Hầm chui, cầu vượt 'cứu' giao thông khu nam

03/08/2019 06:58 GMT+7

Với tổng vốn đầu tư 830 tỉ đồng, dự án xây dựng hầm chui và vòng xoay tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được kỳ vọng giải tỏa tình trạng ách tắc nghiêm trọng tại ngã tư huyết mạch của khu nam Sài Gòn.

 Mòn mỏi chờ đợi

Vài năm trở lại đây, khu vực khu nam TP (Q.7, H.Nhà Bè) phát triển nhanh chóng với hàng loạt dự án cao tốc, nhà cao tầng, khiến hạ tầng giao thông gần như bị “bóp nghẹt”, ùn tắc thường xuyên xảy ra.
Gần 9 giờ sáng 2.8, giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đông kín xe cộ. Dòng xe di chuyển chậm vào đường Nguyễn Hữu Thọ, bắt đầu từ đoạn giao Nguyễn Thị Thập lại “cập” ngay vào hàng dài ô tô, xe máy đang “xếp hàng” chờ qua cầu Kênh Tẻ khiến con đường dài chưa tới 3 km nhưng có khi phải mất hàng giờ mới qua được bên kia phía trung tâm TP.
Anh Huỳnh Thanh (ngụ H.Nhà Bè) hằng ngày đi làm qua khu vực này cho biết tắc đường từ khu vực đường Nguyễn Văn Linh kéo dài qua cầu Kênh Tẻ đã trở nên thường xuyên, giao thông hỗn loạn ngay cả khi không phải giờ cao điểm. “Ngày càng nhiều dự án bất động sản dồn về khu vực này. Tuy không cùng làn nhưng xe máy giao cắt với làn xe container cũng rất nguy hiểm. Tôi nghĩ TP nên sớm xây thêm cầu vượt để giải tỏa ách tắc giao thông khu vực này”, anh Thanh nói.
Trước tốc độ phát triển quá nhanh của các dự án nhà ở, UBND TP.HCM đã lập dự án xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ với tổng mức đầu tư 3.834 tỉ đồng và giao cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, dự án sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60 m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. Hai hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480 m. Trong đó, hầm kín chui dưới giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ, dài khoảng 80 m; hầm hở phía khu chế xuất Tân Thuận dài khoảng 200 m, phía QL1A dài khoảng 200 m.
Tháng 2.2017, Sở GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hầm chui nút giao nói trên với tổng vốn đầu tư 830 tỉ đồng (nguồn vốn ngân sách TP), thời gian thực hiện từ 2017 - 2018, nhưng gần 2 năm qua, người dân vẫn mòn mỏi chờ dự án trên giấy. Do đó, thông tin UBND TP vừa duyệt phương án cấp vốn 830 tỉ đồng để tái khởi động dự án, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư, dự kiến cuối năm 2019 thi công, hoàn thành sau 1 năm khiến không ít người dân hy vọng sắp thoát “ải” kẹt xe.

Thêm cầu, mở đường vẫn chưa đủ

KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM, đánh giá việc có thêm vòng xoay, hầm chui, cầu vượt sẽ biến các nút giao cắt trên cùng một mặt bằng trở thành nút giao 3 tầng, có thể tăng gấp đôi lưu lượng giao thông, đảm bảo giải quyết tốt ách tắc giao thông khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên theo ông Kim Cương, quy hoạch giao thông phía nam, khu vực Phú Mỹ Hưng rất tốt nhưng giao thông kết nối với các khu vực lân cận lại yếu, chưa đồng bộ, tạo nên nhiều nút cổ chai gây ùn tắc. Bên cạnh đó, với tốc độ “mọc như nấm sau mưa” của các chung cư cao tầng, chỉ riêng trục Nguyễn Hữu Thọ chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu đi từ phía nam lên trung tâm TP.
“Theo quy hoạch, ngoài 2 cầu chữ Y và cầu Kênh Tẻ đang được mở rộng thêm 3 m, Sở GTVT cũng đang triển khai các dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ, nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát đoạn từ đường Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối Q.7 - Q.2, xây dựng nút giao khác mức Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư - Nguyễn Văn Linh, đường trục bắc - nam... Tất cả các dự án này cần nhanh chóng triển khai. Cần có thêm nhiều trục song song với Nguyễn Hữu Thọ để giảm tải, tạo nhiều hướng ra từ phía nam đi về trung tâm TP”, ông đề xuất.
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đối với một siêu đô thị phát triển mạnh mẽ như TP.HCM, không thể kỳ vọng vào việc cứ xây thêm cầu, đường là sẽ hết ùn tắc. Vấn đề lớn nhất là sai lầm về quy hoạch. Đa số các dự án khu đô thị hiện nay chỉ xây dựng chung cư, phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại mà không dành diện tích đất nhất định để hình thành các dịch vụ hạ tầng, xã hội như khu làm việc, bệnh viện, trường học... Người dân hằng ngày chỉ về nhà ngủ, còn thì đổ dồn về trung tâm. Cứ làm một nơi, đưa/đón con cái đi học một nơi thì kẹt xe là tất yếu.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trường hợp khu nam thành phố hiện nay, có thêm hầm chui, cầu Kênh Tẻ có nới ra, đường Nguyễn Hữu Thọ mở ra thêm bao nhiêu cũng vẫn kẹt, không thể “kham” nổi lượng dân cư ngày càng đông đổ về các chung cư khu vực này. Nói thế để thấy xây thêm cầu, đường mà không điều chỉnh quản lý đô thị, cấp phép xây dựng, quy hoạch thì chưa đủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.