Hai nửa vòng đời - Truyện ngắn của Trần Quốc Quân

Ngẩng đầu lên bắt gặp ánh mắt của người đàn ông đang đứng trước mặt, Duyên sửng sốt: “Ôi! Sao trông quen quá!”. Không để ý thái độ của Duyên, người đàn ông vẫn hồn nhiên: “Chị à! Tôi thèm thuốc lá. Chị biết quanh đây có người VN nào bán Golden American không?”.

Thấy Duyên lúng túng, người đàn ông trấn an: “Chị đừng sợ! Tôi thèm thuốc lá thật mà. Mấy bữa trước, quanh khu vực cổng Brandenburger này tôi vẫn thường mua của một chị VN mập hơn chị, tóc bới cao, mặc áo khoác xanh olive”.
Ôi! Trời có lạnh lắm đâu, sao tay Duyên lập cập thế. Một chút luống cuống, Duyên kéo khóa túi xách, lấy ra bao thuốc đưa cho khách. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng ấy: “Đúng loại này rồi! Nhưng tôi cần năm gói cơ”. Duyên lại thò tay vào túi lấy thêm bốn bao thuốc viền xanh, viền đỏ trên nền vỏ vàng đưa cho người đàn ông. Chợt thấy một vết sẹo dài cạnh thái dương trái của anh, Duyên run bắn. Bốn bao thuốc lá tuột khỏi tay Duyên rơi xuống tuyết. Người đàn ông vội cúi xuống nhặt lên cho vào túi áo ba đờ xuy màu xám nhạt.
Cầm mấy đồng mác (tiền tệ của Đức từ năm 1948 - 2002) khách vừa trả, Duyên nhét cả vào túi quần rồi đứng ngây như bị thôi miên. Khi người đàn ông rẽ vào ngõ nhỏ Duyên mới sực tỉnh.
Ngày… tháng 4 năm 1972.
Mấy hôm nay đánh nhau ác liệt quá. Trạm xá sư đoàn chật cứng thương binh, nhiều giường phải nằm ghép. Tiếng súng từ xa vẫn ì ùng vọng về. Liệu mai địch còn phản kích nữa không?
Chiều nay mình bê chậu quần áo thương binh loang lổ các vết bùn vết máu nặng ơi là nặng ra bờ suối giặt. Mùi khói đạn pháo vẫn theo gió bảng lảng át cả hương rừng. Bỗng dưng mình cao hứng hát “Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động cây rừng…”. Một chú chim chào mào từ bụi cây ven lối mòn bay vụt ra. Mình giật mình. Eo ơi, sợ quá! Như có người xồ ra vồ ấy. Hí hí! Nhìn bóng chim bay trên nền trời xanh, bất giác mình bật cười. Trên ngọn cây gãy gập, xác xơ lá bên hố bom có đôi chim cu đang gù nhau. “Sao chúng mày sướng thế? Chả bù cho tao lủi thủi một mình”. Khoảnh khắc giữa hai trận đánh thật thanh bình. Chao ơi! Mình nhớ nhà thế chứ.
Ngửa mặt nhìn trời không một gợn mây, rồi cúi trông dòng nước trong vắt len lỏi qua các mỏm đá, bỗng dưng mình muốn tắm. Hí hí! Có ai rình xem mình trần truồng không nhỉ? Vừa ngâm người dưới làn nước mát, chợt thấy một vệt máu mỏng mảnh như khói thuốc chảy xuôi theo dòng, mình hốt hoảng nhảy ngay lên bờ mặc vội quần áo. Cách chỗ mình đứng không xa, sau một tảng đá đầy rêu có hai ống chân người thõng xuống suối. Không biết ta hay địch? Không biết sống hay chết? Nhặt hòn đá bằng nắm tay, mình rón rén lại gần. Thì ra là một người lính đang nằm ngửa, nửa trên bờ nửa dưới suối, đầu đội mũ sắt, mặc bộ rằn ri, đi giày da cao cổ, hai tay đặt hờ lên khẩu súng vắt ngang bụng. Quân phục này, vũ khí này đích thị là địch rồi.
