Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.2024):

'Hai lần vượt Trường Sơn' của một nhà báo - chiến sĩ

19/05/2024 07:14 GMT+7

Nhà thơ Tố Hữu viết: 'Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình'. Với 'Hai lần vượt Trường Sơn', gói gọn trong 450 trang sách (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2023), tác giả Kim Toàn đã hé mở phần nào những bí ẩn của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - để những người đọc chưa từng biết Trường Sơn có dịp được 'hiểu mình' hơn.

Sách ra mắt được gần 1 năm và đã có sự cuốn hút, sức lan tỏa bởi đây là những ghi chép chân thực của một nhà báo - chiến sĩ. Trong cuộc trường chinh đầy hiểm nguy, ông đã bằng sự quan sát tinh tế, sự rung động chân thành, tranh thủ từng phút hiếm hoi, kiên trì ghi chép lại những sự thật đầy biến động diễn ra trên đường hành quân.

Nhà báo Kim Toàn (Cao Kim) tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định, xuân Mậu Thân - 1968

Nhà báo Kim Toàn (Cao Kim) tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định, xuân Mậu Thân - 1968

Tư liệu gia đình

"Từ ngày 23.3, cả đoàn thức dậy hành quân từ 2 giờ rưỡi sáng. Ngày đầu đeo vác nặng, đi bộ đường dài, chúng mình phải rất khó nhọc mới vượt được mấy ngọn núi hiểm trở, qua nhiều cầu mây, vực thẳm và lội qua hơn mười con suối..." (trang 58). "Chiếc gậy Trường Sơn" mà chúng ta từng nghe trong bài hát được Kim Toàn nói rõ hơn tác dụng của nó: "Với chiếc gậy như được chắp thêm chân, nối thêm tay... giúp mình và mọi người vừa dò đường, vừa chống đỡ những cơn trơn trượt để khỏi ngã khi lên xuống dốc hoặc lúc sát cánh bên nhau băng qua những dòng sông, suối chảy xiết, có nhiều đá ngầm lởm chởm. Chiếc gậy cũng giúp mỗi người có thể chống cả hai tay để đứng nghỉ tại chỗ khi dừng chân trên mỗi chặng hành quân nặng nhọc, qua những nơi lầy lội hoặc rừng già ẩm thấp mà không có chỗ ngồi. Chiếc gậy còn giúp nhiều người khi tìm mở lối mòn, tránh vật cản trong rừng và kịp thời đập chết lũ rắn rết độc hại luôn rình rập..." (trang 58).

'Hai lần vượt Trường Sơn' của một nhà báo - chiến sĩ- Ảnh 2.

Một số sách của nhà báo Kim Toàn về hoạt động của các nhà báo tại chiến trường miền Nam

Một số sách của nhà báo Kim Toàn về hoạt động của các nhà báo tại chiến trường miền Nam

Tư liệu gia đình

"… Bữa ăn nào ăn xong cũng cảm thấy như chưa ăn. Hôm nay mình và nhiều người càng đói và mệt vì nắng nóng hầm hập. Những nắm cơm nguội mang theo từ trưa hôm trước đều đã bị thiu. Chúng mình phải dùng dao găm gọt bỏ lớp ngoài nắm cơm, chỉ lấy phần lõi, đem nướng cháy sém, rồi cố nuốt cho đỡ đói" (trang 70). Nhiều hôm không có chút cơm nguội để nuốt, không có cơm thiu nhai tạm và chẳng có cả cháo cầm hơi. Đã vậy, còn phải tìm cách "chiến đấu" với các loại "ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương ... Mỗi khi đụng chân người, lũ mối càng có thể kéo ra cả đàn, dùng chiếc càng nhọn cắt đến rách da thịt để hút máu..." (trang 59).

Mấy lần bị bom giập, bị ngã gãy tay và sốt rét, ông phải nghỉ tại trạm giao liên. "Những anh em do sức yếu, bị thương hoặc bị sốt rét phải nằm lại các trạm đều được các chiến sĩ giao liên chăm sóc tận tình. Thỉnh thoảng trong đội hình hành quân của bộ đội có chiến sĩ bị ngất nằm lăn xuống đất do quá mệt hoặc sốt rét không thể bước, đồng đội lại đưa lên võng, thay nhau cáng theo và mang giúp ba lô"... (trang 143).

