Yonhap đưa tin khoảng 9.000 bác sĩ thực tập đã nghỉ việc tại các bệnh viện đa khoa ở Hàn Quốc trong ngày thứ 14 liên tiếp, tính đến hôm nay 4.3, để phản đối kế hoạch của chính phủ nước này bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh 2.000 sinh viên trường y bắt đầu vào năm tới.
Cuộc đình công đã khiến các bệnh viện đa khoa lớn ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc phải cắt giảm tới 50% công suất phẫu thuật và gây ra hàng loạt vấn đề đối với việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Điều này cũng buộc chính phủ Hàn Quốc phải nâng cảnh báo khủng hoảng y tế quốc gia lên "nghiêm trọng", mức cao nhất trong hệ thống y tế nước này, theo Reuters.
Hàn Quốc bắt đầu tước giấy phép hành nghề 7.000 bác sĩ đình công
Con số nói trên cho thấy vẫn còn nhiều bác sĩ thực tập đã phớt lờ tối hậu thư do Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min đưa ra ngày 26.2. Khi đó, ông Lee tuyên bố nếu các bác sĩ thực tập Hàn Quốc đồng ý quay lại làm việc, chính phủ nước này sẽ không buộc họ phải chịu các trách nhiệm liên quan vụ đình công quy mô lớn những ngày gần đây. "Trước mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại, tôi kêu gọi lần cuối cùng. Chính phủ sẽ không bắt bạn phải chịu trách nhiệm về quá khứ nếu bạn quay lại bệnh viện trước ngày 29.2", Yonhap dẫn lời ông Lee.
Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Min-soo hôm nay cho hay tính đến ngày 29.2 đã có 8.945 bác sĩ thực tập đã rời khỏi nơi làm việc và 565 người đã quay trở lại làm việc.
Trước tình hình như thế, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong hôm nay nhấn mạnh: "Chính phủ vẫn giữ vững nguyên tắc chống lại các hành động tập thể bất hợp pháp của các bác sĩ thực tập. Từ thứ hai (4.3), các cơ quan y tế sẽ bắt đầu điều tra tại chỗ để xác định xem các bác sĩ thực tập đã quay trở lại làm việc hay chưa và sẽ thực hiện các biện pháp theo luật và nguyên tắc, không có ngoại lệ, nếu họ chưa quay lại".
Các quan chức của Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết thêm họ cũng đã bắt đầu các thủ tục đình chỉ giấy phép của khoảng 7.000 bác sĩ thực tập và khẳng định hình phạt đó là "không thể đảo ngược".
Các bác sĩ có thể bị đình chỉ giấy phép hành nghề y tế tới một năm, hoặc có thể phải đối mặt với ba năm tù hoặc bị phạt tiền 30 triệu won (hơn 555 triệu đồng) nếu không tuân thủ các mệnh lệnh của chính phủ, theo Yonhap.
Bình luận (0)