Hai năm cổ phần hóa, gần 240 tỉ đồng tại Cienco 1 bị ‘thổi bay’

06/06/2023 10:45 GMT+7

Chỉ trong 2 năm thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, dàn cựu lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) bị cáo buộc có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại gần 240 tỉ đồng.

Trưa 6.6, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án thất thoát hàng trăm tỉ đồng trong quá trình cổ phần hóa diễn ra tại Cienco 1. Kết thúc phần thủ tục, đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng, cho thấy chuỗi hành vi của 7 bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách như thế nào.

Cienco 1 được thành lập năm 1995 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng, loại hình Công ty TNHH MTV, vốn điều lệ hơn 220 tỉ đồng, Nhà nước nắm giữ 100% vốn do Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư.

Tháng 6.2014, Cienco 1 chuyển đổi thành công ty cổ phần, vốn điều lệ tăng lên 700 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 35%. Sáu tháng sau, Bộ GTVT thoái toàn bộ vốn nhà nước. Quá trình “chuyển mình” của công ty này, hàng loạt sai phạm đã xảy ra.

2 năm cổ phần hóa, gần 240 tỉ đồng tại Cienco 1 bị ‘thổi bay’ - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Dũng (trái), cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1, và Cấn Hồng Lai, cựu Tổng giám đốc Cienco 1

PHÚC BÌNH

“Thổi bay” trăm tỉ vì xóa nợ trái quy định

Tài liệu vụ án cho thấy, để thực hiện cổ phần hóa, một ban chỉ đạo do trực tiếp Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định thành lập, do Chủ tịch HĐTV Cienco 1 Phạm Dũng làm trưởng ban, Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai làm phó ban thường trực; 2 phó ban và 11 ủy viên là cán bộ thuộc Bộ GTVT, Bộ Tài chính và cán bộ thuộc Cienco 1.

Tháng 6.2013, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, ông Cấn Hồng Lai chủ trì cuộc họp để rà soát các khoản nợ khó đòi của 50 công ty đối với Cienco 1, tổng số tiền hơn 364 tỉ đồng.

Theo quy định, các khoản nợ phải thu sẽ được xác định là nợ không có khả năng thu hồi và xử lý bằng nguồn dự phòng, nhưng phải đủ 2 điều kiện: công ty nợ tiền bị giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động; phải có đầy đủ hồ sơ.

Đối chiếu tại thời điểm trên, các khoản nợ của 50 công ty đều không đủ điều kiện để xếp vào dạng nợ không có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, tất cả thành viên tham dự cuộc họp đều thống nhất sẽ đề xuất sử dụng nguồn dự phòng của Cienco 1 để xử lý một phần số nợ, với tổng trị giá gần 185 tỉ đồng.

Xem nhanh 20h ngày 6.6: ‘Đột kích’ lò nấu dầu nhớt thải lậu | Mánh khóe 'thổi bay' trăm tỉ ở Cienco 1

Chủ trương được nhất trí, Tổng giám đốc Cấn Hồng Lai sau đó ký tờ trình (không số) gửi HĐTV. Chủ tịch Phạm Dũng ký phiếu xin ý kiến gửi các thành viên HĐTV kèm theo tờ trình của Tổng giám đốc Cấn Hồng Lai. Các thành viên HĐTV nhất trí phương án như đề nghị.

Để che giấu việc xóa nợ trái pháp luật, các bị cáo tại Cienco 1 chỉ hạch toán giảm số dư trên tài khoản “phải thu của khách hàng”, đồng thời giảm số dư trên tài khoản “trích lập dự phòng khó đòi” mà không theo dõi, hạch toán khoản công nợ này trên tài khoản ngoại bảng.

Hậu quả, giá trị Cienco 1 được xác định trước khi cổ phần là hơn 3.133 tỉ đồng; trong đó phần vốn nhà nước là hơn 478 tỉ đồng, không bao gồm các khoản nợ phải thu gần 185 tỉ đồng như đã nêu.

Vẫn theo quy định, kể từ khi xác định giá trị doanh nghiệp, Cienco 1 phải bàn giao các khoản nợ phải thu đã được xử lý cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Nhưng đến nay, khoản nợ gần 185 tỉ đồng không được Cienco 1 bàn giao cho DATC, cũng không bàn giao cho công ty cổ phần, không báo cáo với Bộ GTVT.

