Đây là lần thứ hai Hàn Quốc đưa ra đề nghị này với Trung Quốc. Hồi năm 2012, Seoul từng có đề nghị tương tự với Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, nhưng cũng không có hồi đáp nào từ phía Trung Quốc.
"Chúng tôi đã có nhiều cuộc họp chia sẻ thông tin song phương với Trung Quốc từ năm 2000. Chúng tôi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ký một thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo song phương. Nhưng Trung Quốc không có bất kỳ phản ứng nào trước yêu cầu của chúng tôi", hãng tin Yonhap dẫn phát biểu của một quan chức chính phủ Hàn Quốc không muốn nêu tên cho hay.
Nếu ký được thỏa thuận chia sẻ thông tin với cả Nhật Bản và Trung Quốc, thì điều đó sẽ giúp Hàn Quốc rất nhiều trong việc thu thập thông tin tình báo về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, theo KBS World dẫn một quan chức khác cũng không được nêu tên cho biết.
Hôm qua 27.10, Seoul và Tokyo tuyên bố bắt đầu các cuộc đàm phán song phương để đi đến ký kết hiệp định thông tin quân sự, gọi là GSOMIA, mà cả hai bên đặt mục tiêu sẽ kết thúc vụ đàm phán vào cuối năm 2016.
Mỹ hoan nghênh quyết định trên, nói rằng thỏa thuận sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa hai nước đồng minh châu Á của Mỹ trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên gia tăng.
Năm 2012, Seoul và Tokyo gần như có thể ký thỏa thuận về chia sẻ thông tin quân sự, nhưng cuối cùng không thành do quan điểm từ phía Hàn Quốc cho rằng ký kết hiệp ước với cựu thù thời thuộc địa là điều nhạy cảm. Hàn Quốc từng là thuộc địa của Nhật Bản trong thời gian 1910-1945.
Trong một nỗ lực gạt bỏ những rào cản của lịch sử, Mỹ kết nối được hai đồng minh của mình để cả ba cùng ký bản ghi nhớ hồi cuối năm 2014, cho phép Seoul và Tokyo tiến tới chia sẻ thông tin tình báo cho nhau thông qua Washington.
Cho đến nay Hàn Quốc đã ký 19 hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự với các nước, trong đó có Mỹ và Ba Lan, theo Arirang.
Bình luận (0)