Hai người phụ nữ tên Đào làm nên thành công cho phim chiếu tết ‘Mai’

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
18/02/2024 15:50 GMT+7

'Mai' được chú ý nhiều nhất tại mùa phim tết năm nay không phải bằng scandal mà bằng chính tác phẩm với nội dung và diễn xuất chạm được đến tầng sâu kín trong tâm hồn nhiều khán giả.

Dĩ nhiên Mai chưa thể đồng hành với các bộ phim nghệ thuật xứng tầm đẳng cấp thế giới nhưng ít ra trong thời điểm phim Việt "lúc trồi, lúc sụt" với chất lượng "hên xui" thì thành công về doanh thu của bộ phim do Trấn Thành đạo diễn cũng là điều đáng ghi nhận. Một lần nữa Trấn Thành đã vượt qua chính anh nếu so với Bố già Nhà bà Nữ - hai bộ phim lần lượt đạt 427 và 475 tỉ đồng khi ra rạp.

Hai người phụ nữ tên Đào làm nên thành công cho phim chiếu tết ‘Mai’- Ảnh 1.

Phương Anh Đào được đánh giá cao với diễn xuất trong phim Mai

ĐPCC

Mai đã vượt mốc 300 tỉ đồng chỉ sau 8 ngày khởi chiếu, giữ kỷ lục phim có doanh thu nhanh nhất trong lịch sử điện ảnh Việt và đây là một kỳ tích. Trấn Thành vẫn kiên định với lối làm phim đậm chất đời như anh từng thể hiện qua 2 bộ phim kể trên. Nhưng ở Mai, chàng MC thường đi diễn hài ngày nào đã trưởng thành thật sự ở cương vị đạo diễn khi anh tỏ rõ tài năng ở từng góc máy, từng chi tiết đắt giá trong phim, cách chọn diễn viên, biết cân nhắc, tiết chế hơn và trên hết "vượt qua chính mình" để trở thành đạo diễn "ngàn tỉ" đầu tiên tại Việt Nam. Thành tích đó khó có người vượt qua ít nhất là trong thời điểm này.

Không chọn đề tài hài, vui nhộn để phục vụ khán giả ngày tết, Mai là câu chuyện tình yêu có cả nụ cười, nước mắt, có hạnh phúc và cả đắng cay xoay quanh cuộc đời cô Mai - một nhân viên massage với kỹ năng nghề nghiệp điêu luyện. Rất nhiều khán giả ra khỏi rạp trong những ngày đầu năm với đôi mắt đỏ hoe hay nấc lên thành tiếng khi phim đã kết thúc từ lâu.

Hai diễn viên tên Đào diễn hay trong từng phân cảnh

Cho dù có nội dung tốt, góc máy đẹp, nhạc phim đi vào lòng người, có lẽ Mai khó mà thành công đến thế khi không có Phương Anh Đào và Hồng Đào thể hiện lần lượt vai Mai và bà Đào.

Hai người phụ nữ tên Đào làm nên thành công cho phim chiếu tết ‘Mai’- Ảnh 2.

Hồng Đào vai bà Đào trong phim

ĐPCC

Trước đó trong cuộc gặp gỡ báo giới, Trấn Thành nhìn nhận Phương Anh Đào là một diễn viên giỏi nhưng cô chưa có tác phẩm điện ảnh nào đẩy lên hàng sao và anh sẽ dồn hết tâm sức để làm được điều đó. Trấn Thành đã đúng khi anh chọn Phương Anh Đào để thể hiện vai Mai - một cô gái luôn nhẫn nhịn trước cuộc đời đầy thị phi để sống, để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân nhưng rồi số phận không hề buông tha cô.

Những phân cảnh Phương Anh Đào diễn như không diễn đã chạm đến cảm xúc người xem. Đây là thứ mà điện ảnh Việt hiện còn thiếu và yếu. "Em muốn yêu. Em gần 40 tuổi rồi", câu nói của Mai trộn trong tiếng khóc nghẹn kèm theo diễn xuất từ đôi mắt, đến bờ môi làm lộ rõ nỗi đau của người phụ nữ phải hùng hục "cày" để nuôi đứa con gái đã lớn và ông bố nát đời vì cờ bạc, khi đối diện với chàng trai trẻ hơn 8 tuổi tên Dương (Tuấn Trần đóng) là một trong những cảnh quay đắt giá của Phương Anh Đào.

