẵn máy hình tôi lấy ra chụp vài kiểu ảnh. Quá say sưa tìm các góc đẹp, tôi không chú ý nền xi măng đầy rêu và cú trượt hoàn toàn bất ngờ (có ai nói tai nạn được chuẩn bị trước bao giờ đâu?). Kinh nghiệm rút ra từ cú ngã này là phải nhìn trước ngó sau - liệu có phải là bài học dễ thuộc? Ai dám bảo đảm rằng, nếu gặp lại tình huống hệt vậy, trong trạng thái đang bị cuốn hút bởi niềm say mê và chỉ tích tắc thì làm gì có cơ hội để ngó sau, nhìn trước?
Điều cảnh báo này hơi bị thừa với một người vốn tính cẩn thận; nhưng, anh hùng đôi khi không chết trận mạc mà chết vì sụp lỗ trâu, kia mà. Không thể nói trước được gì hết! Tất nhiên, đây không phải là điều quá bi quan hay không tin tưởng vào tính kỹ càng của bản thân. Cuộc sống luôn có những bất ngờ dù có lường trước đi chăng nữa để nhắc con người rằng đừng có mà chủ quan!
Kể lại chi tiết cú trượt ngã hôm đó. Thật ra, thềm xi măng chỉ đóng rêu ở phía bên trong nơi đặt đám chậu kiểng. Bên ngoài vẫn bình thường. Khi một chân của tôi bước sâu vào vùng rêu thì trượt ngay tức khắc, nghĩa là tôi không có một giây nào lường được mối nguy hiểm.
Chuyện là, nếu tôi “ịch” mông xuống thềm rêu thì mọi sự sẽ đơn giản, nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi lại sợ dơ cái quần mà để cho một chân trái chịu trọng lượng thân người. Vấn đề nữa là, thời gian trụ của chân trái hơi bị lâu do tôi cố gượng tìm thế cân bằng để khi tôi đứng lên được thì cái quần không bị một vết bám rêu nào. Một bài học đáng giá đây. Chỉ vì sợ dơ quần mà chân trái của tôi lãnh đủ. Sai lầm của cái này dẫn đến một cái khác phải nhận lãnh hậu quả.
Và, khi tôi bước vào hiên nhà bạn thì chân trái không đau lắm. Sau đó tôi chạy xe máy gần 40 cây số một cách bình thường nếu biết co duỗi chân không chạm đến chỗ đau. Vậy mà, về đến nhà, dựng chân chống xe xong thì tôi đau đến xanh mặt luôn và đi cà nhắc kể từ đó đúng ba tháng trời!
Bác sĩ chẩn đoán tôi bị bong dây chằng bên gối trái. Trước đó tôi còn tự tin về độ dẻo dai của đôi chân nên tôi khá “lì”, đến khi đau không chịu nổi nữa, một tuần sau tôi mới đi khám. Bác sĩ tốt nhất là bác sĩ cho chính mình, tôi chủ quan về điều này khi cho rằng chân đau rồi cũng sẽ hết, có gãy xương nữa vẫn lành cơ mà!
Trong toa của bác sĩ chủ yếu là thuốc giảm đau cùng lời trấn an từ từ sẽ hết. Tuy nhiên, mỗi ngày, tôi quan sát cái chân đau và hoang mang khi nhận ra rằng, uống thuốc thì không đau nhưng ngưng thuốc lại đau nặng hơn. Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng cho các giải pháp tình thế.
Đã vậy, tôi còn “lì” đến mức trong thời gian ba tháng đau chân đó, tôi có hai chuyến đi chơi xa khỏi thành phố. Với sự hỗ trợ của thuốc giảm đau, những chuyến đi thành công tốt đẹp, nhưng đằng sau thành công ấy là chuỗi thất bại, tôi vẫn phải đi cà nhắc nếu không dùng thuốc giảm đau.
Giai đoạn bi quan nhất khi thậm chí việc đứng lên, ngồi xuống của tôi vẫn khó khăn sau một tháng điều trị với chủ yếu là thuốc giảm đau. “Nặng” là đây. Cũng đôi chân ấy lúc bình thường đi đứng nhẹ nhàng, thoăn thoắt, nhưng bây giờ nhấc cái chân lên một chút đã thấy nặng lắm rồi, khi đi phải lê chân nên càng thấy nặng hơn.
Con người sinh ra, lớn lên, ai cũng trải qua vài giai đoạn khó khăn trong đời. Một buổi sáng thức dậy đầu nặng như chì. Cái đầu nặng đâu phải do nó mang thêm một trọng lượng nào khác. Những điều bất ổn về tinh thần hay thể xác luôn khiến con người cảm thấy cái gánh vốn không nhẹ lại càng nặng. Giở cánh tay không lên đâu phải cái tay nặng mà là đau đến mức không cử động được, tấm thân không vác nổi cánh tay. Cái cổ một hôm phản ứng cái đầu, sáng thức giấc, nằm im một lúc lắng nghe cổ lên tiếng phàn nàn, thở than; cuối cùng phải lấy một tay đỡ cổ cho đầu ngóc mới ngồi lên được. Bạn tôi, một hôm đang đứng bỗng thấy đau ở sống lưng, không thẳng người được mà phải khòm lưng xuống và bụng hơi ưỡn ra trước một chút mới đúng tư thế giữ thăng bằng. Vào giường nằm nghỉ rồi cảm giác không gượng ngồi được bởi thân mình nặng quá. Cái cột sống làm trụ gánh vác mấy chục năm hết nhẹ rồi nặng đang muốn đình công. Ngày thường đứng lên ngồi xuống nhẹ tênh, giờ bất lực. Sau đó là chuỗi ngày nặng đến mức ngay cả việc cúi người xuống cũng không thể, không chỉ bởi đau mà còn là cảm giác sẽ bị xô ngã. Lý thuyết bảo rằng, khi gập lưng thì trọng tâm rơi ra ngoài thân thể, khi đứng thẳng thì trọng tâm ở quãng lưng. Trường hợp này, trọng tâm sẽ rơi ra và không trở về đúng vị trí mong muốn.
