CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc vào rạng sáng nay 25.8 đã đạt được thỏa thuận nhằm tránh nguy cơ đối đầu quân sự giữa 2 miền sau 3 ngày đàm phán.
Lính Triều Tiên thề quyết chiến bảo vệ tổ quốc - Ảnh: Reuters/KCNA
|
Hãng AFP ngày 24.8 dẫn thông báo từ Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết cuộc đàm phán giữa đại diện cấp cao của hai nước kết thúc vào lúc 1 giờ ngày 25.8, giờ địa phương (23 giờ ngày 24.8, giờ Việt Nam).
Cuộc đàm phán do Bình Nhưỡng đề xuất diễn ra tại Bàn Môn Điếm từ ngày 22.8. Phía Hàn Quốc có Cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo, còn đại diện Triều Tiên là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Hwang Pyong-so và Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương Kim Yang-gon.
Sau khi kết thúc đàm phán, ông Kim Kwan-jin đã lập tức lên đường trở về thủ đô Seoul và tổ chức họp báo công bố thỏa thuận. Theo Yonhap, thỏa thuận bao gồm việc Triều Tiên tỏ ý lấy làm tiếc về những sự cố gần đây và hứa sẽ không để tái diễn những hành động khiêu khích trong tương lai.
Về phần mình, Hàn Quốc cam kết ngừng các chương trình tuyên truyền chống miền Bắc bằng loa phóng thanh vào trưa hôm nay 25.8. Hai miền cũng nhất trí xúc tiến việc tổ chức các cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào tháng 9 và nhất trí nhóm họp trở lại ở Bình Nhưỡng hoặc Seoul càng sớm càng tốt để thảo luận về việc cải thiện quan hệ.
Cuộc đàm phán kết thúc trong bối cảnh cả hai phía đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị chiến tranh. Bình Nhưỡng đã đặt quân đội trong tình trạng chiến tranh và triển khai hàng loạt tàu ngầm và pháo binh đến khu vực giáp giới Hàn Quốc sau vụ nã pháo qua lại vào ngày 20.8.
Yonhap ngày 24.8 dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết khoảng 20 tàu đổ bộ đệm khí của Triều Tiên đã rời căn cứ quân sự ở thành phố cảng Cholsan, thuộc tỉnh Bắc Pyongan, để đến căn cứ hải quân Goampo, cách Đường giới hạn phía bắc (NLL) ở Hoàng Hải khoảng 60 km.
Theo hãng tin Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đang sở hữu 2 loại tàu đệm khí, gồm loại có độ choán nước 35 tấn thuộc lớp Gongbang II với vận tốc khoảng 74 - 96 km/giờ và loại 20 tấn thuộc lớp Gongbang III với vận tốc 96 km/giờ. Các loại tàu này thường được sử dụng để vận chuyển lực lượng biệt kích Triều Tiên.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố nước này và Mỹ đang thảo luận việc triển khai “vũ khí chiến lược” của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên. Yonhap dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ Washington và Seoul đang cân nhắc điều oanh tạc cơ B-52 và một tàu ngầm hạt nhân từ căn cứ Yokosuka (Nhật Bản) đến Hàn Quốc.
Trước đây, quân đội Mỹ và Hàn Quốc thường triển khai các loại tàu chiến và chiến đấu cơ “khủng” mỗi khi Triều Tiên có hành động khiêu khích. Chẳng hạn, khi Bình Nhưỡng nã pháo vào đảo tiền tiêu Yeongpyeong của Seoul năm 2010, Mỹ đã điều đến bán đảo Triều Tiên tàu sân bay hạt nhân USS George Washington và chiến đấu cơ F/A-18 Hornet.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đã điều động xe tăng và xe bọc thép đến sát biên giới với Triều Tiên để ứng phó tình hình căng thẳng tại khu vực. Tờ Oriental Daily xuất bản tại Hồng Kông đưa tin cư dân mạng Trung Quốc đăng tải nhiều hình ảnh xe tăng và xe bọc thép của quân đội Trung Quốc di chuyển trên đường tại thành phố Diên Cát, thuộc tỉnh Cát Lâm. Đây là một trung tâm giao thương quan trọng giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cách biên giới 2 nước chưa đầy 30 km. Giới quan sát nhận định động thái này cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng lo ngại về cuộc đối đầu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Bình luận (0)