Hải Phòng hết thời ‘vương quốc hoa hậu’? - Kỳ 2: Trao tâm huyết, nhận... nỗi buồn

05/06/2015 13:19 GMT+7

(iHay) Sự tệ bạc trong cách ứng xử của học trò sau khi nổi tiếng là điều khiến cho những người đào tạo người đẹp ở Hải Phòng chạnh lòng.

(iHay) Sự tệ bạc trong cách ứng xử của học trò sau khi nổi tiếng được cho là nguyên nhân chính khiến cho những người đào tạo người đẹp ở Hải Phòng chạnh lòng và “gác kiếm”.

Giấu chồng đi “luyện chân dài”
Có lẽ hiếm có thành phố nào của Việt Nam lại có nhiều người đẹp đạt giải ở các cuộc thi tầm cỡ như Hải Phòng. Thậm chí có chuyện trong tổng số 16 người đẹp lọt vào vòng chung kết phía Bắc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2000 thì có tới 9 cô gái xinh đẹp đến từ Hải Phòng. Đó cũng là năm mà 2 học trò của cô Đinh Hồng Sơn là Nguyễn Ngọc Oanh đạt á hậu 2 và Hoàng Nhật Mai lọt top 5, đạt giải gương mặt khả ái tại vòng chung kết toàn quốc.
Lý giải về việc đất Hải Phòng có nhiều người đẹp thành danh như vậy, cô Đinh Hồng Sơn cho rằng lý do then chốt trước hết phải nằm ở những người huấn luyện viên có chuyên môn và kinh nghiệm. “Phải có con mắt chuyên môn thì mới có thể phát hiện được những người có tố chất và biết cách “mài ngọc” cho sáng. Thứ hai đó chính là sự tâm huyết, đam mê của cả cô và trò”, cô Sơn bày tỏ.
Những năm trước đây, cô Sơn và hơn chục học trò thường tập luyện tại sảnh của Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp vào mỗi buổi tối, thu hút nhiều người tới xem. Nơi đây đã chắp cánh cho bao ước mơ bay vào thế giới của “thiên nga”. Cô Sơn tâm sự, việc huấn luyện gần như là miễn phí vì những em theo học đều là con nhà nghèo, có hoa hậu xuất thân từ gia đình lao động khó khăn, mẹ bán bún và bố phụ hồ.
Khi chúng tôi hỏi về tình cảm cô trò sau khi đăng quang của các người đẹp, cô Hồng Sơn chạnh lòng. Kể lại những tháng ngày “tay không” huấn luyện người đẹp gặp rất nhiều khó khăn, không kinh phí, thù lao, không đạo cụ. Cô trò chỉ có lòng nhiệt huyết và sự quan tâm, ủng hộ từ lãnh đạo Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp.
Thời gian đầu, chồng cô Sơn là một họa sĩ không muốn vợ mình theo đuổi công việc này vì kinh tế khó khăn, con cái nheo nhóc. Nhưng cô vẫn giấu chồng, quyết tâm dìu dắt những “chân dài” non nớt chinh phục tầm cao mới. Cô Sơn giãi bày: “Đa số học trò của tôi đều là con nhà nghèo nên các em rất chịu khó và nghị lực. Nghĩ tới cảnh các em đứng chờ mình ở Cung nên tôi lại dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Cô Sơn cho biết không thể quên những lần đưa đón “gà cưng” đi tập luyện, thậm chí đưa những em ở ngoại thành về nhà ăn ở, sinh hoạt để tiện tập luyện. Vì học trò quá nghèo nên cô phải đi mượn cho học trò cái áo, nơ, vòng cổ, thắt lưng, đôi giày...để đi thi, thậm chí còn mua cho từ bộ quần áo lót. “Tôi chưa bao giờ kể với ai về những điều này vì tôi nghĩ rằng sự tận tâm với học trò là một điều tốt. Mình cần đối xử với các em như một người mẹ”, vị huấn luyện viên này nói.