Tôi lê chân kiểu “chấm phẩy” ra chợ mỗi sáng sớm mà nghĩ đến ngày đi đứng được bình thường sao quá xa vời, thậm chí mịt mùng. Cảm giác của người khuân vác vật nặng, đường thì xa, không thấy đích đến. Mới biết, nghĩ nhẹ nhàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào đâu có dễ!
Tôi có một người bạn là thầy thuốc nam. Một lần, quá bi quan, tôi tìm đến nhà bạn mong nghe một lời động viên, trấn an để bình tĩnh sống. Bạn xem xét rồi bảo tôi ít nhất ba tháng mới hoàn toàn bình phục. Bạn lấy lá ngải cứu khô, đốt rồi hơ lên chỗ đau. Tôi biết, chỉ là một thủ thuật tạo ảo giác đánh lạc hướng cảm giác đau, kiểu như nghĩ về cái này để quên cái kia vậy!
Rồi một ngày, tôi quyết định “bỏ thí” cái chân. Tôi chấp nhận đi cà nhắc và không nghĩ đến tương lai được trở lại như xưa. Tôi biết, bất kỳ tổn thương nào đều để lại di chứng hay dấu vết. Một năm hay vài năm, nếu không bình thường thì coi như đó là số phận. Mọi thứ được định đoạt (nói theo tử vi) bởi những ngôi sao có tên gọi rất đẹp mà hiểu rõ về nó ngoài tài suy luận còn phải có năng khiếu về thuật chiêm tinh.
Đúng như lời người bạn thuốc nam. Sang quá nửa tháng thứ hai, mỗi ngày, tôi thấy cái chân nhẹ dần, nhấc được lên cao hơn, bớt cà nhắc, chấm phẩy. Mới hiểu thêm triết lý, thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương. Vấn đề là, trong quãng chờ liệu pháp thời gian ấy, con người cần kiên trì, chịu đựng, chấp nhận nếu không nâng niu vết thương thì hãy quên nó đi. Chẳng còn sự chọn lựa nào khác!
Trở lại chuyện té ngã lần thứ ba. Hôm ấy, chân trái tôi không phải chịu trọng lượng cơ thể nhưng động tác khuỵu chân đã chạm đến chỗ bong gân cũ. Một cơn đau nhói lên khiến tôi phải nhăn mặt, ôm lấy đầu gối. Tôi thật sự hoảng hốt nếu chẳng may lại bị như lần trước. Tiếp sau nỗi sợ là tự động viên mình bình tĩnh. Lỗi mình làm ra thì mình chịu, chẳng nên kêu than. Biết bao sự việc đã trôi qua trong cuộc đời, nặng có, nhẹ có, đủ mọi diễn biến, trạng thái tâm lý khác nhau. Phải lạc quan với triết lý việc gì rồi cũng qua để tiếp tục bước đi.
May mắn làm sao, nơi chỗ đau cũ, nếu lần trước hoàn toàn không có vết bầm lộ ra bên ngoài mà chỉ đau bên trong thì lần này, một lúc sau nổi lên vết tím bầm khá lớn. Tôi xoa nhẹ vào chỗ đau cũ rồi hồi hộp đứng lên. Tạ ơn trời, tôi đi được bình thường. Một niềm vui quá lớn. Con người lỗi lầm còn bởi không quan tâm hay chú ý đến những điều rất đỗi bình thường mà cho rằng lẽ đương nhiên, đến khi mất đi rồi mới nhận ra sự tồn tại quan trọng của nó, khi đó thì đã muộn!
Khi tôi kể với mọi người rằng tôi bị té ngã ba lần trong một tuần thì ai nấy đều ngạc nhiên và khuyên tôi cẩn thận, không được chủ quan, không nên có thái độ coi thường việc té ngã như thế. Tôi gật đầu lia lịa. Tôi hiểu chớ, biết hết, nhưng chẳng ai lường được những việc bất ngờ. Tương lai là màn bí mật, “thiên cơ bất khả lậu”, phía trước luôn có những điều chờ đợi mà ta hoàn toàn không biết, không nghĩ ra. Đó là cuộc sống. Từng tuổi này rồi, tôi rõ, tôi cần hạn chế tối đa việc té ngã, không chỉ cho tôi mà còn cho người thân. Thân nặng, đâu chỉ mình chịu? Cuộc sống là chuỗi những mắt xích kéo việc này qua việc kia, hệ lụy từ người này sang người khác.
Sau mọi thứ đã qua, tôi thấu được, nặng hay nhẹ do mình. Nghĩ nặng thì nó sẽ nặng. Chấp nhận và buông bỏ là điều kiện cần và đủ để giảm bớt hoang mang, lo lắng. Ba lần té ngã của tôi trong vòng một tuần, rất may chỉ còn lại vết bầm để khi nhìn vào đó tôi nhắc mình cẩn thận hơn và suy ngẫm về những điều may mắn ẩn trong sự rủi ro.
Nhưng tôi biết, những vết bầm rồi sẽ phai, tôi sẽ quên và không chắc tôi sẽ không vấp phải lỗi lầm cũ cho dù đã rút nhiều kinh nghiệm.
Nghĩ cho cùng, chính những điều nặng - nhẹ, rủi - may, đau khổ - hạnh phúc, nụ cười - nước mắt… đã làm nên cuộc sống, cho con người nhiều bài học trải nghiệm để biết dừng hay buông. Có phải vậy không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.