Chưa hết, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, Cienco 1 thu hồi được hơn 65 tỉ đồng tiền nợ của 6 công ty trước đây nhưng lại không bàn giao cho Nhà nước mà hạch toán vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ quan điều tra yêu cầu nộp lại số tiền được cho là hưởng lợi bất chính này, công ty chưa thực hiện.

2 năm cổ phần hóa, gần 240 tỉ đồng tại Cienco 1 bị ‘thổi bay’ - Ảnh 2.

Đại diện viện kiểm sát tại phiên tòa, sáng 6.6

PHÚC BÌNH

Bàn giao “đất vàng” giá rẻ

Một sai phạm khác được cơ quan tố tụng xác định, đó là năm 2013, khi Cienco 1 vẫn còn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Lúc này, công ty đang quản lý 4 khu đất tại TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Gia Lai. Mỗi khu đất rộng từ 422 m2 đến 16.706 m2.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp, Tổng giám đốc Cấn Hồng Lai ký văn bản gửi UBND 4 tỉnh, thành phố để đề nghị xác định giá trị 4 khu đất. Trong số này, UBND tỉnh Gia Lai và Tiền Giang không hồi âm; UBND TP.HCM và UBND tỉnh Long An thì yêu cầu cung cấp thêm một số tài liệu có liên quan. Tuy nhiên, Cienco 1 không bổ sung như đề nghị của 2 địa phương.

Tháng 6.2013, tại biên bản xác định giá trị doanh nghiệp, Cienco 1 và công ty kiểm toán xác định giá trị 4 khu đất là gần 12,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, phía kiểm toán có lưu ý rằng đây chỉ là giá trị tạm tính, giá đất chưa sát với thị trường và có thể thay đổi khi UBND các tỉnh công bố giá; người đại diện vốn nhà nước tại công ty cần tiếp tục theo dõi, thu hồi phần giá trị chênh lệch để ghi tăng vốn nhà nước hoặc chuyển trả về ngân sách.

Tháng 11.2013, Chủ tịch Phạm Dũng ký tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị phương án cổ phần hóa Cienco 1, trong đó đề xuất chuyển nguyên trạng 4 khu đất sang cho công ty cổ phần.

Theo quy định, nếu chuyển nguyên trạng, Cienco 1 phải xây dựng phương án sử dụng đất gửi UBND địa phương nơi có đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo thị trường để tính vào giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Phạm Dũng và Tổng giám đốc Cấn Hồng Lai đã không thực hiện việc trên mà chỉ làm thủ tục bàn giao nguyên trạng các khu đất cho công ty cổ phần. Đến tháng 12.2014, tức thời điểm Nhà nước thoái hết vốn tại Cienco 1, 4 khu đất vẫn không được xác định lại giá trị.

Vào cuộc điều tra, Bộ Công an trưng cầu giám định giá trị các khu đất. Kết luận định giá của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tại 4 địa phương cho thấy 4 khu đất tại thời điểm tháng 6.2013 có tổng giá trị gần 67,5 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa, thiệt hại gây ra là hơn 54,7 tỉ đồng.

Cộng với khoản nợ gần 185 tỉ đồng không được hạch toán vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cơ quan tố tụng xác định tổng thiệt hại trong vụ án là gần 240 tỉ đồng.

Xem nhanh 12h ngày 6.6: Trùm giang hồ Thảo ‘lụi’ bị bắt | Anh ‘Minh râu bán rau' lại gây sốt

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 7 bị cáo cùng bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo quy định tại khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự, khung hình phạt 10 - 20 năm tù.

Nhóm này gồm: Phạm Dũng, cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1; Cấn Hồng Lai, cựu Tổng giám đốc Cienco 1; Lê Văn Long, cựu Kế toán trưởng Cienco 1; Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán (Cienco 1 - CTCP); Nguyễn Mạnh Tiến, cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường (Cienco 1 - CTCP).

Ngoài ra còn có bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, thẩm định viên thuộc Công ty Kiểm toán A&C chi nhánh Hà Nội, và Nguyễn Ngọc Tuyến, cựu kiểm toán viên thuộc Công ty Kiểm toán A&C chi nhánh Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.