TNO

Hai sao chổi đang cùng lao đến Trái đất

19/03/2016 16:46 GMT+7

(Tin Nóng) Vào đầu tuần sau, Trái đất sẽ có cuộc chạm trán đặc biệt với hai sao chổi, với một sao chổi tiến đến khoảng cách gần thứ ba từng được ghi nhận trong lịch sử.

(Tin Nóng) Vào đầu tuần sau, Trái đất sẽ có cuộc chạm trán đặc biệt với hai sao chổi, với một sao chổi tiến đến khoảng cách gần thứ ba từng được ghi nhận trong lịch sử.

Sơ đồ vị trí của hai sao chổi so với Trái đất vào ngày 22.3.2016 - Ảnh: NASA

Hai sao chổi màu ngọc lục bảo với bề ngoài giống như song sinh sẽ lướt đến địa cầu trong vài ngày nữa, với lần chạm trán đầu tiên vào ngày 21.3 và lần thứ hai diễn ra một ngày sau đó, theo Space.com. Đây cũng là hiện tượng thiên văn xuất hiện duy nhất trong cuộc đời của chúng ta.

Các nhà thiên văn học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay các sao chổi sẽ tiến đến ở khoảng cách đặc biệt gần nhưng an toàn với Trái đất, với sao chổi thứ hai sẽ cách địa cầu khoảng 3,5 triệu km, mức gần thứ ba từng được ghi nhận trong lịch sử.

Sao chổi đầu tiên là 252P/LINEAR, bề ngang gần 230 m, được các chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát hiện vào ngày 7.4.2000. Nó sẽ đến gần Trái đất ở khoảng cách 5,3 triệu km.

Sao chổi còn lại mới được tìm thấy gần đây, nhờ vào công của các nhà nghiên cứu ở trạm đặt kính viễn vọng PanSTARRS thuộc Đại học Hawaii vào ngày 22.1.2106.

Ban đầu, nó được cho là một tiểu hành tinh, nhưng sau khi nhóm chuyên gia của Đại học Maryland và đài quan sát thiên văn Lowell phát hiện cái đuôi mờ nhạt, nó chính thức được xếp vào sao chổi, có tên P/2016 BA14.

Vị trí hai sao chổi trên bầu trời đêm - Ảnh: NASA

Trước đó, hai sao chổi đến gần Trái đất nhất và nhì lần lượt là D/1770 L1 (Lexell) vào năm 1770 và C/1983 H1 (IRAS-Araki-Alcock) trong năm 1983.

Sao chổi P/2016 BA14 có quỹ đạo đặc biệt tương tự với sao chổi 252P/LINEAR, chỉ bằng phân nửa sao chổi thứ nhất, khiến giới thiên văn học nghi ngờ rằng chúng có thể bắt nguồn từ một gốc.

Có thể hai sao chổi trên từng là một, trước khi tách rời vào một thời điểm nào đó trong quá khứ.

Sao chổi 252P sẽ lướt qua Trái đất vào khoảng 19 giờ 14 ngày 22.3 (giờ VN), còn P/2016 lao theo sau vào 21 giờ 30 ngày 22.3 (giờ VN).

Ngày 22.3 cũng là thời điểm sao chổi P/2016 BA14 tiến đến gần Trái đất nhất trong ít nhất 150 năm nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.