Từ hôm nghe người đàn ông nói hay ra đây mua thuốc lá, Duyên không đi bán dạo gần chân tháp truyền hình nữa, chỉ quanh quẩn khu vực này. Dù mong manh nhưng Duyên vẫn hy vọng, sau khi hút hết năm bao thuốc anh sẽ quay lại đây. Dạo này cảnh sát “càn quét” gắt gao quá, Duyên không dám vượt sang bên kia bức tường ngăn đôi Berlin mà dạt vào góc đường phía đông cổng Brandenburger. Đứng ở chỗ này dễ quan sát, hễ thấy xe Polizei từ xa là Duyên kịp biến vào ngách nhỏ dẫn tới công viên. Khi cảnh sát bỏ đi, Duyên lại lảng vảng ra bán tiếp.
Linh cảm của người phụ nữ bao năm khắc khoải mong đợi khiến Duyên tin mình không thể nhầm được. Mười chín năm đâu phải quá lâu để Duyên không nhận ra gương mặt anh. Vẫn ánh mắt ấm áp ấy, vẫn nụ cười tươi tắn ấy, vẫn giọng Nam bộ nhỏ nhẹ ấy. Ký ức ăm ắp từ xa xôi dội về, hình ảnh rõ nét từ quá khứ hiện lên. Nhưng sao anh lại ở đây, như từ trong mơ bước ra vậy? Ngày hôm sau, rồi mấy ngày hôm sau nữa, mặc cho Duyên thấp thỏm ngóng trông nhưng vẫn không thấy bóng dáng anh đâu. Từng đấy năm đi tìm chim trời cá biển trong vô vọng, thế mà khi người ấy đứng trước mặt, Duyên lại cuống lên quên cả hỏi tên, thậm chí chỉ vu vơ gợi lại vài kỷ niệm trong ký ức.
Giữa thập niên 1980, những năm đói khổ nhất của thời kỳ bao cấp, mặc dù chiến tranh chưa hết nhưng quân đội phải giảm quân số để đỡ gánh nặng cho nền kinh tế. Lính và sĩ quan tranh nhau đi xuất khẩu lao động. Thời bấy giờ ai cũng nghĩ Đông Đức là nhất quả đất. Giá trị được quy đổi ra xe máy Mokich, xe đạp Mifa và áo khoác. Đang làm y sĩ tại quân y viện, Duyên phục viên với một “cục tiền chế độ” để tham gia khóa đào tạo thợ may.
Giờ hai nước Đức thống nhất, nếu Duyên hồi hương với khoản tiền bồi thường thì cái gì cũng dở dang. Mà thu nhập một tháng làm quần quật ở nhà không bằng một ngày “dạo phố” ở đây.
Ngày… tháng 4 năm 1972.
Hắn bị sức ép thuốc nổ, một mảnh đạn pháo cắm sâu vào chân và một vết thương gần thái dương trái. Mỗi khi thấy hắn nhăn mặt đau, mình thương ơi là thương. Các bác sĩ đã phẫu thuật, băng trắng đầu, trắng chân hắn. Sau gần ba tuần điều trị, hắn đã bình phục. Mấy hôm nay có mình dìu, hắn đã tập tễnh đi được vài chục bước. Ai đời, địch gì mà da trắng mịn màng, nét mặt thanh tao, mũi cao dọc dừa, môi đỏ như son lại còn nói năng nhỏ nhẹ nữa. Hí hí! Tí nữa mình ngất bởi gã địch quá hiền lành, đẹp trai. Đi một lúc mệt, mình và hắn ngồi bệt xuống cỏ thở dốc. Chỉ tay vào hai ngôi sao đính trên ve áo hắn, mình bảo hóa ra cùng là binh nhì cả. Hắn cãi “Trung úy đấy, đừng đùa!”. Thế rồi hắn cười rất tươi, khoe ra hai hàm răng trắng đều tăm tắp. Gần hắn mình mới biết, địch dễ thương chẳng thua gì ta. Chà! Hay là mình kết hắn rồi? Eo ơi! Xấu hổ quá!
