Trong 4 ngày, Hàn Quốc hai lần điều động lực lượng truy bắt tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển nước này.
Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 19.11 tại vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc ngoài đảo phía nam Jeju. Theo Yonhap hôm qua, cảnh sát biển Jeju bắt một tàu cá Trung Quốc vì cho rằng tàu này hoạt động trái phép trong vùng biển nói trên lúc 4 giờ 25 phút (giờ địa phương). Ngay sau đó, 25 tàu cá khác của Trung Quốc lao tới một tàu tuần tra của Hàn Quốc để đòi thả tàu. Yonhap dẫn lời giới chức cho hay do các tàu này phớt lờ cảnh báo tránh xa nên cảnh sát biển Jeju đã huy động thêm 12 tàu tuần tra, 2 trực thăng để đối phó và bắt thêm 2 tàu cá. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người Trung Quốc bị bắt trong vụ này.
Trước đó 3 ngày, Lực lượng tuần duyên (CG) của Hàn Quốc phải điều động 12 tàu tuần tra, 4 trực thăng và 20 thành viên đội đặc nhiệm để truy bắt 13 tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Hoàng Hải. Phóng viên báo JoongAng Ilbo đã chứng kiến trực tiếp màn truy bắt này, diễn ra tại vùng biển cách đảo Ochong tây nam Hàn Quốc vào trưa 16.11.
|
Theo tường thuật của tờ báo, khi thấy tàu tuần tra, thuyền viên Trung Quốc đã buộc tàu lại với nhau rồi cầm giáo tre và ống sắt để chống trả. Vào 14 giờ 40 phút, chỉ huy Kim Guk-seong của đội đặc nhiệm ra lệnh cho 10 binh sĩ tiếp cận bên trái của các tàu cá Trung Quốc để chiếm giữ buồng lái. Cùng lúc, 12 tàu tuần tra tìm cách lôi kéo sự chú ý của các thuyền viên Trung Quốc. Sau cùng, một số thành viên đội đặc nhiệm lên được 2 tàu đối phương và khống chế thuyền viên. Sau 40 phút đụng độ, CG đã bắt 126 người và 12 tàu cá Trung Quốc, còn một tàu trốn thoát.
Lâu nay, CG chỉ dùng vòi rồng và phát lệnh cảnh báo để đuổi các ngư dân mà họ cho là đánh bắt trái phép, nhưng những vụ trên cho thấy giới chức Seoul quyết định phải mạnh tay hơn để đối phó việc vùng biển nước này bị xâm phạm ngày càng tăng. Theo báo Chosun Ilbo, từ đầu năm tới nay có tới khoảng 200.000 tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc. “Cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng này là áp dụng các biện pháp cứng rắn và hình phạt nghiêm khắc… Nếu ngư dân dùng vũ lực chống trả, họ phải bị bắt và bị truy tố”, Chosun Ilbo đề nghị trong bài xã luận mới đây.
Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng về những vụ việc nói trên. Điều đáng chú ý là chúng xảy ra gần như đồng thời với đợt hội nghị cấp cao của khu vực, trong đó lãnh đạo các nước nhất trí duy trì hòa bình và bảo đảm an ninh biển.
Văn Khoa
Bình luận (0)