Bước vào hôn nhân mới, mỗi người đều mang theo hành trang là truyền thống, văn hóa gia đình của thế hệ trước, trong đó có cả những điều tốt và cả những hạt mầm sinh ra bất hạnh.
Trò chuyện với ta của thời thơ ấu
Trong cuốn sách Hai mặt của gia đình, Tiến sĩ tâm lý Trị liệu Gia đình Choi Kwanghuyn cho rằng gia đình là nơi ấm áp nhất, nơi yêu thương ta vô điều kiện nhưng cũng là nơi làm ta tổn thương nhiều nhất. Có phải chúng ta đôi lúc vẫn cảm thấy tức giận với vợ hay chồng không lý do, nổi giận với bọn trẻ trong vô thức? Đó là vì chúng ta sống lý trí hơn khi ở bên ngoài và sống bản năng, vô thức hơn khi ở nhà bên những người thân. Nếu những lý do ẩn sâu ảnh hưởng lên suy nghĩ, cảm xúc và hành động hiện tại của ta không được nhìn rõ, thì nơi ta sống sẽ mãi là nơi cho - nhận tổn thương.
Ngày nay, chúng ta dễ dàng chứng kiến những câu chuyện kiểu này: Người mẹ đang xếp hàng cùng con nhỏ. Vì chờ lâu nên đứa trẻ chán và bắt đầu mè nheo nghịch phá. Người mẹ đưa tay đánh đứa trẻ làm nó bật khóc. Khi mọi ánh mắt và sự quan tâm của mọi người đều dồn vào hai mẹ con thì người mẹ lớn tiếng quát mắng hay thậm chí đánh thêm để đứa trẻ thôi khóc. Ai cũng xót xa vì đứa trẻ bị đánh nhưng trong đám đông đó, chỉ một người sẽ lập tức mạo hiểm tính mạng để lao ra cứu đứa trẻ nếu nó gặp nguy hiểm. Tại sao người mẹ yêu con hết mực lại là người đánh con chẳng nương tay?
Các nhà tâm lý học đưa ra lý giải rằng hầu hết những “vết thương lòng” sinh ra từ gia đình đều xuất phát từ ý đồ và động cơ tốt. Bạo hành, ngược đãi trong gia đình xảy ra không phải vì người ta cố tình làm hại con cái hay bạn đời. Phần lớn người gây ra tổn thương cho người thân, đẩy gia đình vào khủng hoảng và mâu thuẫn trong vô thức. Bởi vì họ cũng từng trải qua thời thơ ấu như vậy.
Bí quyết của gia đình hạnh phúc
Sau những câu chuyện và phân tích từ góc độ của tâm lý học, tác giả không quên đưa ra những bí mật của gia đình hạnh phúc bắt đầu từ yêu thương bản thân, tự lập, giao tiếp, giữ khoảng cách tình cảm với gia đình…
Để thoát khỏi hội chứng về nhà – tái hiện lại mối quan hệ gia đình bất hạnh thủa nhỏ, chúng ta phải giữ khoảng cách với gia đình lúc nhỏ và quan sát. Hãy dũng cảm đối diện với cảm xúc đã qua ở nơi đó. Để xây dựng một gia đình lành mạnh sau hôn nhân, cả hai vợ chồng nhất định phải độc lập và li khai về mặt tình cảm với bố mẹ. Thay đổi gia đình không thể bắt đầu bằng việc đổ lỗi hay quy trách nhiệm. Cần thay đổi môi trường gia đình, cải thiện bản chất gia đình và quan trọng nhất là thay đổi cách thức giao tiếp cùng quan hệ đã ăn sâu cắm rễ. Tình yêu được truyền đi qua những cuộc trò chuyện và những cái ôm. Khi lắng nghe hãy dừng việc đang làm và nhìn vào mắt trẻ, giao tiếp chân thành với cảm xúc của bản thân và luôn nói sự thật. Đừng “tiết kiệm” những cái ôm, những cử chỉ quan tâm chăm sóc. Chính những ký ức vui vẻ hạnh phúc trong tuổi thơ cùng tình yêu thương ấm áp của cha mẹ là sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng những nỗi buồn và sợ hãi phải trải qua trong cuộc đời và cũng là nguồn gốc hình thành tình yêu bản thân. Đến khi trẻ đã đủ lớn, hãy hỗ trợ và để chúng được tách ra tự lập. Các thành viên càng tự lập, gia đình càng hạnh phúc.
Choi Kwanghuyn học tiến sĩ và hành nghề Trị liệu Gia đình tại Đức, sau đó trở về Hàn Quốc làm việc trong vai trò là Trưởng khoa Tham vấn Gia đình tại Viện Cao học Tham vấn, trường đại học Hansei; đồng thời là Viện trưởng Viện nghiên cứu Trị liệu Gia đình và Sang chấn.
Cuốn sách tâm lý học thường thức Hai mặt của gia đình phù hợp với cả những người chưa học qua về tâm lý học. Người đọc có thể tự mình soi chiếu quá khứ và chữa lành tổn thương cho đứa trẻ nội tâm của mình. Khi chúng ta hiểu, chấp nhận và yêu thương bản thân; nhận ra “vòng lặp” vô thức của bất hạnh gia đình, chúng ta sẽ nỗ lực hơn để vun đắp cho tổ ấm bằng tâm thế mới.
|
Ảnh: Freepik