Thần tượng bóng đá của người nghèo
Nghèo đói là điều phổ biến trong bóng đá. Nhưng sự chân thật kết hợp với danh tiếng của Maradona, một người đến từ những khu ổ chuột ở ngoại ô Buenos Aires (Argentina), đã trở thành tia sáng dẫn đường cho tầng lớp thấp cổ bé họng, giúp họ nuôi dưỡng đam mê để đến với môn thể thao “vua”. Maradona được tôn vinh nhờ thiên tài nhưng luôn “nhảy múa” với quỷ dữ do cuộc sống cá nhân vì tính tình ngang ngược, ma túy, rượu và phụ nữ. Tuy nhiên, tư tưởng của Maradona tỏ ra kiên định. “Cậu bé vàng” đại diện cho khát vọng của những người được gọi là tầng lớp thấp trong xã hội Argentina vốn phân tầng sâu sắc.
Điều này đã được công nhận ở Palestine, nơi mà người dân đã tuyên bố rằng họ có quan hệ họ hàng với Maradona sau tuyên bố của huyền thoại Argentina rằng: “Trong trái tim, tôi là người Palestine”. Tuyên bố này được đưa ra vào năm 2014, khi Maradona lên án cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, một vùng lãnh thổ tranh chấp giữa 2 nước. Tư tưởng hướng đến người tầng lớp thấp trong xã hội của Maradona còn được ánh lên ở nhiều quốc gia khác. Đó là tình đoàn kết ở Bangladesh xa xôi, nơi mà quần chúng đã xuống đường phẫn nộ khi FIFA cấm Maradona tham dự World Cup 1994 sau khi ông có kết quả xét nghiệm dương tính với doping. Việc Maradona được tôn như một vị thánh ở Naples (Ý) sau khi mang về vinh quang những năm 1980 cho một CLB Napoli yếu ớt nằm ở vùng đất nghèo đói, dịch bệnh... cũng là một minh chứng rõ rệt nhất.
Dù trở thành một cầu thủ vĩ đại nhưng Maradona thấu hiểu những thân phận người có xuất phát điểm như ông. Khi còn nhỏ, Maradona gần như “chết chìm” trong sự bạo lực, bị phân biệt đối xử và nghèo khổ ở nơi ông lớn lên là Villa Fiorito. Maradona đã được một người chú là Cirilo cứu vớt. Chính người chú này đã tặng ông quả bóng da đầu tiên lúc ông 3 tuổi, mà sau đó “Cậu bé vàng” luôn mang theo khi đi ngủ hằng đêm trong nhiều năm. Đây cũng là những hoàn cảnh của hàng nghìn trẻ em ở miền nam Argentina thời đó, những người có ước mơ chơi bóng cho các CLB lớn của châu Âu hoặc cầu nguyện thoát khỏi tình trạng nợ nần dù phải đánh đổi mạng sống của mình. Vì vậy, Maradona được ví là kẻ đâm xuyên bức tường giữa tầng lớp giàu - nghèo.
|
Thông điệp thánh thiện “to”, “rõ” và “nổi loạn”
Một số nhà viết tiểu sử từng mô tả Maradona là “kẻ nổi loạn cứng rắn nhất. Ông ấy không phải là cầu thủ bất tuân duy nhất, nhưng ông ấy là tiếng nói với những câu hỏi sốc vang to và rõ ràng nhất”.
Maradona từng nổi đóa truy vấn FIFA về việc tại sao các cầu thủ lại phải chịu sự độc quyền của truyền hình tại World Cup 1986 khiến họ phải chơi giữa trưa nắng gắt để phục vụ khán giả châu Âu. Ông còn yêu cầu tổ chức này phải “mở ngân sách” để dân chúng, đặc biệt là cầu thủ kiểm tra khi họ là những người biểu diễn cực khổ mang về hàng tỉ USD cho FIFA từ doanh thu quảng cáo và bản quyền truyền hình. Khi FIFA đưa ra lý lẽ bảo vệ, Maradona đã đứng ra thành lập liên đoàn cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế khi hợp tác với các huyền thoại bóng đá George Weah (Liberia) và Eric Cantona (Pháp). Maradona muốn tận dụng danh tiếng của họ để giúp các cầu thủ nghèo khó tiếp cận và kiếm sống nhờ bóng đá. Đó cũng là hình ảnh của “Cậu bé vàng” sau khi ký hợp đồng đầu tiên trong sự nghiệp với CLB Argentinos Juniors. Bất chấp việc cha ông tiếp tục làm việc trong nhà máy, Maradona đã trở thành trụ cột chính của gia đình nhờ hợp đồng ấy. Với việc khuất phục hoàn cảnh và tầm vóc nhỏ bé thua thiệt trong thể thao để vươn đến đỉnh cao, “Cậu bé vàng” đã trở thành một phép ẩn dụ cho niềm tin và hy vọng của những người bị áp bức, nghèo đói ở Argentina, Mỹ Latin, châu Phi...
Bình luận (0)