Dịch giả tác phẩm Harry Potter kể chuyện
Đầu năm 2008, Lý Lan về nước tham dự Hội sách TPHCM lần 5 để giới thiệu tác phẩm mới nhất của mình, cuốn sách Tiểu thuyết đàn bà. Nội dung sách không liên quan gì đến thiếu nhi nhưng lại được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi đến dự buổi giới thiệu, giao lưu để gặp mặt dịch giả Lý Lan, người được mệnh danh “mẹ Việt Nam của Harry Potter”. Trước sự nồng nhiệt của bạn đọc nhỏ tuổi, Lý Lan nảy sinh ý định viết một tác phẩm cho các em, những người đã hết lòng ủng hộ chị suốt gần 8 năm dịch Harry Potter. Và thế là Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen (NXB Văn nghệ) đã ra đời vào những ngày cuối tháng 9-2008.
Cuốn sách trên không hẳn là tác phẩm đầu tiên chị viết cho thiếu nhi, trước đó chị đã có Tám cùng Harry Potter trình bày những suy nghĩ, phán đoán của chị về nội dung tác phẩm Harry Potter. Tuy nhiên, đây thực tế chỉ là một tác phẩm ăn theo, đáp ứng nhu cầu nóng lòng của bạn đọc trong khi chờ tập cuối Harry Potter được xuất bản. Chính vì thế, mọi độc giả đều coi Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen mới là tác phẩm đầu tiên của Lý Lan viết cho thiếu nhi.
Thật bất ngờ, sau Tiểu thuyết đàn bà đầy gai góc, Lý Lan lại có thể vào thế giới trẻ thơ ngọt ngào với Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen. Câu chuyện đồng thoại này có một lai lịch rất ngộ nghĩnh, theo tâm sự của Lý Lan, tất cả bắt đầu vào một đêm khuya: “Bỗng có con thằn lằn đen thui rớt xuống quyển sách tôi đang đọc. Nó nằm im một lúc, tôi tưởng nó chết rồi, ai ngờ tôi vừa chạm vào thì nó ngóc đầu ngước lên nhìn tôi...”.
Và ý tưởng nảy sinh, con thằn lằn đen bắt đầu kể cho nhân vật chính nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh của một thế giới vừa gần lại vừa xa. Đó là những câu chuyện của các con thú ở góc bếp, xó nhà, là bài học về nhân sinh quan của ngôi trường dành cho các loài thú, từ đại bàng, voi đến cả gián, chuột và thằn lằn. Qua mỗi câu chuyện mà thằn lằn kể, bạn đọc nhỏ tuổi biết thêm những bài học về cuộc sống, về tình bạn, về trách nhiệm bảo vệ môi trường...
Điểm đặc biệt ở tác phẩm này là lối kể chuyện sinh động của tác giả, với cách ngắt câu ngắn tạo nên tiết tấu nhanh mang nhiều “dấu vết” của Harry Potter, đã khiến câu truyện thiếu nhi Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen trở nên hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi.
Người mẹ kể chuyện cho con
Lưu Thị Lương lại không phải một cái tên xa lạ với văn học thiếu nhi. Lần này, chị xuất hiện với một tác phẩm nhẹ nhàng, thanh khiết với một nhan đề ngộ nghĩnh Con cá mày ở trong nhà do Phương Nam book phối hợp với NXB Trẻ thực hiện. Cá mà ở trong nhà thì chỉ có hai loại, loại đang bị mang đi làm đồ ăn và loại nuôi trong bồn cá. Cả hai loại này dưới con mắt của thiếu nhi lại đầy sống động, không thuần túy là một món ăn hay một món trang trí trong nhà.
Viết về thiếu nhi, Lưu Thị Lương đã đặt mình vào vị trí một người mẹ, kể về quá trình con cái lớn lên, từ những câu hỏi, lý luận ngô nghê: “Cho con cá ăn cá đông đá nó sẽ bị nhức răng. Rồi phải đi nhổ răng. Không có răng thì phải ăn cháo. Ăn cháo thì dơ hồ nước…”. Hay như lý luận của con về con cá trên bàn ăn có thể khiến người lớn phải ngẩn ngơ: “Cá nhà mình nuôi. Mỗi lần cho ăn nó mừng. Mỗi lần chưa cho ăn nó kéo cả bầy mà đón. Nó tình cảm như vậy sao lại ăn thịt nó…”.
Nếu Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen mở ra một thế giới loài vật lạ lùng thì Con cá mày ở trong nhà lại gần gũi, thân quen. Hai tác phẩm, hai phong cách sáng tác nhưng đều nhằm một mục đích đem đến những điều tốt đẹp nhất cho tuổi thơ và một lời nhắc nhở đến người lớn về sự thơ ngây của tuổi thiếu nhi mà lối sống thành thị đang đánh cắp đi của các em.
Theo Tường Vy / Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)