Cũng có một số thanh niên không chịu nổi cực khổ đã nản lòng tìm cách bỏ ngũ tìm đường trở lại hậu phương (ở chiến trường gọi là "B quay"). Khi tình cờ gặp một số anh em chiến sĩ trẻ có hành động tiêu cực, Kim Toàn vừa giận lại vừa thương. Bằng tình thương và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, nhà báo Kim Toàn đã bình tĩnh phân tích điều hay lẽ phải, giúp các thanh niên nhận ra lỗi lầm. "Ở đời, ai cũng muốn sống, nhưng phải biết trọng danh dự. Khi nước mất, nhà tan, không có hòa bình, độc lập, tự do thì chẳng ai có cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Phải sống sao để không hổ thẹn với đồng đội đã anh dũng đổ máu, hy sinh, và sẽ không hối tiếc, ân hận vì là kẻ hèn nhát, tự hủy hoại tuổi xuân, gieo nỗi tủi nhục cho gia đình, dòng tộc, quê hương và bạn bè…" (trang 90 - 91). Từ những lời khuyên chân tình đó, có những chiến sĩ trẻ đã hối lỗi, tự nguyện viết kiểm điểm và trở về cùng đơn vị chiến đấu.

Điều nguy hiểm nhất trên đường hành quân tại Trường Sơn là phải thường xuyên chống chọi với máy bay Mỹ luôn quần đảo, có thể trút bom hủy diệt bất cứ lúc nào. Đã có những đoàn công tác không vẹn toàn đến nơi vì vi phạm quy định "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Càng hành quân vào sâu, sức vóc của mọi người trong đoàn càng suy kiệt, tính mạng luôn bị đe dọa. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, tác giả luôn nhủ mình "Trước mắt còn vô vàn khó khăn, gian khổ chưa thể lường hết, đòi hỏi mình phải đem hết nghị lực để vượt qua. Mình đã nguyện trong lòng: dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng cố gắng đi tới và quyết không lùi bước". Và đúng như lời nguyện của mình, nhà báo Kim Toàn cùng Đoàn K94 đã đến được chiến trường Nam bộ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Lần thứ hai nhà báo Kim Toàn vượt Trường Sơn giữa lúc cách mạng miền Nam đang trên đà lớn mạnh, mọi người được đi bằng xe cơ giới, không phải lội bộ như lần đầu. Nhưng tháng 3.1974, khi đang cùng đoàn hành quân tới trạm giao liên H.Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhà báo Kim Toàn bất ngờ bị bệnh nặng, mất rất nhiều máu. Ông được chuyển tới Bệnh viện Quân y dã chiến 41 của Quân khu 4 trong tình trạng "thập tử nhất sinh" và phải cấp cứu suốt hơn nửa tháng. Ngay những phút cái chết đang cận kề, Kim Toàn vẫn rất bình tĩnh dặn bạn giúp mang ba lô của mình về cho gia đình, chuyển những tài liệu quý cho thủ trưởng Hồng Châu - Thép Mới, và nhất là nhờ chuyển giúp số băng ghi âm và thư của hơn một trăm người tại chiến trường nhờ mình cầm về gửi các gia đình người thân ở miền Bắc... Nhờ các bác sĩ tận tâm cứu chữa, nhờ dòng máu ân tình của cán bộ, chiến sĩ tiếp cứu, và hẳn là được nhờ cả hồng phúc của tổ tiên, thêm một lần ông đã thoát khỏi cái chết, được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và ân tình của bà con, đồng đội.

Năm 1966, nhà báo Kim Toàn cùng 22 cán bộ được dự học "Lớp Báo chí đặc biệt" của Ban Tuyên huấn Trung ương rồi bí mật "đi B" (chiến trường miền Nam). Ông là phóng viên Báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động tại chiến trường Nam bộ và mặt trận Sài Gòn - Gia Định... Ông có những tháng ngày cùng nhà báo Thép Mới bí mật hoạt động ở nội thành Sài Gòn, vừa cầm bút vừa cầm súng, trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968.

Ông từng là Tổng biên tập Báo Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, tham gia BCH Hội Nhà báo Việt Nam nhiều khóa và được biết đến như một tổng biên tập năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm từ những năm đầu đổi mới.

Hai lần vượt Trường Sơn là cuốn sách thứ tư của Kim Toàn viết về đề tài chiến tranh. Trước đó, ba cuốn Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch (2017); Làm báo ở chiến trường (2018) và Viết trong lửa đạn (2020) đều do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.