Tự động phát
Gần 2 năm trước, Tô Đình Khánh, 25 tuổi, là một chàng trai hoạt ngôn, năng nổ, siêng năng bán hàng online, theo đuổi đam mê kinh doanh.
Một sáng tháng 4.2018, bàn chân Khánh đột nhiên tê cứng. Nghĩ mình chỉ mệt mỏi, anh nghỉ ngơi, nhưng mọi thứ lại càng tệ hơn. Từng giờ trôi đi, Khánh càng thấy đớn đau len lỏi khắp đôi chân. Một người bạn tức tốc đưa Khánh vào bệnh viện (BV). Lúc này, Khánh không đi được nữa, phải kéo lê qua từng bậc cầu thang.
Các bác sĩ thấy có gì đó không ổn liền chuyển lên BV tuyến trên. Các xét nghiệm, chẩn đoán nhanh chóng được thực hiện. Khánh có nguy cơ tắc động mạch máu, phải chuyển sang BV Chợ Rẫy. Bấy giờ, BV quá tải, phải đến 12 giờ khuya anh mới được tiếp nhận.
|
“Chân mình tím tái, đau như sắp nổ tung! Khoa cấp cứu la liệt người nằm, đến hơn 2 giờ sáng mình mới được thăm khám. Kết quả: chân hoại tử, chỉ có cưa mới bảo toàn mạng sống…”, Khánh kể lại những ký ức kinh hoàng.
Chỉ có 2 em Khánh ở đó, ba mẹ còn tận ở quê. 2 đứa em vừa hỏi vừa khóc: “Giờ sao đây anh…". Trong cơn đau, Khánh nghĩ đến cái chết, rồi nghĩ đến một cuộc sống không chân. Còn sống, dù sao vẫn tốt hơn. Khánh nói với 2 em: “Ký giấy giúp anh, rồi báo bố mẹ…”.
Nghe tin con bước vào cuộc đại phẫu tỉ lệ sống sót 50/50, hai đấng sinh thành bàng hoàng, tức tốc bắt xe vào TP.HCM. Trong khi đó, ở bệnh viện, Khánh nhờ 2 em quay clip lại những lời trăn trối cuối cùng, trước khi lên bàn mổ đánh cược số phận.
6 giờ sáng, ca mổ bắt đầu trong lời nguyện cầu của những người yêu thương Khánh nhất.
Sau đó bao lâu thì tỉnh Khánh cũng không rõ. Những quãng ký ức tỏ mờ chập chờn trong cơn mê và cơn đau.
|
Khánh mở mắt, tự hỏi mình là ai, rồi thử gọi tên Tô Đình Khánh. Thấy thật thân quen. Thấy mình còn sống. Anh đưa tay sờ xuống chân, chỉ thấy 2 cục bông tròn lẳn. Đồng hồ điểm 12 giờ. Mới 6 tiếng trước, Khánh vẫn còn đôi chân.
“Về phòng hồi sức đặc biệt, mình không được gặp ai hết. Suốt 2 ngày không biết sáng tối. Quanh người chằng chịt dây nhợ, tay bị cột, miệng bị nhét khăn. Mọi thứ có y bác sĩ lo. Ngày thứ 3 sau mổ, mình mới được gặp bố mẹ, người thân. Họ đến rất đông, nhìn mình, vuốt ve mình, chúc mau hồi phục. Không ai cười, nhưng không ai dám khóc. Mình cũng không dám khóc… Rất lâu, cho đến lúc một thằng bạn thân đến ôm mình, bật lên nức nở, mình mới vỡ òa… Cả phòng bệnh như những đứa trẻ con, khóc không ngừng…”, Khánh kể về phút giây không thể nào quên.