Hôm qua mình nghe thủ trưởng nói, một tuần nữa hắn sẽ được giải về tuyến sau. Vậy là hắn bị bắt làm tù binh? Vậy là mình và hắn sắp phải xa nhau? Không biết cuộc sống trong tù thế nào nhỉ? Trông có vẻ rắn rỏi với bộ quần áo lính nhưng thực ra là cựu sinh viên đại học, hắn mong manh lắm. Nhìn hắn cao ráo, thư sinh thế cơ mà. Mình xuất thân nông dân quen đói khổ, chứ hắn trai thành phố làm sao chịu nổi. Chẳng hiểu sao mình cứ nao nao lòng mỗi khi nghĩ tới hắn? Sao thế nhỉ? Hắn chả là gì, à hắn là địch.
Hí hí!
Đang lúi húi dúi mấy bao thuốc lá vào tay ông Tây, Duyên bàng hoàng thấy một người nhang nhác anh đi ngang qua, cũng tóc đen, cũng khoác áo ba đờ xuy màu xám nhạt. Duyên vội tất tả chạy theo. Vượt lên trên người ấy vài bước chân, Duyên ngoái đầu lại nhìn. Không phải anh. Duyên thẫn thờ. Từ hôm gặp anh đến giờ thế mà đã hai tuần rồi đấy. Sực nhớ vẫn chưa nhận tiền, Duyên vội quay lại chỗ cũ. Ông Tây vẫn đứng chờ. Sau một chút ngẩn ngơ, Duyên đưa lại tiền thừa cho khách. Đứng dựa lưng vào tường, Duyên bần thần ngắm những bông tuyết chấp chới bay trắng trời. Trong lòng Duyên tuyết cũng đang rơi, tê tái.
Tối qua bà ngoại gọi điện thoại sang mách, con trai mải chơi thi trượt đại học. Duyên thao thức cả đêm không ngủ được. Sợ con chán nản theo bạn lêu lổng sinh hư, Duyên muốn đón con sang càng sớm càng tốt. Ngay sáng hôm sau Duyên tìm gặp “đường dây” chuyên đưa người sang Đức để đưa tiền đặt cọc.
Mang nhiều nét giống cả bố và mẹ, thằng bé trông đẹp trai, dễ thương, hiền lành lắm. Từ khi Duyên biền biệt phương trời xa, được ông bà chiều, thằng bé ham chơi nên thi trượt. Cũng may nó chỉ lười học chứ không hư hỏng.
Ngày… tháng 5 năm 1972.
Một tuần nữa trôi qua, chân hắn đã khỏi hẳn. Nhìn hắn đi lại bình thường, không ai nghĩ vết thương ở chân hắn vừa được phẫu thuật. Chiều hôm qua, hắn còn đùa “Bây giờ thì tôi đủ sức cõng cô ra suối, chỗ có tảng đá mà cô tìm thấy tôi nằm ngất tháng trước ấy”. Chà! Hắn nói thế là có ý gì? Hì hì! Ai con trai lại cõng con gái, trông buồn cười lắm. Hay là hắn dụ mình ra suối làm bình phong để hòng trốn thoát? Trạm trưởng vẫn thường nhắc mình không được cho hắn đi ra khỏi tầm kiểm soát của cảnh vệ. Mình không mất cảnh giác thế đâu. Còn lâu hắn mới lừa được mình.
Ngày… tháng 5 năm 1972.
