Đầu tháng 5, trong cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 517/2004 của Tổng cục Hải quan về áp dụng một số giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong CBCC hải quan, ông Nguyễn Trung Học, Cục trưởng Hải quan TP.HCM thừa nhận: khá nhiều công chức hải quan còn rất kém về văn hóa ứng xử. Cụ thể, trong giao tiếp còn biểu hiện thiếu văn hóa, có lúc quát nạt, dùng từ ngữ thiếu tôn trọng khách hàng (xưng hô mày tao) hoặc nói trống không; đi muộn về sớm; ý thức về danh dự và trách nhiệm còn kém, có CBCC có hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cho khách hàng... Trong lúc ông Học phát biểu, phía bên dưới (thành phần tham dự là lãnh đạo chi cục hải quan các cửa khẩu, lãnh đạo các đội...) thỉnh thoảng lại có tiếng chuông điện thoại reo lên như muốn bổ sung thêm cho nhận xét của lãnh đạo! Chuyện ứng xử, giao tiếp của CBCC hải quan từ lâu được khách hàng nói khá nhiều. Từ những Việt kiều về nước thăm nhà, đầu tư đến các chủ hàng làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng ở TP.HCM cũng thường kêu ca khi gặp thái độ trịch thượng, kẻ cả, bề trên... của CBCC hải quan.
Không thể để tồn tại mãi những ứng xử kém văn hóa trong CBCC hải quan, với quyết tâm làm thay đổi bộ mặt của đơn vị từ những chuyện nhỏ nhặt diễn ra trong công việc hằng ngày, ông Nguyễn Trung Học quyết định mở lớp văn hóa giao tiếp cho CBCC hải quan, ngay bản thân ông cũng nghiêm chỉnh đi học. Từ cuối tháng 5 đến nay, cứ thứ tư hằng tuần, những giảng viên Trường CĐ Văn hóa - nghệ thuật TP.HCM lại lên lớp dạy về văn hóa giao tiếp cho CBCC hải quan TP.HCM. Lãnh đạo Cục Hải quan, các chi cục, các đội cũng xách tập, cầm viết đi học... nói. Trước khi buổi học ngày 7.6 bắt đầu, ông Nguyễn Trung Học trấn an lãnh đạo các đơn vị trực thuộc: "Khi mở lớp học này, không phải chúng ta là người không có văn hóa mà bây giờ phải đi học lớp văn hóa. Điều quan trọng qua lớp học này là tự mỗi CBCC phải tự ngẫm lại mình, soi lại mình trong mối quan hệ với công chúng, giữa mình với doanh nghiệp trong giao tiếp ứng xử hằng ngày".
Việc Cục Hải quan TP.HCM mở lớp học văn hóa giao tiếp được xem là một sự kiện trong ngành (đây là đơn vị đầu tiên trong ngành đào tạo cho CBCC kỹ năng ăn nói). Đầu tháng 6.2006, làm việc với Cục Hải quan TP.HCM, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng đánh giá cao chuyện học này. Bởi bấy lâu nay, hành vi đạo đức, văn hóa ứng xử của CBCC hải quan đã làm tốn không biết bao nhiêu văn bản của ngành yêu cầu chấn chỉnh, làm tốn không bao nhiêu giấy mực của báo chí... nhưng đâu lại hoàn đó. Ba lớp học đầu tiên dành cho lãnh đạo các cấp hải quan TP.HCM vừa kết thúc. Một loạt các lớp tiếp theo sẽ tiếp tục tổ chức dành cho các CBCC hải quan khác.
Khi CBCC hải quan đi học, có người đã phán: Học là một chuyện, nhưng áp dụng lại là chuyện khác; hoặc bây giờ mới học văn hóa ứng xử thì đã quá muộn. Nhưng suy nghĩ của lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM thì khác: Thà muộn còn hơn không bao giờ. Hy vọng đây là tinh thần cầu thị thực sự.
"Để việc học văn hóa giao tiếp thành văn hóa giao tiếp là việc vô cùng khó, vì "thói quen xấu khó bỏ, thói quen tốt dễ quên"... Việc lên lớp chỉ là quy chuẩn, còn biến quy chuẩn thành văn hóa phải là suốt đời, suốt quá trình tồn tại của tổ chức". (TS Huỳnh Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa - nghệ thuật TP.HCM) "Năm nào tôi cũng về nước. So với trước đây Việt kiều phản ảnh CBCC hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất thường "lạnh lùng sương gió", nhũng nhiễu thì nay đỡ hơn. Họ không lạnh lùng nhưng cũng chẳng niềm nở. Tôi đi và thấy hải quan ở một số nước có thái độ tốt hơn, vì lý do gì đó, họ khám vali của hành khách, sau đó giúp sắp xếp lại. Còn hải quan mình thì để hành khách tự thu xếp hành lý, mặt khác có vẻ cán bộ hải quan thích "canh me" hơn". (Việt kiều Vu Nha, San Jose, California, Mỹ) "Tôi thường làm thủ tục xuất nhập hàng qua các cảng VICT, ICD... Một số nhân viên hải quan ứng xử như buôn bán ngoài chợ, có nhân viên nam còn chửi thề... Những nhân viên hải quan ăn nói niềm nở, đúng mực đều là những sinh viên mới ra trường hay mới vào ngành, nhưng sau vài tháng thì họ cũng như những nhân viên khác thôi. Nói công việc quá tải khiến CBCC hải quan nặng nhẹ với doanh nghiệp là không đúng, họ thích chứng tỏ quyền của mình hơn". (Anh Minh Đa, kinh doanh ngành hóa mỹ phẩm, Công ty TNHH A.H) |
Trần Hùng
Bình luận (0)