Chúng tôi đến thăm hai người đàn bà không chồng, tự nguyện làm mẹ 7 đứa trẻ khuyết tật vào một ngày cuối tuần. Trong căn nhà nhỏ, những đứa trẻ đang được hai "bà mẹ" cho ăn. Một đứa đầu to, ngồi trên xe lăn, hàm răng nghiến lại, tay chân co quắp, lâu lâu lại đá đấm về phía những ai đứng ngồi đối diện. Một đứa thì mắt mở trừng trừng nhìn người khác cứ như là "kẻ thù". Một đứa khác thì miệng cười liên tục, nụ cười vô cảm trên khuôn mặt dại khờ. Một đứa thì mềm nhũn nằm bất động trên giường. Có đứa thấy chúng tôi, bỏ chạy vào góc nhà ngồi co ro sợ sệt... Tất cả đều ốm đau, bệnh tật, không biết nói... Các cháu đều gào thét, đập đầu xuống nền nhà, vào tường hay cào cấu người khác suốt cả ngày. Trong 7 cháu, có 4 cháu bị di chứng của chất độc da cam/dioxin, 3 cháu bị bệnh bại não. Bảy phần cơm, bảy cái thìa nhỏ, hai người mẹ cứ thế chuyền tay nhau cho bảy đứa con cùng ăn. Hơn một giờ, bữa cơm đạm bạc của các cháu mới xong. Hai chị, hai người mẹ mới có chút thời gian ngồi cùng chúng tôi trò chuyện.
Bắt đầu từ năm 1999, hai chị Nguyễn Thị Tuyết Lan và Trần Thị Hiền từ Lâm Đồng về lập nghiệp ở xóm mới thuộc tổ 3, phường Trà Bá (TP Pleiku). Lúc đó, cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều vất vả. Với một mảnh vườn 7 sào, một căn nhà nho nhỏ, hằng ngày hai chị tích cực chăm bẵm vườn cây để duy trì cuộc sống thường nhật (hai chị là con cô con bác trong gia đình). Một hôm, tình cờ người bạn chị Hiền từ tỉnh Kon Tum đến thăm và kể chuyện về cháu Y Liu, dân tộc Sê Đăng ở thôn 5, xã Ngọc Wang, huyện Đắc Hà (Kon Tum) bị bệnh bại não, nằm liệt giường, mắt mở to và thấy ai đến thì cháu luôn cười, nụ cười vô hồn đầy thương cảm. Y Liu là con gái đầu lòng của hai vợ chồng A Duối. Sinh con bị dị tật, A Duối sợ bị Yàng phạt lây tới bản thân đã bỏ vợ một mình chèo chống, sợ hãi nuôi đứa con tật nguyền cùng với bố mẹ bị bệnh thần kinh đi lấy vợ khác. Nếu hai chị không nhận nuôi kịp thời thì làng "bắt" phải giết chết đứa trẻ tật nguyền tội nghiệp đó. Làng muốn làm ăn phát đạt, lúa cho nhiều hạt, bắp cho nhiều trái, con heo, con gà đẻ nhiều, con bò béo mập... thì nhà ai có những đứa con như thế thì phải "cho về thế giới bên kia" từ lúc nhỏ. Thương tình, hai chị đã đồng ý nhận Y Liu về nuôi. Ngày đó, Y Liu một tuổi mà không khác gì lúc mới sinh, chỉ nằm quẫy đạp, đầu nện xuống nền nhà. Chị Hiền kể: "Lần đầu tiên thấy cháu, chúng tôi nhìn nhau xúc động không nói nên lời. Để cứu được cháu và có điều kiện chăm sóc, hai chị quyết định đầu tư cho chị Hiền đi học lớp nghiệp vụ ở TP Hồ Chí Minh về vật lý trị liệu cho trẻ bị di chứng chất độc và bệnh bại não, khiếm thính. Ra trường, bao nhiêu kiến thức học được, cùng với tình thương yêu đứa trẻ từng bị bỏ rơi, hằng ngày chị Hiền tập trung điều trị phục hồi chức năng, dần dần cháu Y Liu ngồi được, hai chị mừng quá bòn tiền mua được một chiếc xe lăn đẩy để cháu ngồi. Giờ Y Liu đã lớn, cháu biết ngồi lắc lư theo tiếng nhạc mà hai chị vẫn hằng ngày bật lên để thay lời hát ru.
Tình mẹ
Năm 2001, hai chị có thêm một đứa con nữa, chị Phương ở cùng tổ có đứa con bị bệnh tim, gia đình khó khăn tìm đến nhờ hai chị nuôi giúp. Năm 2002, đàn con của hai chị đông thêm khi có thêm cháu Lành ở Nam Yang, huyện Mang Yang (Gia Lai) 7 tuổi bị mù tìm đến, hai chị nhận làm con. Năm 2003, tiếng lành đồn xa, có người từ Nhơn Hòa, huyện Chư Sê (Gia Lai) tìm về nhờ hai chị nuôi giúp cháu Nam. Nam bị bệnh bại não, mắt lúc nào cũng mở tròn, ai đến cứ nhìn chăm chăm, theo tiếng động nhưng dường như cháu không hề nhìn thấy vật gì. Rồi cháu Thảo 12 tuổi, gia đình ở TP Pleiku bị di chứng chất độc hóa học, bại liệt đầu nhỏ xíu, toàn thân mền nhũn, chỉ còn đôi mắt là biết khép vào, rồi lại mở to ra. Cháu Y Liễu, người dân tộc Sê Đăng ở tỉnh Kon Tum, cuộc đời cháu cũng tương tự như cháu Y Liu, nếu hai chị không nhanh chân tìm đến xin về làm con nuôi, thì giờ đây chắc cháu cũng đã làm con "ma lẻ" giữa những cánh đồi hoang.
Chuyện trò cùng chúng tôi, chị Lan mong đến ngày cây lá trong vườn cho trái, cho hoa để kinh tế gia đình đỡ lên. Lúc đó, chị sẽ nhận thêm các cháu về nuôi. Vì có thêm một cháu là thêm việc, từ việc chăm lo cho các cháu giấc ngủ, đến việc ăn, giặt giũ, dọn dẹp, vệ sinh cho các cháu. Mà muốn nhận nuôi nhiều cháu phải có người. Nhờ thì khó, mà thuê thì không có tiền trả công. Chị Lan tâm sự: "Nuôi dưỡng các cháu, chúng tôi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn". Sao hai chị không lấy chồng mà sinh con? Chị Hiền nhìn khách không chút đắn đo nói: "Lúc đầu chúng tôi cũng muốn lấy chồng để yên bề gia thất, toại nguyện ước mơ của đời người con gái. Tiếc thay, cũng đã có ba, bốn người đàn ông đến "tìm hiểu". Thời gian đầu họ cũng thương chúng tôi, muốn cùng nhau nên vợ nên chồng. Nhưng sau khi trực tiếp đến nhà, họ thấy cuộc sống của hai chị em và những đứa trẻ dị dạng mà chị em chúng tôi hằng ngày dành tình thương yêu chăm sóc, nuôi dưỡng, họ không chịu nổi đã lặng lẽ ra đi, không một lần trở lại. Thú thật, nhiều lúc nghĩ lại chuyện tình duyên cũng cảm thấy buồn"...
Chúng tôi thấy hai chị đưa tay gạt nước mắt. Và kỳ diệu thay, khi nước mắt chưa rơi xong thì trên môi của cả hai người lại xuất hiện nụ cười mãn nguyện. Mắt họ nhìn những đứa trẻ âu yếm, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc...
Lê Quang Hồi
Bình luận (0)