Thuê đò đi khảo sát vùng nước phía Tây Lạch Huyện, thuộc H.Cát Hải, Hải Phòng, chúng tôi thấy 13 chiếc tàu trọng tải chừng 500 tấn đang hút cát từ đáy biển. Tiếng máy bơm, máy tàu ầm ầm, mùi khói khét lẹt, tất cả tạo nên hình ảnh một đại công trường trên biển.
Hơn 18 giờ, 13 con tàu no cát rời công trường rồi đi về hướng cửa sông Lạch Tray và bơm cát lên các bãi chứa hoặc bơm thẳng lên các công trường đang san lấp, xây dựng ở đây.
Ông Tr.V.H, 41 tuổi, ở Q.Hải An, một người có 15 năm làm nghề lái đò cho biết: “Trên sông Lạch Tray này cứ khoảng 5 km lại có một trạm kiểm soát của cơ quan chức năng nhưng phải sau 22 giờ đêm trở ra họ mới đi tuần. Khi ấy thì tàu chở cát đã rút rồi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực khai thác cát kể trên thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Hải Nam (trụ sở tại Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng). Năm 2011, công ty được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và có quyết định thuê đất để khai thác với trữ lượng 2 triệu m3 cát trong 7 năm.
Sau đó, UBND H.Cát Hải đã có công văn cho phép Công ty Hải Nam khai thác 3 đợt. Tuy nhiên, UBND H.Cát Hải cũng đã có 2 lần phải ra thông báo tạm dừng hoạt động khai thác cát tại khu vực trên do Công ty Hải Nam chưa thực hiện tốt việc kê khai nộp phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, chưa hoàn thành việc phân định chỉ giới, hệ thống phao tiêu, biển báo nên xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự tại đây.
Ông Nguyễn Huy Nhặn, Phó cục trưởng Cục thuế Hải Phòng xác nhận: “Theo báo cáo của Công ty Hải Nam, đơn vị này chưa kê khai sản lượng cát đã khai thác. Còn thực tế có khai thác hay không thì Cục thuế không nắm được”.
Theo qui định, doanh nghiệp khai thác cát phải đóng mức thuế 10% theo đơn giá 40.000 đồng/m3, ngoài ra còn phải nộp 2.000 đồng/m3 phí bảo vệ môi trường. Với thông tin từ Cục thuế Hải Phòng, có thể thấy doanh nghiệp kể trên chưa đóng thuế cho nhà nước.
Theo tính toán của một “đầu nậu” cát, chỉ cần 10 con tàu là sẽ hút được 5.000 m3 cát/ngày, mang về doanh thu khoảng 200 triệu đồng (tính theo giá bình quân 40.000 đồng/m3) mỗi ngày. Số tiền thuế và phí thất thoát tương ứng sẽ lên tới 30 triệu đồng/ngày.
Với doanh thu khủng đó, có thể thấy việc khai thác cát tại vùng biển Hải Phòng đang mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng thuế, phí đã không được nộp đầy đủ vào ngân sách.
Được biết, tổng số thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn Hải Phòng đang giảm mạnh: năm 2010 thu được 7,4 tỉ đồng; năm 2011 là 4,9 tỉ đồng; năm 2012 là 132 triệu đồng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết sau khi được báo chí phản ánh, quan điểm của thành phố là sẽ kiên quyết chỉ đạo, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác, kinh doanh cát trên địa bàn. Hiện nay thành phố đang thành lập đoàn thanh tra liên ngành để rà soát, kiểm tra lại toàn bộ tình hình khai thác cát.
Đông Bắc
>> Phát hiện hơn 10 tấn đường cát lậu chứa tạp chất
>> Bắt ghe hút cát lậu trên sông Đồng Nai
>> Bắt ghe hút cát lậu trên sông Đồng Nai
>> Vây bắt một ổ khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai
>> Suýt mất mạng vì chống khai thác cát lậu
Bình luận (0)