Có mặt tại bến thuyền tạm được dựng lên sát cây cầu Bung bắc qua sông Ba đã bị sập, chúng tôi thấy nỗi gian khổ của người dân địa phương. Việc đi lại của họ đều phải nhờ đến ca nô. Ông Hoàng Văn Điệp, Phó đội trưởng Đội Công trình giao thông H.Krông Pa (đơn vị được giao quản lý bến đò), cho biết: “Trung bình mỗi ngày có khoảng 120 chuyến ca nô chở khách qua sông. Giá tiền cho mỗi lần sang sông là 4.000 đồng/khách kèm xe máy; còn mua vé tháng là 180.000 đồng/tháng”. Hiềm nỗi, ca nô chỉ phục vụ từ 5 giờ sáng đến 19 giờ 30 mỗi ngày.
Những ngày nước lớn, việc đi lại bị tắc do ca nô không thể qua sông. Nếu muốn qua thị trấn Phú Túc của H.Krông Pa, thay vì chỉ tốn vài ba chục phút nếu có cầu, họ phải vượt quãng đường vòng trên dưới 50 km. Nhưng con đường này cũng bị đứt đoạn khi mưa lũ. Vậy là người dân của 5 xã phía tây thuộc huyện này là Uar, Chư Đrăng, Ia Rmok, Ia Dreh và Krông Năng bị cô lập.
|
Hiện diện tích canh tác của 5 xã trên khoảng 12.000 ha, cứ mỗi niên vụ, người dân phải tốn thêm tiền thuê xe chở vòng gần 50 km để bán; nếu bán tại chỗ thì bị thương lái ép giá.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Krông Pa bày tỏ: “Có một cây cầu bắc qua sông Ba là nỗi khao khát không chỉ của hàng chục ngàn người dân mà còn của chính quyền địa phương. Không biết đến khi nào thì cầu mới được xây?”.
Trần Hiếu
Bình luận (0)