Bóng đá Việt Nam và xu hướng nhập tịch

Hai 'trường phái' nhập tịch của bóng đá Đông Nam Á

03/10/2024 05:01 GMT+7

Trước khi đội tuyển Indonesia vươn lên mạnh mẽ nhờ chính sách nhập tịch, đội tuyển Singapore từng thống trị bóng đá Đông Nam Á bằng những cầu thủ xuất thân bên ngoài khu vực.

"NHẬP KHẨU" HOÀN TOÀN

Năm 1993, Singapore khởi động chương trình Tài năng Thể thao nước ngoài (FST) nhằm tìm kiếm, tạo điều kiện cho người nước ngoài được nhập quốc tịch và thi đấu thể thao dưới màu áo đảo quốc sư tử. Bóng bàn là môn đầu tiên áp dụng chương trình này khi "nhập khẩu" rất nhiều VĐV từ Trung Quốc. Phải sang đầu thế kỷ 21, khi bóng đá Singapore đi xuống sau chức vô địch Tiger Cup 1998, Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS) mới áp dụng FST.

Hai 'trường phái' nhập tịch của bóng đá Đông Nam Á- Ảnh 1.

Đội tuyển Indonesia với 9 cầu thủ nhập tịch trong đội hình tại vòng loại thứ 3 World Cup 2026

Ảnh: PSSI

Lần lượt những cầu thủ như Egmar Goncalves (gốc Croatia), Mirko Grabovac (gốc Brazil) hay Daniel Bennett (gốc Anh), Agu Casmir (Nigeria), Itmi Dickson (Nigeria), Aleksandar Duric (Bosnia), Precious Emuejeraye (Nigeria), Fahrudin Mustafic (Serbia)… được nhập quốc tịch Singapore để chơi cho đội tuyển quốc gia nước này. Nhóm cầu thủ nhập tịch đã cải thiện đáng kể sức mạnh cho đội tuyển Singapore và đóng góp không nhỏ trong hành trình giành 3 chức vô địch Đông Nam Á gồm Tiger Cup 2004 và AFF Cup 2007, 2012. Trong đó, Bennett đang là cầu thủ giữ kỷ lục có nhiều lần khoác áo đội tuyển Singapore nhất (146 trận). Ở danh sách 10 chân sút xuất sắc nhất lịch sử của họ, Casmir và Duric cũng góp mặt với số bàn thắng lần lượt là 15 và 27.

Nhưng sau một thời gian, chính sách này không còn hiệu quả nên bị dừng lại 10 năm, trước khi Song Ui-young (Hàn Quốc), Jacob Mahler (Đan Mạch) trở thành những trường hợp tiếp theo. Dù vậy, đội tuyển Singapore vẫn chưa thể tìm lại vị thế hàng đầu Đông Nam Á.

Tương tự FAS, Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) cũng nhập tịch cầu thủ để vươn lên top đầu của bóng đá Đông Nam Á cùng Thái Lan, VN. Dưới "triều đại" HLV Tan Cheng-hoe (2018 - 2022), Mohamadou Sumareh (gốc Gambia) là cầu thủ nhập tịch nổi bật nhất. Anh thi đấu thăng hoa giúp đội tuyển Malaysia giành ngôi á quân AFF Cup 2018. Còn lại, các cầu thủ như Liridon Krasniqi (gốc Kosovo), Guilherme De Paula (gốc Brazil), Ezequiel Aguero (gốc Argentina) đều không để lại dấu ấn nào. Thậm chí, họ còn bị người hâm mộ nước này chỉ trích do thi đấu thiếu nhiệt huyết và gần như hết cửa trở lại đội tuyển Malaysia. Tháng 1.2024, Chủ tịch FAM Hamidin Moh Amin tuyên bố dừng chính sách nhập tịch và thừa nhận đây là một thất bại.

