Theo đó, chức năng này có nhiệm vụ “tia” hàng hóa khi hàng từ trên tàu ngoài khơi qua hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa chứng từ liên quan (manifest), sàng lọc, phân tích trên cơ sở dữ liệu để đưa ra các thông tin cảnh báo liên quan đến các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Mục đích để hỗ trợ hải quan địa phương kịp thời phát hiện các lô hàng phế liệu không đạt yêu cầu nhập khẩu qua phương pháp phân tích về mặt hàng hóa từ trước khi tàu nhập cảnh.
Theo quy định, trước khi tàu cập cảng Việt Nam, chủ tàu, đại lý hãng tàu phải khai báo trên hệ thống manifest, trong đó có thông tin về những lô hàng dự kiến được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Cơ quan hải quan sẽ dựa vào khai báo này để xem xét, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, sẽ phát đi thông tin cảnh báo với chủ tàu, đại lý hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng, yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải khai báo rõ về giấy phép, tên hàng nhập khẩu… Như vậy, nếu lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu sẽ được yêu cầu chuyển ngược về nước xuất khẩu, không được dỡ hàng xuống cảng biển Việt Nam.
Theo công văn 4202/TCHQ-PC của Tổng cục Hải quan về quản lý phế liệu nhập khẩu, Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hải quan đối với hồ sơ tàu biển nhập cảnh thực hiện phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên manifest theo đúng quy định tại khoản 1 điều 67 Nghị định số 08/2015 và khoản 38 điều 1 Nghị định số 59/2018 của Chính phủ. Trong đó lưu ý kiểm tra chặt chẽ các nội dung: Khai báo trên manifest phải đầy đủ các thông tin cụ thể về doanh nghiệp (tên, mã số thuế, địa chỉ, số của giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất...); về hàng hóa (loại phế liệu, mã HS tối thiểu 4 số...). Ví dụ: không khai là “phế liệu” chung chung mà phải khai là phế liệu nhựa, phế liệu giấy...; không khai các danh từ chung như hàng bách hóa (general cargo, freight of all kinds, FAK, said to contain, STC)...
Thứ hai, công văn 4202 yêu cầu hải quan thực hiện rà soát, phân tích thông tin khai trên manifest trong thời hạn 4 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin, nếu có cơ sở xác định hàng hóa vận chuyển trên tàu biển là chất thải theo quy định tại khoản 12 điều 3 luật Bảo vệ môi trường thì thông báo ngay cho hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng; đồng thời yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý vi phạm theo quy định.
Bình luận (0)