Cúi xuống lau chân cho học trò
Đó là lời tâm sự của cô giáo Lưu Quỳnh Loan, giảng viên khoa Thể dục Thể thao, trường ĐH Hải Phòng về một thời đào tạo người đẹp. Trong số những người đẹp thành danh mà cô đào tạo có Hoa hậu Thể thao năm 2007 Trần Thị Quỳnh.
Là người từng đưa học trò của mình đi tham gia các cuộc thi như Hoa khôi Hải Phòng, Hoa hậu Việt Nam, siêu mẫu...nên cô Loan luôn nhớ những kỷ niệm với các “thiên nga”. Đó là lần dẫn học trò đi mua đôi giày, quần áo để biểu diễn, rồi cả những lần đi xin tài trợ để có tiền cho học trò đi thi.
“Tôi nhớ một lần đi xin tài trợ, có người đặt vấn đề muốn mời riêng học trò của tôi đi ăn uống, rồi đi du lịch thì sẽ tài trợ cho nhiều tiền, nhưng tôi đã thẳng thắn từ chối. Tôi không chấp nhận kiểu “đại gia chống lưng” như thế. Tôi tâm niệm rằng học trò của mình phải là người “sạch” cả về hình thức và tư cách đạo đức”, cô Loan cho biết.
Cô Loan nhớ lại lần đưa một học trò đi thi hoa khôi ở khu du lịch Đồ Sơn (TP.Hải Phòng). Cô Loan vừa là người trang điểm, làm tóc, vừa phải sắp xếp đồ để học trò tự tin bước vào các phần thi. “Hôm đó đang thi thì trời đổ mưa. Sợ em ấy đi giày bị trơn, có thể ngã khi biểu diễn nên tôi đã cúi xuống lau chân cho em ấy. Nhìn học trò biểu diễn tự tin, tôi vui quá cứ nhảy tưng tưng cổ vũ, quên cả chồng và con đang ngồi dưới mưa chờ mình để đi về”, cô Loan chia sẻ.
Theo cô Loan, sự nhiệt tình của học trò gặp được sự tận tình, tâm huyết của người huấn luyện viên chính là yếu tố hàng đầu tạo nên thành công trong sự nghiệp đào tạo người mẫu của mình và để Hải Phòng trở thành “vương quốc hoa hậu”.
“Tệ lắm...!”
Lời chê trách ấy là điều mà chúng tôi ghi nhận được từ câu chuyện của những huấn luyện viên làm công việc đào tạo người đẹp đất Cảng. Khi liên hệ với cô giáo của một hoa hậu Việt Nam, người này đã từ chối chia sẻ câu chuyện của mình vì “đang bận đi công tác dài ngày và không muốn nhắc đến chuyện hoa hậu nữa. Tệ lắm!”.
Cô Đinh Hồng Sơn cho rằng, những “nốt trầm” trong công việc đào tạo người đẹp lại là chuyện ứng xử của học trò sau khi nổi tiếng. “Nhiều em thành danh sau các cuộc thi cũng quên tôi luôn, không có một lời cám ơn, hỏi thăm”, cô Sơn nói.
Kể cho chúng tôi chuyện về một người mẫu khá nổi tiếng trong giới showbiz rất lâu sau khi đăng quang mới mang 10 quả hồng tới nhà cám ơn, cô Sơn cho biết như vậy vẫn “chưa đáng buồn” bằng chuyện của một người đẹp khác. “Khi em ấy đăng quang, tôi có gọi điện nói rằng khi nào em sắp xếp được việc về Hải Phòng thì bảo cô dẫn đến cám ơn lãnh đạo Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp vì họ tận tình giúp đỡ mình. Hôm em ấy đến mang theo được một gói bánh quy khiến tôi rất buồn. Tôi đã bảo em ấy về vì như vậy là không hay, dù quà cáp chỉ là thứ yếu nhưng cũng cần phải đàng hoàng, lịch sự”, cô Sơn kể.
