Sức mạnh của 'Gấu Nga'
Lần gần nhất đội tuyển Nga gây ấn tượng ở một giải đấu lớn là tại World Cup 2018, khi đội bóng xứ bạch dương lọt tới tứ kết. Nga đã ghi 8 bàn vào lưới Ả Rập Xê Út và Ai Cập để vượt qua vòng bảng với ngôi nhì, rồi loại tiếp Tây Ban Nha ở vòng 16 đội. Artem Dzyuba cùng đồng đội chỉ dừng bước trước Croatia ở tứ kết trên chấm luân lưu (đội sau đó trở thành á quân), sau cuộc rượt đuổi tỷ số nghẹt thở với 4 bàn chia đều cho 2 đội.
Trong hơn hai thập kỷ, bóng đá Nga chưa bao giờ hết... bất ổn. Sau khi lọt vào bán kết EURO 2008 dưới bàn tay huấn luyện của "Phù thủy" Guus Hiddink, đội tuyển Nga chìm nghỉm suốt 10 năm, thăng hoa ở World Cup tổ chức trên sân nhà, rồi lại khủng hoảng khi bị loại ở vòng bảng EURO, trước khi lệnh cấm của FIFA khiến nền bóng đá xứ bạch dương đóng băng.
"Thi đấu với đối thủ nào không quan trọng, còn hơn là phải ngồi một chỗ", HLV Valery Karpin cảm thán. Nếu trước đây vấn đề của đội tuyển Nga là thiếu nhân tài, các cầu thủ cũng nhận được mức đãi ngộ tốt trong nước nên lười xuất ngoại, thì điểm yếu hiện tại của thầy trò Karpin là cảm giác thi đấu. 2 năm qua, đội tuyển Nga chỉ có thể đá giao hữu, với tần suất ít ỏi, đối thủ cũng kém chất lượng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận đội tuyển Nga vẫn là đối thủ mạnh. 8 bàn thắng vào lưới Belarus và Serbia trong 2 trận giao hữu gần nhất cho thấy, thầy trò HLV Karpin như "mãnh thú" bị dồn vào chân tường. Khao khát chứng tỏ bóng đá Nga vẫn tồn tại, cũng hưng phấn khi được ra sân trong những trận đấu ít ỏi sẽ khiến đội tuyển Nga trở nên đáng sợ hơn.
Hoài nghi về việc đội tuyển Nga sẽ giữ chân trước những đối thủ kém tiếng ở Đông Nam Á là không có cơ sở. Cầu thủ chuyên nghiệp hiếm khi có tư tưởng giữ chân. Đặc biệt khi HLV Karpin tuyên bố rằng "đội tuyển Nga vẫn sẽ thu hoạch được ít nhiều" khi đối đầu Việt Nam và Thái Lan.
HLV đội tuyển Nga: Không xem nhẹ đội tuyển Việt Nam và Thái Lan
Mà khi đội tuyển Nga bung hết lực, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn. Đội hình của HLV Karpin được định giá 136,8 triệu euro, gấp gần 20 lần đội tuyển Việt Nam. Trong danh sách đội Nga mang tới Việt Nam dù thiếu nhiều hảo thủ, nhưng cũng có những ngôi sao như Matvey Safonov (Paris Saint-Germain) hay Daler Kuzyaev (Le Harve). Thể hình, thể lực, tư duy chiến thuật lẫn nền tảng kỹ thuật của cầu thủ Nga đều vượt trội. Đây là đối thủ mà đội tuyển Việt Nam (cũng như Thái Lan) hiếm khi được đối đầu.
Biết mình, biết người
Đội tuyển Thái Lan từng thua 8 bàn không gỡ trước Georgia (đối thủ kém tiếng so với Nga) hồi tháng 10.2023. Cho thấy ngay cả một đội bóng tầm trung châu Âu cũng quá mạnh so với Đông Nam Á. Gặp những đội mạnh toàn diện như vậy, đội tuyển Việt Nam cần cách tiếp cận phù hợp.
Lối chơi phòng ngự phản công, tập trung quân số ở sân nhà, gây áp lực lớn ở tuyến giữa để ngăn đối thủ triển khai bóng... là đấu pháp HLV Kim Sang-sik đang xây dựng. Trước đây, đội tuyển Nga dưới thời những HLV như Stanislav Cherchesov hay Leonid Slutsky chơi tấn công phụ thuộc nhiều vào bóng bổng, với những trung phong cơ bắp như Artem Dzyuba.
Tuy nhiên, tư duy chơi bóng của "Gấu Nga" đã thay đổi, chuyển sang bóng ngắn nhiều hơn. Minh chứng là những ngôi sao sáng giá nhất của Nga trong nhiều năm qua như Denis Cheryshev, Arsen Zakharyan hay Aleksandr Golovin đều chơi rất kỹ thuật, tinh tế. Đội tuyển Nga hiện tại triển khai tấn công nhuần nhuyễn bằng bóng ngắn, kiểm soát thế trận tốt, song với nền tảng thể hình toàn diện, Nga vẫn có thể chơi bóng bổng khi cần.
Nếu rơi vào thế đấu tay đôi, hậu vệ Việt Nam rất khó ngăn chặn đối thủ. Bởi vậy, lối chơi phòng ngự với từng lớp rõ ràng, bọc lót hiệu quả, che chắn kín hai biên để ngăn đối thủ tạt bóng sẽ cách để đội tuyển Việt Nam kiềm chế sức mạnh của Nga. Đồng thời, với đối thủ chưa quen với thời tiết, chỉ tập 1 buổi làm quen sân, đội tuyển Việt Nam có thể chọn lối chơi chủ động, pressing gây áp lực trong những phút đầu.
Đội tuyển Việt Nam khó gây bất ngờ cho Nga, nhưng hãy chơi hết mình. Mỗi trận đấu sẽ là một bài học quý!
Bình luận (0)