Hàn Quốc nắm bắt cơ hội chen chân vào nhóm nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới

Hàn Quốc nắm bắt cơ hội chen chân vào nhóm nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới

04/06/2023 14:06 GMT+7

Hàn Quốc đang phấn đấu trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới và hướng tới mục tiêu giao hàng nhanh chóng. Một thỏa thuận vũ khí với Ba Lan được xem là bước đệm để thâm nhập thị trường châu Âu.

Hàn Quốc đang chạy đua để trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường vũ khí thế giới, với mong muốn khai thác cơn khát vũ khí của châu Âu.

Tại một nhà máy ở duyên hải miền nam Hàn Quốc  các rô-bốt tự động và công nhân đang chế tạo các xe pháo tự hành cho Ba Lan.

Tất cả đều được điều hành bởi công ty Hanwha Aerospace, nhà sản xuất lựu pháo hàng đầu thế giới.

Công ty này đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận vũ khí trị giá 14 tỉ USD mà chính phủ Hàn Quốc đã ký với Ba Lan vào năm ngoái - khi các nước phương Tây gom góp vũ khí để chuyển giao cho Ukraine và căng thẳng ngày càng gia tăng ở nhiều khu vực.

Nhiều quan chức doanh nghiệp và chính phủ nhận định rằng thỏa thuận này mở đường cho tham vọng trở thành nhà cung cấp vũ khí tầm cỡ thế giới của Seoul.

Ông Oh Kyeahwan, Giám đốc Hanwha Aerospace, cho biết: "Cộng hòa Séc, Romania, Slovakia, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania và nhiều nước khác trước đây chỉ nghĩ đến việc mua sản phẩm quốc phòng ở châu Âu, nhưng giờ đây, họ biết rằng họ có thể mua những loại vũ khí đó từ các công ty Hàn Quốc với giá thấp hơn mà giao hàng lại nhanh chóng".

Đây là thỏa thuận bán vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc, hứa hẹn cung cấp hàng trăm tổ hợp pháp phản lực, pháo, xe tăng và máy bay chiến đấu do Seoul thiết kế.

Tất cả các loại vũ khí này đều được thiết kế để tương thích với các hệ thống của Mỹ và NATO.

Các quan chức Ba Lan cho biết việc Hàn Quốc hứa sản xuất nhanh hơn hầu hết mọi đối thủ khác là một yếu tố quan trọng để cân nhắc.

Trong bối cảnh liên tục căng thẳng với Triều Tiên, việc sản xuất vũ khí của Hàn Quốc luôn trong tình trạng hoạt động và liên tục được nâng cấp.

Ông Oskar Pietrewicz, một nhà phân tích ở Ba Lan, so sánh khác biệt giữa Hàn Quốc và Đức: "Sự quan tâm của các quốc gia đối với sản phẩm quốc phòng Hàn Quốc có thể còn tăng lên khi xét đến năng lực hạn chế của ngành công nghiệp quốc phòng Đức, vốn là nhà cung cấp vũ khí chính trong khu vực. Ví dụ, vào năm 2018, Hungary đã đặt hàng 44 xe tăng Leopard từ Đức và cho đến nay chưa có chiếc nào được chuyển giao".

Các quan chức Hàn Quốc cho Reuters biết họ đã đề xuất Warsaw cho sản xuất vũ khí ở Ba Lan để giao hàng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã không bình luận về vấn đề này.

Tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói với Reuters rằng Hàn Quốc có thể mở rộng việc hỗ trợ cho Ukraine ngoài viện trợ nhân đạo và kinh tế nếu Kyiv bị tấn công dân sự trên diện rộng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.