Cô Sơn còn nhắc tới một học trò khác đăng quang một cuộc thi tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với giải thường cả trăm triệu đồng: “Tôi có gọi điện hỏi em ấy kế hoạch để Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp tổ chức lễ đăng quang cho em ấy và giới thiệu tới người dân Hải Phòng. Em ấy nói ngay một câu: “Cô mua cho em vé máy bay thì em về”. Sau bữa đó, tôi cho em ấy vào dĩ vãng luôn”.
Cũng mang những nỗi niềm như cô Sơn, cô Lưu Quỳnh Loan bày tỏ sự thất vọng về cách ứng xử của học trò sau khi thành danh. “Có một em sau khi nổi tiếng là ngõ không qua, nhà không tới, không một tin nhắn điện thoại hỏi thăm sức khỏe. Khi một số người nói lời chê trách học trò của mình, tôi đã gọi điện, nhắn tin chia sẻ, góp ý với em ấy nhưng cũng chẳng thấy hồi âm”, cô Loan kể.
Cô Loan giãi bày, nhiều lúc tự động viên bản thân nên thông cảm vì ai cũng có cuộc sống riêng với những lo toan, nhất là khi các học trò của mình là người của công chúng, mang trách nhiệm nặng nề nên chịu nhiều áp lực. Dù vậy cô vẫn không giấu được những giọt nước mắt trong câu chuyện của mình. Là một nhà giáo, cô Loan ví von công việc đào tạo người đẹp là “chuyến đò đặc biệt” vì chỉ chở duy nhất một người, nhiều hiểm nguy nhưng thành công rất rực rỡ. Vì vậy cô không bao giờ hối tiếc với công việc đã làm dù đôi lúc nghĩ lại thấy buồn.
Còn cô Đinh Hồng Sơn nói rằng không oán trách học trò. “Đó là chuyện dễ hiểu trong cái nghiệp làm đẹp cho đời. Dù sao tôi cũng hạnh phúc vì đã giúp nhiều em thay đổi được số phận. Tôi chỉ buồn khi những huấn luyện viên chúng tôi bỏ công việc này thì bao công lao gầy dựng phong trào đào tạo người đẹp Hải Phòng hơn 20 năm qua sẽ dần tàn phai”, cô Sơn nói và cho biết thêm sẽ sẵn sàng “truyền nghề” cho người nào có tâm huyết và đạo đức.
Hải Phòng hết thời ‘vương quốc hoa hậu’? Kỳ 2: Trao tâm huyết, nhận...tệ bạc 2Cô Lưu Quỳnh Loan - Ảnh: VNK
Hải Phòng hết thời ‘vương quốc hoa hậu’? Kỳ 2: Trao tâm huyết, nhận...tệ bạc 3Cô Loan (thứ 2 từ phải qua) bên cạnh Hoa hậu Thể thao năm 2007 Trần Thị Quỳnh - Ảnh chụp lại từ cô Loan cung cấp
Hải Phòng hết thời ‘vương quốc hoa hậu’? Kỳ 2: Trao tâm huyết, nhận...tệ bạc 4Hoa hậu Thể thao năm 2007 Trần Thị Quỳnh là một trong học trò mà cô Loan có ấn tượng tốt đẹp - Ảnh chụp lại từ Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp
Hải Phòng hết thời ‘vương quốc hoa hậu’? Kỳ 2: Trao tâm huyết, nhận...tệ bạc 5Cô Loan (bìa phải) và cô Sơn (áo đen) bên những học trò đạt giải tại cuộc thi Hoa hậu Hải Phòng năm 2006 - Ảnh chụp lại từ Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp

Vũ Ngọc Khánh

>> Hải Phòng hết thời ‘vương quốc hoa hậu’? - Kỳ 1: Lời than vãn của 'bà trùm luyện chân dài'
>> Thanh Hằng diện quần tả tơi đi casting Vietnam’s Next Top Model
>> Vũ Khắc Tiệp nói gì khi Đêm hội chân dài bị ví như ‘chợ tình’?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.