"Cùng với cắt giảm thủ tục chuyển tuyến điều trị với một số bệnh, nhóm bệnh, việc triển khai phiếu chuyển cơ sở KCB BHYT điện tử và phiếu hẹn khám lại điện tử giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển cơ sở KCB; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi cho người bệnh; hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong chuyển cơ sở KCB và tái khám", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá.
Về quyền lợi của BN BHYT theo quy định mới từ ngày 1.1, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho hay: Thông tư 01/2025 đã ban hành danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được BHYT chi trả 100% mức hưởng được thông tuyến, KCB tại cơ sở cấp chuyên sâu. Đây là các bệnh mà cơ sở y tế KCB cấp cơ bản chưa thực hiện được, người bệnh được lên thẳng tuyến chuyên sâu, thay vì phải làm thủ tục xin chuyển (trước đây phải xin giấy chuyển tuyến KCB BHYT).
Theo ước tính của một số bệnh viện chuyên sâu về ung bướu, khoảng 20.000 người bệnh ung thư đang điều trị tại các BV này không còn phải xin giấy chuyển tuyến, rất thuận lợi cho người bệnh, cắt giảm rất nhiều về thủ tục hành chính, không phải đi lại vất vả.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quy định danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được KCB tại cơ sở KCB cấp cơ bản, thay vì phải chuyển tuyến từ nơi đăng ký KCB ban đầu.
Bà Trang cũng cho biết, về quy định giấy chuyển cơ sở KCB với các BN có bệnh điều trị dài ngày, bệnh mạn tính cần can thiệp tại tuyến trên lâu dài, giấy này hiện đã có giá trị sử dụng trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký phiếu chuyển, thay cho quy định trước đây: toàn bộ các giấy này hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch.
Theo bà Trang, hiện cả nước có 13.000 cơ sở KCB. Quy định mới áp dụng từ 1.1.2025 đã cụ thể cải cách thủ tục KCB, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người bệnh.
Bình luận (0)