Hãng Apple làm việc bí mật đến mức nào?

28/06/2015 20:18 GMT+7

(TNO) Mục tiêu của Apple là 'tạo bất ngờ và làm say mê'. Vì vậy, tập đoàn công nghệ này đặt ra nhiều quy tắc cho nhân viên và thực tập sinh để giữ cho các dự án của họ luôn trong vòng bí mật.

(TNO) Mục tiêu của Apple là 'tạo bất ngờ và làm say mê'. Vì vậy, tập đoàn công nghệ này đặt ra nhiều quy tắc cho nhân viên và thực tập sinh để giữ cho các dự án của họ luôn trong vòng bí mật.

CEO Apple Tim Cook - Ảnh: Reuters
“Văn hóa bí mật” từ bên trong khiến Apple khác biệt với những công ty còn lại tại Thung lũng Silicon. Lời kể của nhiều cựu nhân viên, cựu thực tập sinh tại hãng Apple sẽ tiết lộ nhiều điều về bộ máy hoạt động của công ty công nghệ lớn nhất thế giới này.
“Văn hóa bí mật” hấp dẫn nhân viên
Nhân viên tại một cửa hàng Apple - Ảnh: AFP
Với mục tiêu là “tạo bất ngờ và làm say mê”, các dự án của Apple luôn được bí mật tối đa. Bí mật là một trong những phần hấp dẫn nhất của công việc tại Apple.
Nhà táo đảm bảo rằng nhân viên tại các phòng, ban khác nhau không hay biết những gì đồng nghiệp mình đang làm bằng cách chặn lối đi ở một vài tòa nhà nhất định trong khu văn phòng chính.
Brad, cựu thực tập sinh tại hãng Apple nói: “Mọi thứ đều được khóa chặt. Chụp ảnh trong khu văn phòng là điều bị cấm. Họ không biết liệu sản phẩm đó là một chiếc điện thoại to hay một máy tính xách tay nhỏ nhắn”.
Nate Sharpe, kỹ sư từng làm việc trong nhóm thiết kế iPod cho hay họ hoàn toàn không biết gì. Phải đến buổi ra mắt sản phẩm, khi ông Steve Jobs bước lên sàn và trình ra chiếc iPod thì họ mới ngộ ra về thứ mình đã dành tâm huyết trong suốt 2 năm qua.
Brad cho biết thêm ông từng trò chuyện với một nhân viên Apple thuộc dự án iPad hồi năm 2010. Anh này làm việc trên một màn hình 9,7 inch một hoặc hai năm liền nhưng không biết đó là gì.
Tư tưởng bảo mật của Apple được truyền tải đến thực tập sinh và nhân viên ngay từ ngày đầu khi họ gia nhập đế chế. Buổi “huấn luyện giữ bí mật” đào tạo nhân viên về kỹ thuật quản lý, ngăn chặn rò rỉ thông tin.
Giữ người bằng đãi ngộ cao, lương “khủng”
Steve Jobs, người sáng lập hãng táo khuyết - Ảnh: Reuters
Apple trả lương cho thực tập sinh và nhân viên rất cao. Theo lời kể của Brad cũng như những lời chia sẻ trên trang việc làm Glassdoor, trung bình, một thực tập sinh nhà táo được trả 38 USD/giờ. Con số này ứng với 6.700 USD/tháng, tương đương hơn 145,5 triệu đồng/tháng.
Nếu làm việc hơn 40 giờ/tuần, họ nhận khoản tiền trả ngoài giờ gấp rưỡi mức bình thường. Khi làm việc trên 60 giờ/tuần, họ được trả gấp đôi.
Thêm vào đó, nhân viên Apple hoàn toàn không cần lo lắng về chỗ ở. Apple cung cấp nhà ở miễn phí ở San Francisco Bay Area, bang California (Mỹ) cho thực tập sinh nếu họ không phiền về việc sống chung với các đồng nghiệp.
Nếu không muốn ở chung, Apple hỗ trợ 1.000 USD tiền thuê nhà hằng tháng của thực tập sinh. Đặc biệt, nếu họ phải đến Bay Area chỉ vì để làm việc cho Apple, nhà táo hỗ trợ đến 3.300 USD cho chi phí tái định cư của nhân viên.
Maxime Britto, cựu thực tập sinh Apple đã từng hoạt động trong nhóm phát triển Safari hồi năm 2008 cho hay nhà táo đã hỗ trợ anh trong việc làm giấy tờ từ Pháp đến Mỹ. Britto cho biết Apple còn tỏ ra thông cảm cho những nhân viên không có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. 
Một nhân viên cấp cao trong ngành viễn thông chờ để gặp nhà tuyển dụng tại Hội chợ việc làm và thực tập Big Apple năm 2012 ở thành phố New York (Mỹ) - Ảnh: Reuters
“Apple mời mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Họ không muốn nhân viên của mình cảm thấy đau khổ khi phải đến đây”, Brad nói. Nhiều thực tập sinh trở thành nhân viên chính thức toàn thời gian sau kỳ thực tập, nếu họ hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Theo Reuters, vào năm 2010, nhân viên tại một cửa hàng Apple ở Bay Area cho hay những nhân viên mới thường được trả lương cao hơn người cũ có nhiều kinh nghiệm. Nhiều người đồng ý nâng mức lương của mình bằng kết quả kinh doanh họ đạt được.
Một nhân viên khác cho biết: “Khi bạn là nhân viên Apple, tiền bạc không nên là vấn đề. Làm việc cho hãng táo khuyết nên được xem như một kinh nghiệm”.
Và như thế, trong khi với nhiều hãng công nghệ khác như Google hay Facebook, việc một nhân viên ra đi sau vài năm làm việc hay tách ra để mở doanh nghiệp mới là phổ biến, Apple không thiếu những người sẵn sàng trung thành, cống hiến cho công ty từ 25 - 35 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.