Hiện có khoảng 10.000 xe máy vi phạm giao thông trên địa bàn TP.HCM bị tạm giữ, quá thời gian giải quyết nhưng không có người đến nhận, và hàng ngàn chiếc đã trở thành phế liệu.
Kho tạm giữ như bãi phế liệu
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) có 4 kho lưu giữ tang vật vi phạm luật Giao thông đường bộ. Trong đó kho lưu giữ tại ấp 3, xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) là lớn nhất với khoảng 4.600 xe máy.
Kho này gồm 5 gian nhà lớn, số xe bị tạm giữ rất lớn, từ trong nhà tràn ra ngoài trời. Hầu hết đều hư hỏng, phủ đầy bụi, cũ kỹ và gỉ sét như đống phế liệu.
tin liên quan
Xe nhồi nhét, 'chặt chém' khách dịp 2.9 không được xuất bếnXe khách trước khi rời bến sẽ bị kiểm tra gắt gao, nếu chở quá số lượng khách so với quy định, thu giá vé tăng sẽ không được xuất bến và bị xử phạt.
Trung tá Nguyễn Văn Thương, Đội trưởng Hậu cần kỹ thuật PC67, cho biết theo quy định, sau 7 ngày tạm giữ, nếu không có người đến liên hệ giải quyết nhận xe thì đơn vị sẽ làm các bước thủ tục để cho thanh lý, cho dù đó là xe cũ nát hay xe còn mới và đắt tiền. Tuy nhiên, do bị “ngâm” trong thời gian dài dẫn đến hàng loạt phương tiện bị tạm giữ được thanh lý dưới dạng bán… sắt vụn.
|
|
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều trường hợp người điều khiển xe vi phạm luật Giao thông đường bộ những lỗi hành chính như không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy tờ xe... cũng bị tạm giữ phương tiện, như trường hợp anh N.K, ngụ Q.Tân Phú, bị tạm giữ xe máy hơn 1 tháng tại kho tang vật của PC67 ở xã Lê Minh Xuân. Khi lấy được xe ra, anh phải mất gần 1 triệu đồng để sửa chữa. “Lâu nay xe tạm giữ bị hư hỏng là “chuyện thường ngày ở huyện”, không ai kêu ca, phàn nàn mà chỉ biết cắn răng chịu đựng”, anh N.K nói.
Lãng phí lớn
Luật gia Nguyễn Việt Khoa, Hội Luật gia TP.HCM, bức xúc: “Việc quản lý xe như thế là lãng phí rất lớn của cải xã hội. Nếu chỉ vi phạm lỗi hành chính, không nghiêm trọng, không có dấu hiệu hình sự thì không nên tạm giữ xe để tránh lãng phí”. Theo ông Khoa, chúng ta đang đẩy mạnh hình thức phạt nguội, nên việc tạm giữ phương tiện là không thật sự cần thiết. Ông Khoa cho rằng, tính bình quân một chiếc xe bị tạm giữ rồi trở thành “sắt vụn” mất đi giá trị tương ứng từ 5 - 10 triệu đồng, thì chỉ riêng 10.000 chiếc đang bị tạm giữ ở TP.HCM, số tiền lãng phí thật sự khổng lồ!
|
|
Sẽ giao tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ
Ngày 17.11, trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng cho biết thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, UBND TP vừa có văn bản yêu cầu Công an TP cần hạn chế việc giữ phương tiện giao thông đường bộ của người vi phạm theo đúng tinh thần của luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Trong trường hợp bắt buộc phải tạm giữ phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng triệt để quy định về việc giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ.
Ông Huỳnh Cách Mạng cho biết thêm, UBND TP cũng đã yêu cầu Công an TP phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện rà soát, đánh giá, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm; xây dựng phương án xử lý đối với từng loại phương tiện; trình UBND TP phê duyệt trước ngày 31.12. Đồng thời, Công an TP đề xuất các bộ, ngành T.Ư sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng hạn chế tối đa việc tạm giữ phương tiện vi phạm, rút ngắn thời gian xử lý các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ.
Bình luận (0)