Ngày 18.8, tại Ninh Bình, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức Hội thảo công tác quản lý kỹ thuật lưới điện truyền tải 7 tháng năm 2023. Hội thảo nhằm nhìn nhận toàn diện công tác quản lý kỹ thuật, đồng thời tìm nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nhiều thách thức trong vận hành
Báo cáo tại hội thảo, ông Ninh Xuân Hiệp, Phó trưởng ban Kỹ thuật EVNNPT, cho biết tính đến tháng 7, EVNNPT quản lý vận hành lưới điện truyền tải quy mô lớn với khoảng 29.600 km đường dây, 187 trạm biến áp (TBA) gồm 37 TBA 500 kV và 150 TBA 220 kV, với tổng công suất 121.150 MVA.
7 tháng qua, vận hành mùa khô hệ thống điện miền Bắc gặp khó khăn ngay cả khi đã đóng điện các công trình mới và chuyển một phần phụ tải sang mua điện nước ngoài. Nguyên nhân do phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao (khoảng 7% đối với miền Bắc), trong khi nguồn điện bổ sung không nhiều, nguồn điện phân bố chưa phù hợp với phụ tải. Khó khăn đối với nguồn phía bắc dẫn đến truyền tải cao trên giao diện Trung - Bắc mà "nút cổ chai" là cung đoạn Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan.
Tổn thất điện năng thực hiện là 2,26% giảm 0,22% so với cùng kỳ năm 2022 (2,48%), cao hơn 0,11% so với chỉ tiêu kế hoạch (2,15%). Trong 7 tháng đầu năm, sự cố lưới điện truyền tải tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân sự cố chủ yếu là sự cố đường dây do sét.
Nhiều giải pháp vận hành lưới điện truyền tải an toàn
Mặc dù gặp nhiều thách thức nhưng EVNNPT đã đề ra nhiều giải pháp để đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định.
EVNNPT đang lập phương án để đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải các tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo, trong đó tập trung các giải pháp để đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải Trung - Bắc với các giải pháp tăng cường kiểm tra thiết bị, soi phát nhiệt, ứng trực, giám sát vận hành mang tải của đường dây và TBA… trong các tình huống cực đoan, lập phương án nâng khoảng cách pha đất các khoảng cột có độ võng cực đại (khi tải cao) có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
EVNNPT tiếp tục rà soát xử lý các khiếm khuyết thiết bị; xử lý ngăn ngừa phát nhiệt; hoán chuyển, thay thế các dao cách ly có dòng định mức cao hơn để hạn chế phát nhiệt khi truyền tải cao và triển khai dự án đường dây 500 kV mạch kép Vũng Áng - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối để tăng khả năng tải giao diện Trung - Bắc.
EVNNPT đang khẩn trương triển khai các dự án để giảm tải cho các đường dây và MBA vận hành tải cao như dự án nâng công suất MBA TBA 500 kV Hòa Bình, Thạnh Mỹ, đẩy nhanh tiến độ TBA 500 kV Vĩnh Yên để giảm tải cho TBA Việt Trì; lắp MBA TBA 220 kV Thái Thụy để giảm tải cho MBA Thái Bình; đẩy nhanh tiến độ TBA 220 kV Bá Thiện để giảm tải cho TBA Việt Trì…
Tiếp tục hoàn thiện các quy định đặc tính kỹ thuật để lựa chọn thiết bị đảm bảo vận hành, đánh giá khiếm khuyết thiết bị để cảnh báo các hãng sản xuất, tạm dừng thiết bị không đảm bảo vận hành, xảy ra nhiều sự cố, khiếm khuyết…
Về tổn thất điện năng, các đơn vị bố trí nhân lực chuyên trách cho công tác quản lý tiêu thụ điện năng và tính toán lưới điện; tổ chức đào tạo, bồi huấn nâng cao nghiệp vụ công tác quản lý tiêu thụ điện năng…
Trong đầu tư xây dựng, EVNNPT đầu tư phát triển lưới điện mới; cải tạo, chống quá tải lưới điện cũ đảm bảo vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ. Đây là giải pháp quan trọng đối với việc giảm tổn thất điện năng năm 2023.
Quyết liệt hơn nữa để nâng cao năng lực truyền tải
Tại hội thảo, Thành viên HĐTV EVNNPT Võ Hoài Nam và Phó tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến đã giải đáp thỏa đáng những đề xuất của các đơn vị, đồng thời khẳng định các đơn vị đã có sự nỗ lực lớn để đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải.
Lãnh đạo EVNNPT cũng kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá sự phù hợp về định biên nhân lực làm công tác kỹ thuật tại phòng kỹ thuật các truyền tải điện khu vực, tại phòng kỹ thuật các công ty truyền tải điện để kiến nghị cấp trên xem xét hiệu chỉnh theo hướng quy mô nhân lực kỹ thuật tương xứng với quy mô quản lý vận hành lưới điện.
Về tổn thất lưới điện truyền tải, EVNNPT kiến nghị lưới điện của EVNNPT không ngừng mở rộng, rút ngắn bán kính cấp điện, nâng cao độ tin cậy và giúp giảm tiêu thụ điện năng của lưới điện các công ty điện lực. Vì vậy, kiến nghị EVN xem xét phân bổ tiêu thụ điện năng hài hòa, đồng thời xem xét sự phù hợp về giao chỉ tiêu tổn thất lưới điện truyền tải cho EVNNPT do tổn thất chủ yếu phụ thuộc vào phương thức vận hành.
Đối với TBA không người trực, kiến nghị EVN xem xét đánh giá thêm về định biên lao động cho các tổ thao tác lưu động để đảm bảo đủ lực lượng trong trường hợp: tái lập ca trực tại TBA; sự cố SCADA diện rộng; thực hiện giám sát các dự án cải tạo, mở rộng các TBA; tham gia các khóa đào tạo và thực hiện diễn tập theo các quy định hiện hành...
Về phương thức cắt điện, lãnh đạo EVNNPT kiến nghị các cấp điều độ bố trí phương thức cắt điện hợp lý, đảm bảo đủ thời gian cho công tác thí nghiệm sửa chữa để đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn cho đơn vị công tác, hạn chế tối đa cắt điện tập trung vào thứ bảy, chủ nhật và cắt điện vào ban đêm…
Bình luận (0)