Theo Chosun Ilbo, hiện có khoảng 1.250 công ty mai mối quốc tế tại Hàn Quốc, trong đó nhiều đơn vị thường làm giấy tờ kết hôn và giấy khám sức khỏe giả để giúp đàn ông trong nước kiếm vợ ngoại quốc. Theo Yonhap, hơn 40.000 cô dâu Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc và hầu hết các đám cưới đều do công ty môi giới tư nhân tổ chức. Các công ty này chỉ đưa những người muốn tìm vợ đi nước ngoài vài chuyến để xem mắt. Sau đó, toàn bộ quá trình làm thủ tục, từ phỏng vấn cô dâu cho tới tổ chức lễ cưới và tuần trăng mật diễn ra chưa tới một tuần. Các chuyên gia cho rằng những thiếu sót về mặt thủ tục là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tội phạm trong các gia đình đa văn hóa.
Jang Du-hyo đã điều trị tâm thần 57 lần
Từ năm 2009, khoảng 31 công ty mai mối tại thành phố Pusan, nơi cô Thạch Thị Hoàng Ngọc vừa bị người chồng tâm thần đâm chết, bị cấm hoạt động vì không có đăng ký hoặc vi phạm pháp luật, Đài truyền hình ABC của Mỹ dẫn số liệu thống kê cho hay.
Về cái chết của cô Ngọc, trách nhiệm lớn thuộc về dịch vụ mai mối. Theo Chosun Ilbo, người chồng Jang Du-hyo đã phải trải qua điều trị tâm thần phân liệt trong 8 năm, còn theo Yonhap thì từ năm 2005, ông này đã phải điều trị tâm thần 57 lần. Chosun Ilbo nhận định không hiểu tại sao công ty môi giới lại có thể chọn một người có tiền sử bệnh tâm thần để giới thiệu cho các cô gái nước ngoài và cảnh sát cần điều tra xem liệu công ty đã cố tình phớt lờ vấn đề này hay không và không cung cấp đầy đủ thông tin về ông Jang cho Ngọc hay không.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết vụ sát hại cô Ngọc đã thúc đẩy cơ quan này đưa ra một số biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng cô dâu nước ngoài bị ngược đãi. Quan chức tư pháp Moon Soo-yong nói với AFP rằng các công ty môi giới cung cấp thông tin sai về người chồng hoặc đời sống hôn nhân ở Hàn Quốc cho các cô gái muốn lấy chồng nước này sẽ bị phạt nặng. Ngoài ra, chính quyền sẽ tiến hành sàng lọc công dân nước này muốn kiếm vợ ngoại quốc. Những người có tiền sử bệnh tâm thần và từng phạm tội nghiêm trọng sẽ bị hạn chế trong việc xin thị thực cho vợ tương lai.
Sui - gia không biết mặt nhau
Tại huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), gia đình ông Thạch Sang đã đưa tro cốt con gái xấu số từ Hàn Quốc về từ tối 16.7. Khi được hỏi ở Hàn Quốc, bên nhà sui gia có đến gặp hay an ủi gì không, ông Sang ngạc nhiên: “Không có. Mà nếu có gặp thì tôi cũng không biết họ, vì trước giờ có thấy mặt lần nào đâu”.
Càng ngạc nhiên khi ông Sang thú nhận dù đã gả con nhưng ông không hề biết người con rể Hàn Quốc của mình làm nghề gì. “Tôi không tìm hiểu nó làm nghề gì. Tôi qua đó cúng kiếng, nhận con, xong là về...”.
Được biết, gia đình ông Sang cũng đã gả người con thứ 3 tên Thạch Thị Nhung sang Đài Loan từ năm 2007, nhưng ông Sang thú thật cũng chưa hề biết gia đình chồng của Nhung làm gì và ông cũng chưa từng gặp mà “chỉ nghe nói nó làm nghề xây dựng”.
Không riêng trường hợp của gia đình ông Thạch Sang, rất nhiều gia đình có con gả sang nước ngoài tại ấp nghèo Thới Hòa B (thị trấn Cờ Đỏ, H.Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) khi được hỏi đều mù mờ về hoàn cảnh gia đình bên nhà rể.
Văn Khoa - Tiến Trình - Mai Trâm
Bình luận (0)