Reuters ngày 7.3 dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Pháp Christophe Béchu cảnh báo các địa phương cần nhanh chóng ban hành quy định hạn chế sử dụng nước do mực nước ngầm thấp bất thường. Quan chức này lên tiếng sau khi họp trực tuyến với các địa phương về tình hình nguồn nước, trong bối cảnh Pháp trải qua mùa đông khô hạn nhất kể từ năm 1959. Đây cũng là thực trạng chung mà nhiều nước châu Âu đang xoay xở đối phó.
Rất bấp bênh
Chính phủ nhiều nước tại lục địa già cảnh báo về tình trạng thiếu nước nghiêm trọng do những đợt nắng nóng và lượng mưa giảm khiến nhiều hệ thống sông cạn dần. Theo tờ The Guardian, tình trạng này chưa từng xảy ra vào đầu tháng 3 các năm trước. Hồ Montbel ở phía tây nam Pháp cạn hơn 80% khiến nhiều thuyền buồm địa phương mắc cạn trên vùng đất khô cằn ven sông. Tại phía bắc Ý, du khách có thể đi bộ ra đảo San Biagio giữa hồ Garda, vốn chỉ có thể đến bằng thuyền. Mực nước hồ này cạn hơn 70 cm so với bình thường, còn dãy núi Alps có lượng tuyết ít hơn bình thường đến 63%.
Tại Đức, mực nước cạn ở sông Rhine khiến sà lan khó di chuyển và các tàu hàng đi lên Trung Âu chỉ có thể chở nửa tải. Tại Tây Ban Nha, vùng Catalonia thiếu nước đến năm thứ 3, trong khi Barcelona đã ngưng tưới nước tại các công viên. Sau mùa hè khô cằn nhất trong vòng 500 năm, phần lớn châu Âu đang trải qua mùa đông thiếu nước, gây lo ngại về tác động trong nhiều lĩnh vực.
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Công nghệ Graz (Áo) dùng dữ liệu vệ tinh phân tích nguồn nước ngầm kết luận rằng châu Âu chịu hạn hán từ năm 2018 và tình hình nguồn nước hiện đang "rất bấp bênh".
"Nếu thấy ta, hãy khóc": Sông cạn, "đá đói" lộ diện giữa cơn hạn hán châu Âu
Trang World Weather Attribution năm ngoái dẫn nhận định của giới chuyên môn cho rằng khô hạn ở bắc bán cầu ngày càng trở nên phổ biến do tình trạng nóng lên trên toàn cầu dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Bình thường mới
Tình trạng khô hạn đã ảnh hưởng đáng kể và đe dọa mất an ninh nguồn nước, lương thực và năng lượng lâu dài, khiến nhiều nước phải tìm cách ứng phó. Tờ The Telegraph dẫn lời chuyên gia Andrea Toreti tại Trung tâm Nghiên cứu hỗn hợp của Ủy ban châu Âu cảnh báo nếu không có đủ mưa trong vài tuần tới, châu Âu có nguy cơ cao sẽ mất mùa, bên cạnh tác động về sản xuất năng lượng, giao thông đường thủy và hệ sinh thái.
Hiệp hội Nông dân Coldiretti tại Ý cho hay khoảng 300.000 nông dân đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Tại Pháp, cư dân 4 tỉnh miền nam đã bị cấm xả nước vào hồ bơi hay rửa xe, trong khi nông dân phải cắt giảm đến 50% lượng nước tiêu thụ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo "thời kỳ dồi dào" về nguồn nước đã kết thúc. Giới chức tại tất cả 7 lưu vực của các con sông lớn ở nước này được chỉ đạo áp dụng quy định hạn chế sử dụng nước, trong khi chính phủ đang lên kế hoạch đối phó khủng hoảng thiếu nước. Pháp dự định hiện đại hóa tưới tiêu trong nông nghiệp, tăng cường tái sử dụng nước thải và giảm thất thoát do rò rỉ.
Tại Tây Ban Nha, cả nước bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó nước tại Catalonia thấp đến mức giới chức vùng này tuần trước ra quy định nhằm giảm 40% nguồn nước trong nông nghiệp, 15% trong công nghiệp và giảm nguồn cung trung bình cho mỗi người dân hằng ngày từ 250 lít xuống còn 230 lít. "Đây có lẽ là trạng thái bình thường mới, chúng ta phải học cách sống với hạn hán như thế này", theo quan chức Teresa Jorda phụ trách về hành động khí hậu, lương thực và nông thôn Catalonia.
Đức có thể thiệt hại 910 tỉ euro
Những sự kiện thời tiết cực đoan tiếp diễn và hậu quả của biến đổi khí hậu có thể khiến Đức chịu thiệt hại lên đến 910 tỉ euro (23 triệu tỉ đồng) đến năm 2050, theo một nghiên cứu do chính phủ nước này chỉ đạo thực hiện. AFP dẫn kết quả nghiên cứu đưa ra ngày 6.3 ước tính mức thiệt hại nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng mà không có biện pháp thích ứng. Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu Đức cho biết con số này là ước tính "giới hạn dưới", với mô hình phân tích không thể tính đến tất cả các tác động tiềm ẩn của biến đổi khí hậu. Đức thiệt hại 40 tỉ euro trong đợt lũ lịch sử vào năm 2021.
Bình luận (0)