Hàn Quốc giảm xả rác là thức ăn thừa

24/04/2016 16:11 GMT+7

Quản lý rác thức ăn thừa là một phần trong đường hướng tái sinh rác mà chính phủ Hàn Quốc phát động từ những năm 1990, nhằm khuyến khích các gia đình giảm đổ rác và giảm sức ép lên các bãi rác.

Quản lý rác thức ăn thừa là một phần trong đường hướng tái sinh rác mà chính phủ Hàn Quốc phát động từ những năm 1990, nhằm khuyến khích các gia đình giảm đổ rác và giảm sức ép lên các bãi rác.

Nhiều nước nỗ lực giảm lượng rác từ thức ăn thừa và tái chế chúng - Ảnh: ReutersNhiều nước nỗ lực giảm lượng rác từ thức ăn thừa và tái chế chúng - Ảnh: Reuters

Theo The Straits Times ngày 24.4, rác thức ăn thừa nay được tái sinh để nuôi gia súc hoặc làm phân bón, khác với trước đây là đưa tới nhà máy xử lý rác rồi đổ ra biển.

Từ năm 2013, một hệ thống nhận rác thức ăn thừa đã được lập ở Hàn Quốc. Một số chung cư yêu cầu cư dân đóng tiền thu rác, trong khi các chung cư khác có thùng rác sử dụng công nghệ nhận dạng tần số (RFID) để cân số rác mỗi gia đình thải ra để tính tiền. Hệ thống này thành công ở nhiều thành phố.

Thủ đô Seoul có 10 triệu dân, đã nỗ lực giảm số rác thức ăn thừa từ 3.300 tấn/ngày hồi năm 2012 xuống còn 3.181 tấn/ngày vào năm 2014. Mục tiêu là từ năm 2018, số rác thức ăn chỉ còn 2.318 tấn/ngày.

Chính quyền Seoul cũng tăng 30% giá túi đựng rác thức ăn từ đầu năm nay. Ví dụ một túi 10 lít nay có giá từ 170 đến 800 won. Các khu dân cư giàu có hơn thì phải mua túi đựng rác thức ăn với giá cao hơn.

Quận Mapo là một khu dân cư cấp trung bình ở Seoul. Địa bàn này có 390.000 dân, đã đặt  189 thùng rác RFID và đang đặt thêm 450 thùng nữa. Mỗi thùng có giá 1,7 triệu won, có thể chứa rác của 60 gia đình, theo ông Yu Gwang Mo, một quan chức quận.

Ông nói đây là cách hiệu quả nhất để giảm lượng rác thức ăn, một số gia đình đã giảm lượng rác thải: “Người dân thường mua nhiều thức ăn, rồi vô tư đổ bỏ thức ăn thừa. Một khi nhận ra họ phải trả nhiều tiền rác, họ đã bắt đầu kiểm soát việc mua thức ăn”, ông nói.

Vấn đề duy nhất của thùng rác RFID là cư dân phàn nàn mùi hôi thối bốc lên từ các thùng rác này vào mùa hè. Cơ quan vệ sinh đang ráng giải quyết vấn đề này.

Không chỉ Hàn Quốc lo kéo giảm và tái sinh rác thức ăn. Nhật Bản nổi tiếng về các nỗ lực tái sinh, đã chuyển 1/3 trong tổng số 6 triệu tấn rác thức ăn/năm thành thức ăn cho gia súc, trong khi 640.000 tấn khác chuyển thành phân bón.

Nhật Bản cũng đang hợp tác với Malaysia để kéo giảm 16.000 tấn rác thức ăn thừa/ngày ở nước này. Sự hợp tác này bắt đầu từ năm 2010, gồm thu gom rác thức ăn thừa để xử lý và sửa đổi các quy định về rác tái sinh.

Lãnh thổ Đài Loan thu gom thức ăn thừa để nuôi gia súc, với 2/3 trong  610.000 tấn rác thức ăn thừa đã được dùng để nuôi 5,5 triệu con heo ở các nông trại hồi năm 2015.

Singapore tái sinh 13% lượng rác thức ăn thừa, cũng đang nỗ lực hơn nữa, bằng cách mở một hệ thống tái sinh rác thức ăn thừa ở hai bãi rác, nhằm đạt khả năng giảm 80% lượng rác hàng ngày. Năm ngoái, Singapore thải 785.000 tấn rác thức ăn thừa, ít hơn năm 2014 khoảng 3.100 tấn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.