Sáng nay máy bay trinh sát lượn vè vè trên đầu. Đến trưa trạm trưởng thông báo, địch sắp càn lên đây. Chiều tối trên lệnh xuống, trong ngày mai phải di chuyển gấp trạm xá đến địa điểm mới. Mình làm nhiệm vụ tải thương, còn hắn theo cảnh vệ về vùng giải phóng. Vậy là mình và hắn sắp xa nhau, mỗi đứa mỗi ngả chả biết khi nào gặp lại. Ơ! Dơ thế chứ! Tại sao mình nghĩ đến hắn nhiều thế? Chỉ là quan hệ y tá với bệnh nhân thôi mà. Hình như hắn cũng mến mình? Hôm qua hắn bảo, bàn tay mình chạm vào đâu là hết đau ngay chỗ đó, y như có phép thần ấy. Eo ơi, hắn tán giỏi thế chứ! Biết hắn nịnh nhưng mình vẫn thích là sao? Lạ nhỉ! Lâu nay mình vẫn bón ăn, thay băng, dìu hắn nhưng chẳng thấy gì. Vậy mà lúc hắn cầm bàn tay mình xoa nhẹ, mình bỗng run bắn, người như mê đi. Hắn nhìn vào mắt mình, khẽ mỉm cười tinh quái. Mặt và tai nóng bừng, mình vội rụt tay lại. Ôi, xấu hổ quá! Con gái ai lại vô duyên thế chứ.
Nửa năm sau khi thi trượt đại học, con trai Duyên được “đường dây” đưa sang Nga du lịch. Thêm sáu tháng theo “giao liên” băng qua Ukraine, luồn rừng đến Ba Lan rồi lội suối sang Đức, cuối cùng con trai Duyên gặp được mẹ. Trong niềm vui hân hoan đoàn tụ, Duyên vừa mừng vừa lo. Cảnh sát Đức kiểm soát việc buôn lậu thuốc lá ngày càng chặt. Tuần trước Duyên nghe có hai xe Tir chở đầy thuốc lá từ Ba Lan sang bị cảnh sát hốt gọn trong một khu rừng cách Berlin năm mươi cây số. Tuần này Duyên lại nghe xe Polizei lùng sục nhiều tuyến đường, vây bắt người bán thuốc lá dạo. Trong đó có mấy đứa bạn cùng nhà máy với Duyên bị trục xuất về VN.
Dạo này Duyên thường xuyên mất ngủ. Lỡ chẳng may bị trục xuất về nước thì cánh cửa đổi đời với hai mẹ con đóng sập lại. Duyên nghĩ kỹ rồi. Từ nay Duyên không được kiếm tiền bất chính nữa. Từ nay Duyên phải sống hợp pháp. Từ nay Duyên sẽ hội nhập dần vào xã hội Đức. Nhưng bằng cách nào đây?
Ngày… tháng 5 năm 1972.
Mấy ngày nay chạy địch, mình chẳng còn tâm trí đâu để viết nhật ký. Sáng sớm hôm ấy, khi trời mới chạng vạng thì có tiếng hàng đàn máy bay trực thăng từ xa vọng đến to dần, rồi tiếng đạn nổ xối xả. Cả trạm xá hỗn loạn, người trong các lán túa ra, mạnh ai nấy chạy. Đang cắm đầu lao vào rừng, mình chợt thấy một người từ gốc cây nhảy xổ ra chặn lối. Thôi rồi, mẹ ơi! Con bị địch bắt. Mình chỉ kịp nghĩ vậy thì nghe tiếng hét: “Duyên, anh đây! Chạy lối này!”. Thì ra là hắn. Chưa hoàn hồn, mình bị hắn kéo mạnh tay bắt chạy tiếp. Sau lưng mình khói lửa mù trời, tiếng cánh quạt trực thăng phành phạch, tiếng đạn nổ đinh tai nhức óc. Hắn dắt mình chạy về phía núi, ngược với hướng suối.