"Đừng yêu tui, quá khứ của tui tệ lắm!", Mai tuyên bố khi anh hàng xóm Dương không ngừng tìm cách tiếp cận, cưa cẩm cô. Rồi cảnh Mai nổi điên sau thời gian chịu nhiều áp bức nơi chỗ làm được Phương Anh Đào diễn tả rất ổn khiến người xem "thỏa tức". Cô trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: buồn đó rồi vui đó, khổ đau đó rồi hạnh phúc đó khi yêu Dương - gã trai con nhà giàu, đầy lãng tử. Mai khóc vì khổ đau trước người cha luôn bắt cô trả nợ khác xa với giọt nước mắt cô rơi khi bên Dương, cố nắm giữ tình yêu dù rất mông lung và xa vợi. Cảm xúc đó được Phương Anh Đào diễn rất đúng tâm trạng.

Dù chỉ đóng vai phụ nhưng bà Đào của Hồng Đào lại làm khán giả nhớ đến nhiều. Điện ảnh Việt hiện đang thiếu một nhân vật nữ tuổi trung niên với đủ hỉ, nộ, ái, ố như nhân vật bà Đào. Mỗi câu thoại của nhân vật này được biên kịch Bình Bồng Bột chăm chút để mang hơi hướng cuộc đời, không lên gân lên cốt, dạy đời như thoại thường thấy ở đa số phim Việt.

Vẫn còn chút tiếc nuối

Mai còn thiếu chút gì đó để điện ảnh Việt tiếp cận với thế giới. Tác phẩm vẫn tuân theo cách làm phim của Trấn Thành: đưa những bi kịch, những tổn thương mất mát của một thân phận lên màn ảnh kèm theo không ít tình tiết để "chạm" đến cảm xúc, lấy nước mắt người xem.

Đây là cách làm phim gần như nhất quán của Thành khi mà trước đó 2 bộ phim Bố già Nhà bà Nữ cũng tuân theo công thức này đạt gần 900 tỉ đồng doanh thu, có lẽ vì thế anh không thay đổi, ít ra cho đến lúc này.

1/3 thời lượng thuộc phần đầu của Mai vẫn còn rườm rà, dễ khiến khán giả chán vì xoay quanh những tranh cãi vụn vặt quanh chung cư cũ. Mô típ "lọ lem gặp hoàng tử" cũng dễ nhận ra trong phần này.

Hai người phụ nữ tên Đào làm nên thành công cho phim chiếu tết ‘Mai’- Ảnh 3.

"Đôi đũa lệch" về tuổi tác giữa Mai và Dương trong phim nhưng vẫn đến với nhau

ĐPCC

Diễn xuất của Tuấn Trần cũng vừa đủ đạt, không khác biệt mấy so với khi anh đóng Bố già. Tuấn Trần cần tiết chế hơn, lắng hơn để vai diễn của anh trở nên nặng ký như Mai. Do vậy mà chất xúc tác tình cảm giữa Dương và Mai trong phim còn khá mờ nhạt, dù có một cảnh nóng nhưng như thế là chưa đủ. Một tay chơi như Dương bỗng chốc xoay 180 độ để yêu Mai khi trước đó chỉ là trò cá độ với bạn "cua con nhỏ này chơi cho vui" khiến người xem hụt hẫng.

Đoạn đầu phim Trấn Thành cũng nên tiết chế hơn khi mất gần 40 phút dàn trải những mảng miếng hài hút khách, để đào sâu hơn tâm lý - tình cảm của 2 nhân vật chính, thứ gắn kết họ với nhau dù xuất thân từ 2 gia đình có hoàn cảnh sống hoàn toàn cách biệt.

Nếu xét ở thể loại phim giải trí, thỏa mãn số đông khi ngày tết đến xuân về thì Mai rõ ràng đạt, thậm chí vượt yêu cầu. Tuy nhiên để phim vươn đến tầm cao với giá trị nghệ thuật hơn nữa thì Trấn Thành sẽ phải nỗ lực nhiều. Cũng có thể kỳ vọng điều này khi từng bước phim sau anh làm hay hơn phim trước. Đó là điều quan trọng trong sự nghiệp khi Trấn Thành muốn đứng vào hàng ngũ những nhà làm phim đỉnh cao của điện ảnh Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.