Hạn hán, xâm nhập mặn: Vất vả tìm nguồn nước ngọt cho dân

Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt và việc cấp nước ngọt, hợp vệ sinh cho sinh hoạt của người dân đang là nhiệm vụ không dễ dàng.

Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng gay gắt và việc cấp nước ngọt, hợp vệ sinh cho sinh hoạt của người dân đang là nhiệm vụ không dễ dàng.

Xe bồn của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre cấp nước cho Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Đ.TXe bồn của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre cấp nước cho Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: Đ.T
Lấy nước từ thượng nguồn
Hiện tại, trong 8 tỉnh thành ven biển ở ĐBSCL thì Kiên Giang và Bến Tre được xem là những nơi thiếu thốn nước ngọt nhiều nhất.
Ở Bến Tre, có 160/164 xã, phường bị hạn hán hoành hành, xâm nhập mặn bao vây. Bà Nguyễn Thị Phượng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre, cho biết UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo công ty tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy nước An Hiệp (Khu công nghiệp An Hiệp, H.Châu Thành) với 15.000 m3/ngày đêm để tăng cường nguồn nước ngọt cấp cho TP.Bến Tre và một số huyện lân cận.
Trước tình hình khắc nghiệt hiện nay, một doanh nghiệp Hà Lan (có trụ sở tại Long An) là đối tác của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre đã hỗ trợ tỉnh Bến Tre mượn tạm một máy khử mặn công nghệ lọc RO với công suất 240 m3/ngày đêm để cung cấp cho các bệnh viện, trường học.
Về lâu dài, UBND tỉnh Bến Tre đã lên kế hoạch đắp đập tạm tại khu vực lấy nước của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre, thuộc xã Quới Thành, H.Châu Thành, để ngăn luồng mặn từ sông Hàm Luông lấy nước ngọt từ sông Tiền. Ngoài ra, dự án ngọt hóa bắc Bến Tre cũng đang triển khai, khi hoàn thành sẽ biến sông Ba Lai thành hồ chứa nước ngọt lớn.
Chở nước ngọt ra đảo
Tại tỉnh Kiên Giang, Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang đã hoàn tất việc khoan 16 giếng nước ngầm để bổ sung nguồn nước dự trữ khi nước mặt bị nhiễm mặn. Mỗi giếng sâu từ 85 - 115 m, tổng chi phí khoảng 15 tỉ đồng. 16 giếng có khả năng cung cấp thêm khoảng từ 16.000 - 20.000 m3 nước/ngày đêm cho tỉnh Kiên Giang.
“Về lâu dài, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải chủ động nguồn nước ngọt cho các nhà máy, khẩn cấp hoàn thành các công trình thủy lợi còn dang dở, công trình ngăn mặn “chữa cháy” như nghiên cứu đắp các đập ngăn cao su, đập vải kỹ thuật. Đặc biệt là xây dựng thêm một hồ chứa nước ngọt để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân”, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết.
Hiện tại ở Kiên Giang, tình trạng thiếu nước đang trầm trọng nhất ở các huyện ven biển, huyện đảo, xã đảo như Nam Du, Hòn Tre, Lại Sơn... Đơn cử như H.Kiên Hải có 4 xã thì 2 xã đang thiếu nước trầm trọng là An Sơn và Nam Du. Trong đó, xã Nam Du hiện có 10 giếng đào, xã An Sơn có 70 giếng đều đang trong tình trạng dần cạn kiệt.
“Xã đã chủ động liên hệ với một số ghe để có nguồn nước phục vụ các hộ dân. Hiện nước ngọt chở từ H.An Minh ra đây trung bình khoảng 200 m3/ngày”, ông Trần Như Tiến, Chủ tịch UBND xã Nam Du, cho biết.
Để chủ động hơn, H.Kiên Hải đã đồng ý cho một doanh nghiệp tư nhân xây bể chứa nước 300 m3, sau đó dùng 2 tàu (100 m3/tàu) chở nước từ đất liền để dự trữ, cung ứng cho dân kịp thời đến mùa mưa.
Còn tại Hậu Giang, UBND tỉnh này đã chỉ đạo khoan nước ngầm để khai thác nước ngọt bổ sung cho các nhà máy nước khi mặn kéo dài. Theo đó, tại TP.Vị Thanh, sẽ khoan 2 giếng bổ sung khoảng 5.800 m3 nước/ngày đêm. Ở TX.Ngã Bảy, TX.Long Mỹ, H.Châu Thành, mỗi điểm khoan một giếng để bổ sung khoảng 2.900 m3 nước ngọt/ngày đêm.
Lời kêu gọi
Đứng trước tình hình vùng châu thổ Cửu Long đang khát nghiêm trọng và đối diện với việc thiếu hụt nước để tổ chức sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN VN và Báo Thanh Niên phát lời kêu gọi các cơ sở Đoàn, bạn đọc gần xa, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và bà con kiều bào cùng hướng về đồng bào vùng hạn hán, bị xâm nhập mặn, chung tay hỗ trợ giúp đỡ (bằng nhân lực, vật lực, kinh phí hoặc bằng các hoạt động tình nguyện...) để góp phần giúp bà con miền Tây, đoàn viên, thanh niên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL vượt qua được khó khăn trong sản xuất, đời sống sinh hoạt vốn đang lâm vào tình cảnh rất gian nan.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về tòa soạn Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM - ĐT: (84.8) 39302302; 218 Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (84.4) 38570981; hoặc các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.
Bạn đọc cũng có thể chuyển khoản qua số tài khoản Báo Thanh Niên: 102010000116341 - Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 tại TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai ĐBSCL.
Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.