Mình vấp ngã, hắn quay lại đỡ dậy. Tập tễnh cố đuổi theo hắn nhưng mình cứ tụt xa dần. Thế là hắn quay lại, cõng thốc mình lên lưng chạy tiếp. Đến gần chân núi, chừng như quá mệt hắn ngồi bệt xuống gốc cây thở dốc. Mình hỏi hắn: “Quân bên anh, sao anh phải bỏ chạy?”. Hắn vừa thở vừa nói: “Đạn vô tri, làm sao phân biệt được quân bên nào”. Phía trạm xá không còn tiếng cánh quạt trực thăng nữa, không còn tiếng đạn nổ ầm ầm nữa, chỉ thỉnh thoảng rộ lên đì đẹt vài tiếng súng tiểu liên. Hắn bảo: “Họ đổ quân xuống rồi đấy. Bây giờ là lùng bắt. Thương binh chưa chết chắc sẽ được cứu”. Mình chẳng tin địch lại tử tế thế. Kiểu gì thì hắn vẫn bênh địch. Ơ! Hắn là địch mà. Nhưng trong hoàn cảnh này, biết làm sao được, ta và địch vẫn phải nương tựa vào nhau.
Đút ba tút thuốc Golden American vào túi xách tay, vừa bước ra khỏi thang máy Duyên thấy hai đứa bạn cùng đội hớt hải đi vào. Một đứa nói trong tiếng thở hổn hển: “Chị đừng đi. Ngoài phố nhiều cảnh sát lượn lờ lắm. Cái Lựu bị bắt rồi, tội nó quá!”. Cả ba tất tả quay lên nhà. Ngồi cùng nhau mà mỗi đứa nhìn một hướng, mặt đứa nào đứa nấy lo âu, rầu rĩ. Không khí im ắng, nặng nề tràn ngập căn phòng. Chợt một đứa cất giọng: “Hay là bọn mình về VN đi! Cứ ở đây mãi thế này thì…”. Điên à! Mất bao nhiêu tiền Duyên mới đón được con trai sang. Đứa nào muốn về thì về, mặc xác. Duyên quyết bám trụ ở đây. Đành rằng khó nhưng vẫn có cửa kiếm tiền. Bỗng một đứa reo lên: “À! Bà Thơm mới mở trung tâm thương mại Thái Bình Dương đấy. Hay là bọn mình đến đó thuê quầy, thử vận xem sao”.
Hôm sau cả ba đứa rủ nhau cùng đi. Hai đứa kia thuê quầy bán quần áo, còn Duyên thuê quầy mở quán bán phở. Thời gian này nhà hàng VN tại Berlin còn hiếm lắm, có thể đếm trên đầu ngón tay. Khách ta khách Tây tới ăn ngày càng đông. Duyên mong lắm một ngày nào đó nghe tiếng đồn về quán, anh sẽ tự tìm đến.
Ngày… tháng 5 năm 1972.
Mấy đêm nay trời se lạnh, vừa sợ ma vừa sợ thú dữ, mình phải nằm cạnh hắn mới dám ngủ. Hở lúc nào ra là hắn lại thủ thỉ rủ mình theo về phía bên kia. Dù quý hắn đến đâu, mình cũng không thể phản bội đội ngũ, bán rẻ đồng chí, từ bỏ lý tưởng. Cả đêm chẳng lúc nào hắn chịu để mình yên. Người đâu mà dai như đỉa ấy. Hí hí! Mệt rũ ra, nhưng là lá la… Ôi chao! Sao mà thích thế chứ. Thao thức mãi, tới lúc gà rừng gáy te te mình mới tranh thủ chợp mắt được một tí. Hí hí!
Từ hôm qua tới giờ không còn nghe tiếng máy bay trực thăng, tiếng đạn nổ nữa. Chắc quân địch đã rút xa. Ngày mai hai đứa hai ngả, mình trở về trạm xá tìm đơn vị, còn hắn đi đường hắn. Không hiểu sao trong lòng mình thấy chống chếnh. Mình muốn khóc. Vì ai đây? Vì đồng đội vừa ngã xuống hay vì phải chia xa hắn? Chắc là cả hai rồi! Hu hu!