NƯỚC ĐI MỚI CỦA INDONESIA, THÁI LAN

Đội tuyển Indonesia trải qua tình cảnh tương tự Singapore, Malaysia khi chật vật trong hành trình leo lên đỉnh của bóng đá Đông Nam Á. Phải đến khi ông Shin Tae-yong, một chiến lược gia đẳng cấp World Cup, ngồi vào ghế HLV trưởng thì việc nhập tịch mới bùng nổ trở lại. Sau thất bại nặng nề ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 (đội tuyển Indonesia xếp cuối bảng G với chỉ 1 điểm), HLV người Hàn Quốc nhận ra không thể đưa đội tuyển xứ vạn đảo đến gần với sân chơi World Cup bằng dàn cầu thủ trong nước. Đến AFF Cup 2022, 3 cầu thủ nhập tịch gồm Ilija Spasojevic, Jordi Amat và Marc Klok được điền tên vào danh sách đăng ký thi đấu. Trong đó, Spasojevic là người Montenegro 100%, còn Amat và Klok có gốc gác Indonesia.

Nhưng chừng đó là chưa đủ. Đội tuyển Indonesia bị VN loại ở bán kết và PSSI có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Năm 2023, tỉ phú Erick Thohir trở thành Chủ tịch PSSI và làn sóng nhập tịch của bóng đá Indonesia trở thành một cơn "sóng thần". Nhờ tầm ảnh hưởng, mối quan hệ của mình, ông Thohir giúp đội tuyển Indonesia sở hữu rất nhiều cầu thủ chất lượng có gốc gác Indonesia như Sandy Walsh, Rafael Struick, Shayne Pattynama, Ivar Jenner, Justin Hubner, Jay Idzes, Nathan Tjoe-A-On, Thom Haye, Calvin Verdonk và Maarten Paes. Phần lớn các cầu thủ này đang chơi bóng ở châu Âu, được ra sân thường xuyên.

Những cầu thủ này giúp đội tuyển Indonesia mạnh lên đáng kể. Trong hơn một năm qua, đội bóng xứ vạn đảo vào đến vòng 16 đội Asian Cup 2023, giành vé vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 và đã chơi cực kỳ ấn tượng khi cầm hòa 2 đội bóng hàng đầu châu Á là Ả Rập Xê Út và Úc. Thêm vào đó, phần lớn nhóm cầu thủ kể trên đang ở độ tuổi U.23 nên cũng giúp đội tuyển U.23 Indonesia vào đến bán kết VCK U.23 châu Á 2024. Hiện tại, HLV Shin Tae-yong có thể tung ra đội hình thi đấu với 11 cầu thủ nhập tịch có gốc gác Indonesia.

Lúc này, đội tuyển Thái Lan cũng bắt đầu tìm kiếm nhiều hơn những cầu thủ có gốc gác Thái Lan. Trong tay HLV Masatada Ishii hiện có Nicholas Mickelson, Elias Dolah, Patrik Gustavsson và William Weidersjo. 4 cầu thủ này đang được trao nhiều cơ hội, vừa đá chính trong cuộc đối đầu đội tuyển VN ở loạt FIFA Days tháng 9 và chơi ấn tượng, trong đó Gustavsson chính là người ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho "Voi chiến". Liên đoàn Bóng đá Thái Lan cũng tích cực "săn lùng" nguồn cầu thủ Thái kiều để cải thiện sức mạnh đội tuyển quốc gia, bên cạnh việc duy trì mối quan hệ với các đội bóng nước ngoài để phát triển đào tạo trẻ. (còn tiếp) 

Trong giai đoạn 1800-1945, Indonesia từng là thuộc địa của Hà Lan. Vì thế, nhiều người Hà Lan có gốc gác Indonesia. Hàng loạt cựu tuyển thủ Hà Lan mang dòng máu Indonesia như Robin van Persie, Giovanni van Bronckhorst, John Heitinga, Roy Makaay, Michael Mols, Nigel de Jong. Tương tự là tiền vệ trụ cột của đội tuyển Hà Lan và AC Milan hiện tại Tijjani Reijnders. Người em của Tijjani là Eliano cũng vừa chính thức trở thành công dân Indonesia hôm 30.9 và sẽ được triệu tập lên đội tuyển quốc gia nước này để chuẩn bị cho 2 trận gặp Bahrain và Trung Quốc tại vòng loại thứ 3 World Cup 2026.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.