(TNO) Hải quân Nhật Bản đã đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập bằng một cuộc thao diễn lớn vào ngày 14.10 nhằm biểu dương sức mạnh trên biển của mình. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh một cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc.
Theo hãng tin AP, khoảng 40 tàu, bao gồm các tàu khu trục tối tân, các tàu đệm khí có thể thực hiện các cuộc tấn công vào những bờ biển gồ ghề và những tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường, đã tham gia Fleet Review 2012, hoạt động thao diễn trên biển tương đương với một cuộc diễu binh của quân đội.
|
Khoảng 30 máy bay hải quân, phần lớn là trực thăng, cũng tham gia cuộc thao diễn.
Tham gia cùng với Hải quân Nhật là các tàu chiến đến từ Mỹ, Singapore và Úc. Các đại diện của hơn 20 nước, bao gồm Trung Quốc, cũng tham gia sự kiện được tổ chức tại vùng biển phía nam thủ đô Tokyo.
Thủ tướng Yoshihiko Noda, người theo dõi cuộc thao diễn trên tàu khu trục JS Kurama, cho biết Nhật đang phải đối mặt với những thách thức “nghiêm trọng” đối với an ninh của nước này, dù ông không đề cập cụ thể đến cuộc tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền đối với các hòn đảo ở biển Hoa Đông.
Nhà lãnh đạo Nhật kêu gọi các thủy thủ tham gia cuộc thao diễn, vốn được tổ chức 3 năm 1 lần nhưng được mở rộng trong năm nay nhân dịp kỷ niệm 60 thành lập, phải sẵn sàng đối mặt với những “trách nhiệm mới” khi tình hình an ninh xung quanh nước này thay đổi.
Hải quân Nhật, vốn chính thức đươc gọi là Lực lượng Phòng vệ Biển, nằm trong số những lực lượng hải quân được trang bị và huấn luyện tốt nhất trên thế giới. Nhật cũng là nơi Mỹ đặt Hạm đội 7, vốn bao gồm nhóm tàu sân bay tấn công USS George Washington.
Nhưng Tokyo gần đây đã tỏ ra lo ngại về sự vươn lên của Hải quân Trung Quốc, theo nhiều chuyên gia, có thể làm đảo lộn hiện trạng và gặm mòn khả năng của Nhật ngăn chặn hiệu quả những thách thức đối với sự tự do lưu thông trên những tuyến đường biển then chốt.
Trong khi đó, những lo ngại về sự cương quyết trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thúc đẩy thêm những lời kêu gọi Tokyo củng cố các hệ thống phòng thủ của quân đội.
Những lo ngại như thế đã gia tăng trong năm nay giữa lúc hai nước cùng đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo có tiềm năng lớn về ngư nghiệp và khí đốt được Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Để phản ứng lại, Nhật đang củng cố đội tàu hải quân bằng cách tiếp nhận các tàu tấn công đổ bộ và đang cân nhắc mua máy bay không người lái để cải thiện năng lực giám sát xa bờ.
Trùng Quang
> Nhật, Hàn tạm hòa hoãn về quần đảo Dokdo/Takeshima
>> Nhật Bản tính xoa dịu Trung Quốc vụ Senkaku/Điếu Ngư
>> Trung Quốc đưa tàu chiến tới Senkaku/Điếu Ngư
>> Thủ tướng Nhật tuyên bố không thỏa hiệp về Senkaku/Điếu Ngư
>> Tuần duyên Nhật, Đài Loan “đấu” vòi rồng ở Senkaku/Điếu Ngư
Bình luận (0)