Có con trai quản lý quán, Duyên nằm viện vẫn thấp thỏm không yên. Một tuần trôi qua, tuy bệnh đã thuyên giảm nhưng Duyên vẫn như có lửa đốt trong lòng. Không sợ thất thu tiền, Duyên chỉ lo những ngày này anh đến mà không có mình ở đó. Bỗng nhiên Duyên nhớ anh đến cào cấu ruột gan.
Ngày… tháng 9 năm 1972.
Dạo này mình thấy người nặng nề mệt mỏi, đôi lúc lơ đãng thiếu tập trung. Càng ngày mình càng thèm ăn, nhưng ở rừng thì đừng mơ vớ được cái gì cho vào mồm. Có hôm đói không chịu nổi, mình vào rừng hái mấy trái lạ đem về lán. Cái Liễu nhìn thấy can: “Mày không được liều thế! Nhỡ quả độc thì sao? Tao nói mày đừng giận. Từ giờ trở đi vì cái thai, mày phải giữ gìn cẩn thận”. Bước tới đầu phản, nó lục ba lô lấy ra một thanh lương khô đưa cho mình. Khi miếng cuối cùng vừa nuốt xong, mình bỗng thấy lợm giọng vội chạy ra hè nôn thốc nôn tháo.
Tuần trước chính trị viên đã báo cáo chuyện “tày đình” của mình lên sư đoàn bộ. Từ khi việc vỡ lở ai cũng nhìn mình với ánh mắt khác lạ, mà đa phần là ác cảm. Chỉ có mấy con bạn cùng tiểu đội thương mình thôi, nhưng chẳng đứa nào dám biểu lộ ra mặt. Ban đêm nằm bên nhau chúng nó mới xoa bụng mình vỗ về, an ủi. Tủi thân, nhớ mẹ, mình ứa nước mắt ướt cả vạt gối.
Hôm qua trong lúc bị đơn vị kiểm điểm, mình khóc suốt. Đành rằng mình gây ra lỗi nhưng con mình đâu có tội, tại sao người nào cũng chỉ trích phê phán mình gay gắt thế? Chẳng hiểu sao trạm phó lại gọi cái thai của mình là kết quả mối tình tội lỗi. Ông còn yêu cầu mình phải “giải quyết” ngay cái thai. Điên à! Mẹ thà chết, kiên quyết không giết con. Mẹ thề bảo vệ giọt máu rất mực yêu quý đến cùng. Thấy mình gạt nước mắt, mặt rắn rỏi, trạm phó không ép nữa. Khi chính trị viên bắt mình phải khai ai là bố đứa trẻ, mọi ánh mắt cùng đổ dồn về phía trạm trưởng. Nhưng mình dứt khoát không mở miệng. Mình hứa chôn chặt bí mật trong lòng.
Chiều nay có lệnh từ sư đoàn bộ truyền xuống, tuần sau theo đường giao liên mình được chuyển ra bắc để chịu kỷ luật và chờ đẻ. Vừa nghe chính trị viên phổ biến, mình sung sướng đến độ suýt nữa hét tướng lên “sống rồi, con ơi!”, may mà kịp kìm lại.
Đang thu tiền bà khách ta mồm ngậm que tăm đứng trước quầy, thấy một người đàn ông bước vào quán, Duyên sững người đánh rơi chiếc máy tính. Thật không thể tin nổi! Đúng ánh mắt ấm áp ấy, đúng nụ cười tươi tắn ấy, đúng giọng nói Nam bộ nhỏ nhẹ ấy, lại thêm cả vết sẹo bên thái dương trái kia nữa. Rõ ràng Duyên đang tỉnh, không phải mơ. Ngỡ như bước ra từ thế giới thần thoại, anh hiện lên trước mặt Duyên. Bốn ánh mắt chạm nhau bối rối. Ngây người vô thức, miệng Duyên tự nhiên bật ra một tiếng “Anh!”. Miệng anh cũng thốt lên một tiếng “Duyên!”. Nếu không có ông khách đang xì xụp húp nước phở ở cái bàn giữa quán thì hai người đã lao vào nhau.
