Hạn chế độc quyền nhà nước chuyển thành độc quyền doanh nghiệp

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/11/2018 15:04 GMT+7

.

Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia khuyến nghị tại hội thảo khoa học “Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) tổ chức vào hôm qua, 15.11.
Khẳng định sự cần thiết của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế lớn, ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng nhiều quốc gia lớn cũng đều “nắm” các tập đoàn để thực hiện các chính sách công và luôn rót cho nó nhiều ưu đãi. “Tuy nhiên, họ chỉ hỗ trợ người thắng cuộc, là DN sau khi hoàn thành được nhiệm vụ mà nhà nước đặt hàng, chứ không phải hỗ trợ như cách chúng ta làm. Phải đặt DNNN vào kỷ luật thị trường, buộc cạnh tranh thì mới phát triển được”, ông Tuyển nói và nhấn mạnh: “Phải sẵn sàng cho DNNN phá sản như các DN khác, điều mà chúng ta không dám, nên DN không có động lực thay đổi”.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN vừa đi vào hoạt động, cần phân định rõ trách nhiệm của ủy ban này với hội đồng quản trị/hội đồng thành viên các DN và với cả người đại diện vốn tại DN.
TS Phạm Tiến Đạt, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, cũng nhấn mạnh phải tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN theo tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư vào DN và phân định rõ quyền quản trị công ty với quyền chủ sở hữu trong DN.
PGS-TS Ngô Tuấn Nghĩa (Viện Kinh tế chính trị học) cho rằng Ủy ban Quản lý vốn cần xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất khung pháp lý về giám sát riêng phù hợp đối với các tập đoàn theo hướng minh bạch thông tin một cách thực chất, khắc phục việc lạm dụng vị trí độc quyền nhà nước để chuyển thành độc quyền DN, gây khó khăn cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động. “Cũng như một số tập đoàn nhà nước ở một số quốc gia trên thế giới, các tập đoàn kinh tế nhà nước của VN nhận được những lợi ích to lớn về cơ hội tiếp cận đất đai và vốn dễ dàng, có thể được ưu đãi và được hưởng một vị trí độc quyền trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, quy định về việc minh bạch hóa thông tin và hạn chế độc quyền DN phải được thiết lập để đảm bảo tính cạnh tranh và tạo động lực vươn lên từ bên trong đối với bản thân các tập đoàn”, ông Nghĩa chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.