Hàn gắn bằng văn chương

30/04/2014 03:00 GMT+7

Trong hơn chục năm qua, có 2 nhà thơ cựu binh Mỹ nổi tiếng thường xuyên sang Việt Nam giao lưu và rất gắn bó với các nhà văn Việt Nam. Có thể nói hai ông và Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts) là “nhịp cầu văn chương hòa giải” sau chiến tranh giữa các nhà văn hai nước.

 
Giáo sư, tiến sĩ Kevin Bowen và tiến sĩ Bruce Weigl - Ảnh: N.Q.T

Trong một số lần tham gia hội thảo văn học Việt - Mỹ, tôi từng tiếp xúc với hai nhà thơ cựu binh này. Đó là nhà thơ, Giáo sư, tiến sĩ Kevin Bowen (tham chiến tại Việt Nam 1968 - 1969) và nhà thơ, tiến sĩ Bruce Weigl (tham chiến tại Việt Nam 1967 - 1968). Đặc biệt, có lần nhà thơ Bruce Weigl đã đích thân hiệu đính, chỉnh sửa bản dịch một bài thơ dài viết về chiến tranh của tôi để đọc tại một cuộc hội thảo thơ Việt - Mỹ sau chiến tranh.

Kevin Bowen, người hát khúc hát thành Cổ Loa

Kevin Bowen, sinh năm 1949, là tiến sĩ văn chương, cựu giám đốc Trung tâm William Joiner, chuyên nghiên cứu hậu quả chiến tranh và hậu quả xã hội. Ông đã viết và biên tập hơn một chục tuyển tập thơ và văn xuôi, trong đó có nhiều tập thơ và tiểu luận về Việt Nam với cố gắng hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đặc biệt, tập thơ nổi tiếng Chơi bóng rổ với Việt Cộng đã được dư luận văn học Việt - Mỹ đánh giá cao. Năm 2011, ông đã nhận Giải thưởng Phan Chu Trinh do Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh trao tặng.

Năm 1991, Kevin Bowen dẫn một đoàn cựu binh Mỹ đến Hà Nội, tham gia cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà văn cựu binh hai nước, đây là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ không chính thức Mỹ - Việt sau chiến tranh mà rất ít người để ý. Kevin Bowen đến Việt Nam trước để chuẩn bị. Ông mang vào Việt Nam 10.000 USD tiền mặt, thời gian ấy là một khoản tiền rất lớn (sau đó Kevin Bowen đã phải quay về Mỹ điều trần trước quốc hội Mỹ về việc này). Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại: “Ngay buổi tối đầu tiên đến Hà Nội, Kevin Bowen đã đánh mất 10.000 USD để trong một cái túi nhỏ. Chúng tôi thức suốt đêm nhưng không thể nào biết được cái túi biến mất lúc nào và ở đâu. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi trở lại quán phở của ông Sách, một nghệ sĩ hát chèo của Đài tiếng nói Việt Nam đã về hưu, để ăn sáng. Khi nhìn thấy chúng tôi bơ phờ và rất buồn, ông Sách cười toét miệng và đưa lại cho chúng tôi chiếc túi mà Kevin Bowen bỏ quên từ chiều hôm trước. Tất cả chúng tôi đã ứa nước mắt. Năm 1991 là một trong những năm kinh tế Việt Nam rất khó khăn. Có không ít người nước ngoài nghĩ Việt Nam lúc đó chỉ cần tiền...”.

 

Khi được giáo viên lớp 1 hỏi quốc tịch là gì, con trai tôi đã nói rằng nó có một nửa là Việt Nam

Nhà thơ Kevin Bowen

Tại một cuộc hội thảo văn học Việt - Mỹ, Kevin Bowen xúc động nhắc lại những kỷ niệm về các nhà văn Việt Nam đã sang thăm Mỹ theo lời mời của Trung tâm William Joiner: “Tôi đã có may mắn được đón các nhà văn Việt Nam trở thành khách của nhà tôi, chia sẻ những giây phút tĩnh lặng với họ bên hành lang sau nhà, cùng nấu ăn, nhìn hoa trong vườn nở. Có những năm Đỗ Chu đã vẽ chân dung mọi người. Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều và sau đó Tô Nhuận Vỹ thay nhau bế đứa con mới sinh Lily của tôi. Từ khi có thể tự bước đi bước đầu tiên, con trai tôi đã chơi bóng rổ ở sân sau với Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh và một loạt những người khác. Khi được giáo viên lớp 1 hỏi quốc tịch là gì, con trai tôi đã nói rằng nó có một nửa là Việt Nam...”.

Năm 2011, Kevin Bowen in tập thơ Khúc hát thành Cổ Loa bằng tiếng Việt tại NXB Hội Nhà văn, tập hợp những bài thơ mới nhất ông viết về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam với lời đề tựa của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Kevin Bowen đã gặp và làm thơ về những nạn nhân chất độc đi-ô-xin, về những người xúc cát ở Huế, những người quét rác ở Hà Nội. Anh đã phát hiện ra, cả Việt Nam là một ngôi chùa lớn. Trên bệ thờ của ngôi chùa lớn đó, là những người sẵn sàng chết vì một lòng tốt bình thường...”.

Bruce Weigl:“Việt Nam trong trái tim tôi”

Bruce Weigl, sinh năm 1949, tại Ohio (Mỹ), tiến sĩ Đại học Utah, đã xuất bản 5 tập thơ, trong đó có tập thơ Bài hát bom Napan nổi tiếng với chủ đề chống chiến tranh ở Việt Nam. Ông được trao giải thưởng thơ Mỹ năm 1979 và 4 giải thưởng văn chương uy tín khác. Rất nhiều bài thơ của ông được lấy cảm hứng trong thời gian ông tham chiến tại Việt Nam.

Khoảng 40 năm kể từ khi rời Việt Nam sau cuộc chiến mà ông chia sẻ “càng ở lâu, tôi càng nhận ra rằng có gì đó sai”, ông đã thiết lập mối quan hệ hoàn toàn mới với Việt Nam và các bạn Việt Nam. Trong nỗ lực hòa giải sau chiến tranh, Bruce Weigl đã dịch những bài thơ của những bộ đội Việt Nam mà phía Mỹ thu thập được ở chiến trường. Ông cũng nhận lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam, tới Hà Nội để giúp dịch thơ trong chương trình hợp tác giữa các nhà văn Việt - Mỹ.

Trong một lần sang Việt Nam, tới thăm một trại trẻ mồ côi, Bruce Weigl đã nhận một cháu bé làm con nuôi và chính tình cảm cha con này đã khiến ông coi Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình. Ông cho biết: “Thời gian làm người lính của tôi ở Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi, khiến tôi mạnh mẽ hơn và có lòng trắc ẩn hơn. Việt Nam luôn là một trong 2 đất nước của trái tim tôi”.

Nguyễn Việt Chiến 

>> Người thợ cày trên cánh đồng văn chương
>> Ra sách Văn chương và nhân cách Võ Hồng
>> Một cái nhìn văn chương Nam bộ
>> Xuất khẩu văn chương Việt
>> Văn chương tự sự âm thầm trên blog
>> Rong ruổi với văn chương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.