- Sao em lại ở đây?
- Em đi xuất khẩu lao động. Sao anh lại ở đây?
- Anh vượt biên đầu năm 1981, tá túc tại trại tị nạn bên Mã Lai hai năm rồi sang Đức tới giờ.
- Hai năm trước, anh mua thuốc lá của em cạnh cổng Brandenburger. Lúc em đang ngờ ngợ thì anh đã bỏ đi mất.
- Sao anh không nhận ra em? Mới hơn hai mươi năm chứ lâu gì đâu.
- Hôm đó trời lạnh, em đội mũ sùm sụp, lại quàng khăn che kín nửa mặt nữa. Anh làm gì từ ngày sang đây?
- Anh là chuyên viên kỹ thuật công ty sản xuất xe tải MANA nằm bên Tây Berlin. Em ở đây cùng với gia đình à?
- Em và con trai chúng mình.
Duyên đọc được trên gương mặt anh sự ngạc nhiên pha lẫn rạng ngời hạnh phúc.
Đầu năm 1977, sau khi đường sắt Thống Nhất khôi phục xong, Duyên xin nghỉ phép dắt con trai vào Sài Gòn tìm bố. Một người đàn ông chống nạng dẫn Duyên đến tận cửa nhà anh trong cư xá Thanh Đa. Khi đứng trước căn phòng đóng chặt, Duyên quặn thắt tim. Gõ tay lên cánh cửa gỗ bong tróc sơn, Duyên hồi hộp đến ngộp thở. Sau lần gõ thứ tư, Duyên cúi người nhìn qua lỗ khóa. Bên trong chỉ thấy một màn đen thăm thẳm. Đúng lúc đó, từ cửa nhà bên có người đàn ông hắng giọng. Giật bắn mình, Duyên bối rối vội đứng dậy. “Cô tìm ai?”. Duyên nói tên anh. “Ảnh đi cải tạo ngay sau ngày giải phóng rồi cô ơi, không biết bao giờ trở về. Cả nhà ảnh thì đi kinh tế mới hết rồi”. Nước mắt rơi đẫm vạt áo, Duyên lảo đảo vịn tay vào tường. Cố nén lòng để không bật ra tiếng khóc, Duyên hỏi địa chỉ nơi anh cải tạo. Người đàn ông không biết. Ngay hôm sau, hai mẹ con Duyên ngồi tàu Thống Nhất ra Hà Nội.
Mùa thu năm 1981, Duyên lại dắt con trai vào Sài Gòn tìm bố. Gõ cửa nhà bên cạnh, Duyên thấy vẫn người đàn ông ấy bước ra. “Trời ơi, tội nghiệp mẹ con cô quá! Cả nhà ảnh đã vượt biên nửa năm trước. Họ đến nước nào tôi làm sao biết được”. Duyên bàng hoàng, chân như muốn khuỵu xuống. Ngay hôm sau, hai mẹ con Duyên ngồi tàu Thống Nhất ra Hà Nội.
Anh giục Duyên đóng cửa quán về nhà. Chắc anh mong được gặp con quá. Trên xe, đôi lúc anh nắm chặt bàn tay Duyên. Nhớ tới lần rụt vội bàn tay năm ấy, Duyên khẽ mỉm cười. Bây giờ thì Duyên muốn để bàn tay mình mềm mại trong bàn tay anh ấm áp thật lâu. Nghe anh kể vợ con chết ngoài khơi trên đường vượt biên, sang đây mấy năm sau anh lấy vợ Tây nhưng đã ly hôn hơn một năm trước, Duyên lặng người. Từ hai khóe mắt Duyên những giọt nước mắt ứa ra chảy tràn trên má.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.