TNO

Hai tàu chiến Gepard Nga đóng cho VN đã có động cơ Ukraine

20/04/2016 11:40 GMT+7

(Tin Nóng) Hai tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 Nga đóng cho Hải quân Việt Nam đã có động cơ turbin khí do Ukraine giao, nhưng việc giao hàng chậm do căng thẳng với Nga khiến tiến độ bàn giao cặp tàu này bị trễ từ 8 - 9 tháng so với kế hoạch.

(Tin Nóng) Hai tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 Nga đóng cho Hải quân Việt Nam đã có động cơ turbin khí do Ukraine giao, nhưng việc giao hàng chậm do căng thẳng với Nga khiến tiến độ bàn giao cặp tàu này bị trễ từ 8 - 9 tháng so với kế hoạch.

Cặp tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 thứ 3 và 4 của Việt Nam đang đóng ở Tatarstan, Nga đã có động cơ turbin khí từ Ukraine - Ảnh: Nhà máy Gorky

Báo cáo tài chính năm 2015 do Nhà máy đóng tàu Maxim Gorky tại Zelenodolsk (cộng hoà Tatarstan, Nga) công bố ngày 15.4.2016 cho biết vào ngày 15.2.2013, Nhà máy đóng tàu Gorky cùng tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport ký hợp đồng cấp chính phủ đóng 2 tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard 3.9 cho hải quân Việt Nam, sau khi đã bàn giao cặp tàu đầu tiên trước đó là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Hai tàu này được cho có chức năng săn ngầm, cùng hệ thống tên lửa mới.

Ngày 14.5.2013, hợp đồng chính thức có hiệu lực sau khi phía Việt Nam thanh toán tài chính bước đầu.

Ngày 10.11.2015, Bộ Quốc phòng Việt Nam ký bản xác nhận tiến hành giai đoạn 3 “lắp đặt máy móc, thiết bị” cho tàu số hiệu 956, và đến ngày 8.12.2015 ký xác nhận tương tự cho tàu số hiệu 957.

Vấn đề quan trọng trong tiến trình đóng cặp tàu Gepard 3.9 thứ 3 và 4 cho Việt Nam là động cơ turbin khí của tàu. Trước đây hầu hết tàu chiến của Hải quân Nga và tàu chiến Nga xuất khẩu gần như sử dụng động cơ turbin khí của hãng Zorya - Mashproekt ở Nikolaev, Ukraine. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014, các giao dịch cung ứng động cơ từ Ukraine chấm dứt, gây ảnh hưởng lớn đến ngành đóng tàu chiến của Nga và ảnh hưởng đến khách hàng nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Theo hợp đồng, động cơ của 2 tàu Gepard của Việt Nam trang bị loại turbin khí M44E của Zorya - Mashproekt. Sau khi Ukraine không giao hàng cho Nga, phía Việt Nam đã đàm phán với Ukraine về vấn đề động cơ này. Cuối cùng Ukraine và Việt Nam ký kết thoả thuận để Ukraine giao động cơ cho Việt Nam rồi Việt Nam chuyển cho Nhà máy Gorky.

Các thủ tục hoàn tất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.2015, và đến ngày 17.10.2015 động cơ M44E đã được giao cho Nhà máy Gorky để lắp ráp cho 2 tàu Gepard của Việt Nam.

Tính ra việc giao động cơ M44E này chậm đến 15,5 tháng so với dự kiến đối với tàu số 956 và 10,5 tháng với tàu số 957. Việc chậm trễ này đã kéo theo tiến độ hoàn thành và giao hàng cho Việt Nam không đúng với hợp đồng. Cụ thể với tàu số 956, thời gian từ khi đóng đến lúc bàn giao đã từ 42 tháng (theo hợp đồng) nay tăng lên 51 tháng, và với tàu 957 từ 46 tháng lên 54 tháng.

Như vậy tàu số 956 giao trễ đến 9 tháng và tàu 957 trễ 8 tháng so với hợp đồng. Và dự kiến phải đến tháng 8.2017 tàu 956 mới bàn giao, và tàu 957 là cuối năm 2017.

Do chậm trễ từ khâu động cơ turbin khí nên tiến độ bàn giao 2 tàu chiến Gepard 3.9 có chức năng săn ngầm này cho Việt Nam bị trễ thêm 8-9 tháng so kế hoạch - Ảnh: Nhà máy Gorky

Nhà máy Gorky cũng cho biết trong tháng 1.2015 đã ký hợp đồng với tập đoàn Mortehnologii ở St. Petersburg để huấn luyện đào tạo lý thuyết cho 704 thuỷ thủ Việt Nam, những người sẽ vận hành hai tàu Gepard 3.9. Đến nay Mortehnologii đã hoàn tất 4 trên 8 giai đoạn huấn luyện đào tạo này.

Trước đó nhiều thông tin nói rằng hai tàu Gepard Nga đóng cho Việt Nam sẽ dùng động cơ của Đức thay thế Ukraine, nhưng với báo cáo này của Nhà máy thì điều đó đã không xảy ra.

Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko (giữa) tham quan nhà máy chế tạo động cơ turbin khí của Tập đoàn quốc doanh Zorya-Mashproekt - Ảnh: Tập đoàn Zorya-Mashproekt

Tập đoàn quốc doanh Zorya-Mashproekt (Ukraine) là một trong những hãng chế tạo động cơ turbin khí hàng đầu của  thế giới, với 95% sản phẩm dành cho xuất khẩu. Khách hàng của tập đoàn này có Nga, Belarus, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Iran và nhiều nước khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.