Trở về từ cõi chết, Khánh bỗng không thấy sợ gì nữa. Anh lạc quan, cười đùa với người thân, bạn bè đến thăm. Ai cũng nghĩ anh đã ổn, chỉ chờ hồi phục. Chỉ có anh tự thấy mình không ổn, với những cơn đau vẫn dai dẳng khắp người.
|
“Việc gì đến cũng đến. Bác sĩ vào, thông báo mình bị hoại tử, phải tháo luôn khớp háng. Những hy vọng lóe lên rồi lại mịt mờ. Người ta cần ít nhất 1 tháng để tiếp tục phẫu thuật. Còn mình, vỏn vẹn 4 ngày. Các bác sĩ dự báo tỉ lệ sống sót lần này còn không tới 50…”, Khánh kể.
Nhưng với Khánh, mọi thứ đã khác. Lần đầu mổ, Khánh cô đơn, không có ai ngoài 2 đứa em, nên anh sợ. Lần này, anh đã nhận được tình thương của tất cả mọi người, anh thấy mình hạnh phúc. Mổ thế nào, chuẩn bị ra sao, Khánh đã biết nên mọi thứ trơn tru. Khánh vào phòng mổ, nghĩ mình phải sống. Còn mẹ anh không nghĩ được gì, bà ngất xỉu phía hành lang.
Một lần nữa, Khánh mở mắt, vượt qua lưỡi hái tử thần. Lại thêm 3 ngày cách ly Khánh mới được gặp lại người thân. Nhưng quy định mỗi ngày chỉ được gặp 2 người, một lần gặp chỉ được đúng 3 phút. Suốt 10 ngày như thế.
“Những ngày sau đó, kinh hoàng… Nhiều đêm liền mình không ngủ, vừa đau vừa ám ảnh tiếng còi cấp cứu. Nhưng mình cắn răng, khóc mà không thành tiếng, vì sợ bố mẹ thấy. Có lúc, mình đã muốn bứt hết dây nhợ quanh người, chết đi cho xong. Nhưng rồi nhìn bố mẹ nằm dưới gầm giường, mình biết không thể để họ khổ hơn nữa. Mình phải sống!”, Khánh quyết tâm.
4 tháng ở Chợ Rẫy, tinh thần Khánh vực anh xa cửa tử. Anh hồi phục một cách bất ngờ. Các bác sĩ chuyển anh sang bệnh viện khác để chỉnh hình vết thương, phục hồi chức năng. Hành trình sống của Khánh lại tiếp tục bằng những ngày nạo vét “sống” vết thương. Sau 1 tháng, Khánh lại lên bàn mổ, lóc da bên hông đắp đắp vào phần cơ thể bị mất.
Ròng rã nửa năm trời, Khánh khép lại chuỗi ngày lấy bệnh viện làm nhà. Chàng trai trẻ bước tiếp cuộc đời mình bằng nửa thân người còn lại.
"Mỗi ngày còn được sống là hạnh phúc rồi"
Một chàng trai cao ráo, đương tuổi gầy dựng tương lai, sự nghiệp. Một chàng trai có tình yêu hạnh phúc, sắp làm một hôn lễ ấm cúng. Bỗng một ngày mọi thứ biến tan, vô hình như nửa thân người đã mất..
“Dự tính đám cưới, rồi thôi. Mình như vầy, lấy ai cho khổ đời người ta. Cô ấy là cô gái tốt, nên có quyền lựa chọn một cuộc sống tốt hơn. Tụi mình giờ là bạn bè, hai người bạn rất thân”, Khánh bộc bạch về tình yêu đã mất…
|
Mạnh mẽ từ chính những ngày còn nằm trên giường bệnh, chẳng lâu để anh cân bằng lại cuộc sống của mình. Hai tay vẫn còn khỏe mạnh, Khánh lại tiếp tục công việc bán hàng online, theo đuổi đam mê kinh doanh. Mỗi ngày thức dậy, Khánh tập thể dục, uống thuốc rồi lại kiểm tra đơn hàng.
Trường hợp của Khánh không mong được gắn chân giả nữa. Tất cả mong ước của chàng trai 9X bây giờ chỉ là khỏe mạnh để sống cuộc đời lạc quan. Khánh tạo một kênh YouTube mang tên mình, ghi lại những hoạt động thường ngày. Câu chuyện nghị lực của anh đã truyền cảm hứng sống cho rất nhiều người.
Bình luận (0)