Người viết còn nhớ, vào ngày 28.4.2023, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được tổ chức khánh thành, ngay sau đó được đưa vào khai thác. Với tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ngày 19.5.2023 cơ quan chức năng cũng đã cho khai thác tạm thời. Đúng 1 tháng sau, ngày 18.6.2023, lễ khánh thành đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chính thức diễn ra.
Có thể nói, việc đưa vào vận hành, khai thác 2 đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một sự kiện quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông; đặc biệt với người dân Bình Thuận, giúp người dân rút ngắn thời gian di chuyển đến TP.HCM.
Sau sự kiện khánh thành 2 tuyến cao tốc này, lượng khách đến Bình Thuận đông kỷ lục. Cụ thể là ngành du lịch trong năm 2023 đã đón tới 8,35 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 22.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào khai thác, cả 2 tuyến cao tốc này lại chậm hoàn thiện các hạng mục theo thiết kế.
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, hiện cả 2 tuyến cao tốc vẫn chưa hoàn thiện các đường dẫn và các công trình phụ; tại các điểm giao cắt tạo ra sự xung đột giao thông, nhất là các điểm giao với tuyến QL1 ở Hàm Kiệm. Hệ thống đèn chiếu sáng, tấm chống lóa ở dải phân cách, hay trạm dừng chân cũng chưa được thi công kịp thời; chưa có hệ thống camera giám sát an toàn giao thông. Đáng chú ý là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 2 làn xe, mà không có làn dừng khẩn cấp.
Đặc biệt, từng xảy ra ngập úng trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khiến tắc nghẽn giao thông nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Số liệu thống kê của Công an tỉnh Bình Thuận cho biết từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, nhất là ở các điểm giao với QL1 và đường dân sinh.
Từ đó cho thấy, chỉ có khẩn trương hoàn thiện các công trình trên 2 tuyến cao tốc này theo thiết kế mới giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát huy hiệu quả của đường cao tốc vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bình luận (0)