Cốt tủy viêm xương là bệnh gì, triệu chứng thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
27/12/2023 00:08 GMT+7

Từ năm 2019 đến năm 2023, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM tiếp nhận 41 ca bị cốt tủy viêm xương, trong đó 17 trường hợp không cấy được vi trùng, 6 ca tử vong.

Thông tin được cập nhật trong báo cáo tổng kết các trường hợp mắc bệnh lý cốt tủy viêm xương (viêm xương - tủy xương) từ năm 2019 - 2023 của Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM do bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa mũi xoang và các đồng nghiệp thực hiện.

Trong 41 ca bệnh cốt tủy viêm xương ghi nhận từ 2019 - 12.2023, tỷ lệ nữ mắc bệnh chiếm 24 ca, gấp 1,5 lần so với nam (17 ca). Hầu hết bệnh nhân đều trên 50 tuổi (chiếm 78%), trong đó nhỏ nhất là 41 tuổi, cao nhất là 82 tuổi.

Các bệnh nhân có bệnh nền tiểu đường 34/41 chiếm 82,9%. Số bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 chiếm 53,7% với 22 ca bệnh.

Cốt tủy viêm xương là bệnh gì, triệu chứng thế nào?- Ảnh 1.

Cốt tủy viêm mũi xoang trái lan hốc mắt

BSCC

Hình ảnh nội soi xoang mũi bệnh nhân ghi nhận các phản ứng viêm ảnh hưởng đến mô mềm xung quanh, nhiều mủ đục từ khe mũi, hoại tử cuốn mũi, vách ngăn, vách mũi xoang. Trên ảnh CT-Scan ghi nhận hơn 73% bệnh nhân bị hủy dưới 3 xương (xương hàm trên, xương gò má và xương hốc mắt), 19% ghi nhận hình ảnh hủy xương lan rộng trên 3 xương (xương hàm trên, xương gò má, xương bướm, xương thái dương).

Ngoài ra, 3 trường hợp nặng nhất viêm xương hàm trên 2 bên, viêm xương bướm, viêm xương sàng sau, viêm đỉnh hốc mắt lan xoang hang.

Kết quả phân lập vi trùng, ghi nhận vi trùng nuôi cấy được nhiều nhất là Staphylococci (9/41), kế đến là Klebsiela, Streptococci, Hemophilus Inf... Đáng chú ý có đến 17 trường hợp không cấy được vi trùng.

Về vi nấm, kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận 24 trường hợp nhiễm nấm Aspergills, 9 trường hợp nhiễm nấm Mucor... Trước đại dịch Covid-19, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM chưa ghi nhận nấm Mucor.

Cốt tủy viêm xương là bệnh gì, triệu chứng thế nào?- Ảnh 2.

Bệnh nhân bị sưng đau, sụp mi, suy giảm thị lực do cốt tủy viêm xương lan mắt

BSCC

Các bệnh nhân được điều trị với thuốc kháng nấm, rối loạn điện giải, giải quyết tình trạng suy thận, suy gan... Kết quả có 22 ca khỏi bệnh (chiếm 53,6%), mắt bệnh nhân hết đau nhức, hết phù nề, hết sụp mi; 15 trường hợp thị lực cải thiện; 11 ca đang trong giai đoạn theo dõi (mắt còn sưng nề, sụp mi nhưng đã hết sốt, giảm đau nhức). Ngoài ra, có 6 trường hợp tử vong chiếm 14,6%.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cũng ghi nhận 2 trường hợp tái phát (chiếm 4,6%) sau 6 tháng điều trị kháng nấm, mắt của bệnh nhân sưng, đau nhức trở lại.

Triệu chứng bệnh cốt tủy viêm xương

Theo Phó giáo sư, bác sĩ Trần Minh Trường, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam, bệnh cốt tủy viêm xương hàm mặt xảy ra ở xương hàm trên, xương khẩu cái, xương hốc mũ. Còn cốt tủy viêm xương nền sọ ảnh hưởng đến xương bướm, xương chẩm, xương thái dương hay xương trán.

Bác sĩ Trường cho biết nhiều bệnh nhân có triệu chứng gần giống nhau như đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt, mắt, đau vùng mặt, đau răng, đau vòm miệng, đau đầu, đau vùng xương hàm mặt trong giai đoạn bị nhiễm Covid-19, sau đó tiếp tục tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm.

Biểu hiện lâm sàng khi khám bệnh là sưng viêm mi mắt; sưng vùng sọ trán; hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái gây khó nhai; hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ.

Bệnh có một số dấu hiệu giống viêm xoang nên dễ chẩn đoán nhầm.

Theo bác sĩ Trường, trước đây bệnh này hiếm gặp nhưng sau đợt dịch Covid-19, từ tháng 5.2021 đến nay có đến 80 bài báo cáo trên thế giới mô tả căn bệnh này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.