Hạn hán khốc liệt ở miền Trung, xâm nhập mặn kéo dài ở ĐBSCL

30/04/2024 19:08 GMT+7

Theo cơ quan khí tượng, tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn kéo dài khi ở mức cảnh báo thiên tai cấp 2. Tình trạng hạn hán ở miền Trung, Tây nguyên vẫn rất khốc liệt trong đầu tháng 5.

Cảnh báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL mức thiên tai cấp 2

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ ngày 1 - 10.5, khu vực miền Tây Nam bộ phổ biến ít mưa; ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Tuy mưa không nhiều nhưng cần chú ý có thể xuất hiện mưa giông cục bộ vào chiều tối dễ kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh nguy hiểm.

Hạn hán khốc liệt ở miền Trung, xâm nhập mặn kéo dài ở ĐBSCL- Ảnh 1.

Tây Nam bộ tiếp tục ít mưa trong đầu tháng 5

NHẬT THỊNH

Nhiệt độ cao nhất tại Tây Nam bộ phổ biến từ 34 - 37 độ C, có nơi cao hơn. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,1 m, tại Châu Đốc 1,3 m, ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ khoảng 0,05 m.

Mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu từ ngày 1 - 10.5 dao động ở mức trung bình, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 3,8 - 4,0 m, thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu diễn ra vào khoảng 0 - 3 giờ và 13 - 16 giờ ngày hôm sau. Từ 9 - 10.5, mực nước trạm Vũng Tàu có xu hướng giảm dần, dao động trong khoảng 3,7 - 3,9 m.

Mực nước thủy triều ven biển Tây Nam bộ (trạm Rạch Giá) dao động ở mức trung bình, đỉnh triều trong khoảng thời gian này dao động trong khoảng 0,6 - 0,9 m, thời gian xuất hiện trong khoảng 0 - 6 giờ và 16 - 22 giờ hàng ngày, từ ngày 8 - 10.5 mực nước trạm Rạch Giá có xu hướng tăng dần, dao động trong khoảng từ 0,8 - 0,9 m.

Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế tăng dần vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 5.2023. Cụ thể ở các sông chính như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 90 - 120 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 40 - 50 km; sông Hàm Luông 50 - 53 km; sông Cổ Chiên 40 - 45 km; sông Hậu 40 - 50 km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 45 - 55 km.

Xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở mức cao hơn TBNN, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Đầu tháng 5, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn duy trì ở mức cao; riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến giữa tháng 5, sau đó giảm dần vào cuối tháng.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL cấp 2.

6 tỉnh ở miền Trung và Tây nguyên được cảnh báo hạn hán ở mức cấp 2

Cơ quan khí tượng cho biết thêm, trong thời điểm 10 ngày đầu tháng 5, tổng lượng mưa tại khu vực Trung bộ và Tây nguyên phổ biến từ 10 - 30 mm, có nơi cao hơn. Dòng chảy trên các sông tiếp tục biến đổi chậm. Tổng lượng dòng chảy trên hầu hết các sông thiếu hụt từ 45 - 88%; riêng sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) ở mức cao hơn so với TBNN khoảng 10%.

6 tỉnh ở miền Trung và Tây nguyên được cảnh báo hạn hán ở mức cấp 2

6 tỉnh ở miền Trung và Tây nguyên được cảnh báo hạn hán ở mức cấp 2

XUÂN LÂM

Điêu đứng vì thiếu nước tưới, nông dân bất lực nhìn vườn cà phê héo úa

Khu vực Nam Trung bộ dòng chảy các sông trên khu vực tiếp tục biến đổi chậm. Lưu lượng dòng chảy phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 22 - 87%; riêng tại An Hòa, An Khê (Gia Lai) và thủy điện sông Hinh (Phú Yên) lưu lượng dòng chảy cao hơn so với TBNN từ 12 - 29%, thủy điện Vĩnh Sơn ở mức xấp xỉ TBNN.

Khu vực Tây nguyên dòng chảy trên các sông biến đổi chậm theo điều tiết các các nhà máy thủy điện. Tổng lượng dòng chảy các sông phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 23 - 82%.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán khu vực Trung Trung bộ, tỉnh Quảng Trị và phía bắc Quảng Nam cấp 2, các tỉnh khác cấp 1; khu vực Nam Trung bộ tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên cấp 2, các tỉnh khác cấp 1. Khu vực Tây nguyên tỉnh Gia Lai cấp 2, các tỉnh khác cấp 1.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.