|
Kênh rạch cạn kiệt
Ông Nguyễn Văn Thật, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thanh Bình (Đồng Tháp) cho biết do nắng nóng kéo dài, nên mực nước ở các tuyến kênh tưới tiêu trên địa bàn huyện đã xuống thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 20 - 30 cm. Kênh 2.9 (thuộc ấp 4, xã An Phong) dài 6,5 km đã xuất hiện tình trạng kiệt nước. Đây là tuyến kênh chủ yếu dẫn nước tưới tiêu cho gần 300 ha lúa hè thu đang chuẩn bị xuống giống của bà con. Ông Phan Văn Thành, một nông dân ở ấp 4, than: “Con kênh 2.9 cạn nhất vào khoảng tháng 3 và tháng 4. Lúc đó, lòng kênh có chỗ nước chỉ còn 50 - 70 cm, nên việc bơm tưới của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn”. Đây cũng là tình trạng chung của 3 tuyến kênh còn lại trên địa bàn xã An Phong và Bình Thành.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, hiện nay nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chưa có công trình chống mặn với nồng độ từ 8 - 9%o. Một số nơi nước mặn vào sâu nội đồng từ 5 - 10 km như tại cầu Thần Nông (sông Rạch Giá - Hà Tiên), cống Bầu Thì (sông Cái Sắn), cầu Cái Nước (sông Cái Lớn)… Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang nhận định đây đang là giai đoạn cao điểm giữa mùa khô, do đó các địa phương cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước, khô hạn… Đặc biệt, khi vào chính vụ gieo sạ lúa hè thu, các địa phương sẽ tập trung bơm tưới để làm đất nên nhu cầu nước rất lớn. Chính điều này làm cho mực nước trên các tuyến sông bị sụt giảm, nước mặn sẽ có điều kiện xâm nhập sâu hơn.
Tập trung khơi thông dòng nước
Trước tình trạng trên, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp H.Thanh Bình đã chỉ đạo cho các xã, thị trấn rà soát lại toàn bộ những tuyến kênh có khả năng thiếu nước tưới trong mùa khô, triển khai ngay các biện pháp chống hạn nhằm đảm bảo cho sản xuất vụ hè thu. “Theo lịch thời vụ, khoảng tháng 4, H.Thanh Bình sẽ tập trung xuống giống hơn 20.000 ha lúa. Trong giai đoạn đầu, cây lúa cần rất nhiều nước cho sự phát triển. Vì vậy, vào thời điểm này, huyện đang tập trung thi công các công trình chống hạn, để đảm bảo nước tưới tiêu”, ông Thật nói. Tính từ năm 2010 đến nay, ngoài nguồn vốn hàng tỉ đồng do nhân dân đóng góp, huyện đã chi hơn 34 tỉ đồng từ nguồn thủy lợi phí để nạo vét 21 con kênh tạo nguồn với tổng chiều dài 80 km; thi công mới 6 trạm bơm điện, nâng tổng số trạm bơm điện lên 215 trạm, đủ đảm bảo phục vụ bơm tưới cho sản xuất.
Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cũng cho biết vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 292.000 ha, tập trung gieo sạ trong tháng 4 và tháng 5. Để chủ động bảo vệ sản xuất, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi có yêu cầu cấp bách trên địa bàn; đồng thời theo dõi chặt chẽ nguồn nước ngọt, nước mặn xâm nhập mặn ở giai đoạn đầu và giữa vụ hè thu, vận hành hệ thống đê, đập, cống ngăn mặn ven biển hợp lý, phục vụ tốt cho yêu cầu sản xuất lúa. Ngoài ra, tỉnh còn vận động nông dân nạo vét kênh mương, tu sửa cống đập trữ nước ngọt, gia cố đê bao cho từng vùng, khu vực để chủ động bơm tát tập thể, gieo sạ tâp trung…
Vụ hè thu này, An Giang sẽ xuống giống 160.000 ha lúa. Ông Vương Hữu Tiếng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang cho biết tới thời điểm này, tỉnh đã đầu tư xây dựng 174 trạm bơm điện, phục vụ được 24.688 ha. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nạo vét tổng số 48/55 công trình, chiều dài 82,3 km, khối lượng đào đắp 524.500 m3, với kinh phí 19,8 tỉ đồng; duy tu sửa chữa 39/71 cống công trình, kinh phí 5,8/26 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch đề ra…
Công Hân
Bình luận (0)