Cùng ngày, những chuyến hàng cứu trợ của bạn đọc Thanh Niên tiếp tục đến với những vùng biệt lập trong lũ. 2.500 đoàn viên thanh niên đồng loạt ra quân về 6 huyện để giúp bà con xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh.
Sáng 9.10, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên, Tập đoàn Kinh Đô, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Quảng Bình hướng về các xã phía nam sông Gianh, vùng biệt lập trong những ngày lũ lụt vừa qua. 400 suất quà (trị giá 200.000 đồng/suất gồm bánh kẹo, nước giải khát) được đưa về các xã Quảng Hải, Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Văn (thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Anh Nguyễn Phước Lộc cùng đoàn đã đến thăm và chia sẻ, động viên bà con vùng lũ vượt qua cơn hoạn nạn, mong bà con nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đoàn đã đến thăm và tặng quà gia đình cụ Đình Phù, 75 tuổi, sống một mình ở xóm 5, xã Hương Đô, H.Hương Khê. Cơn lũ quét vừa qua đã cuốn phăng căn nhà hai gian cụ đang ở, hiện cụ đang phải sống lay lắt với một gia đình hàng xóm. Tin, ảnh: Trương Hoa |
||
Tại xã "gà trống nuôi con" Quảng Hải (nơi có tới 33 gia đình có mẹ, vợ bị tử nạn trong vụ chìm đò "thảm họa sông Gianh" đầu năm 2009), ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, vuốt mồ hôi nói: "Giờ đối với người dân xã tôi, nhận được hàng cứu trợ gì cũng quý hết. Tại vì thấy cái gì cũng cần mà cái gì cũng thiếu… Đoàn cứu trợ của các anh đến sớm quả là may mắn cho người dân".
Vào sâu hơn trong khu vực ngập lũ, đi tới đâu chúng tôi cũng chỉ nhìn thấy cảnh xóm làng xác xơ, tất cả bị phủ một lớp bùn non, những thứ đồ điện tử như ti vi, tủ lạnh nằm lăn lóc bên đường… phơi nắng. Tại trụ sở mỗi UBND xã, từ đằng xa đã nhìn thấy bà con ngồi đợi sẵn, một số khác trên đường lội bùn tìm đến. Quá trưa, bụng ai cũng đói nhưng nhìn thấy hình dáng ấy, khuôn mặt ấy của người dân vùng lũ, hàng cứu trợ vẫn được chuyển đều tay hơn xuống xe để phân phát đủ cho mọi người.
Hôm nay (10.10), đoàn sẽ tiếp tục hướng vào tỉnh Quảng Trị để chuyển 200 phần quà còn lại (tính cả hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị chuyến hàng này có trị giá 125 triệu đồng).
Trong sự gấp gáp ấy, đại diện Báo Thanh Niên vẫn kịp đến với gia đình có người thân bị tử nạn trong mưa lũ và trao số tiền 3 triệu đồng của báo hỗ trợ cho mỗi gia đình gồm bà Nguyễn Thị Thiện (75 tuổi, xã Quảng Hải), bà Hoàng Thị Viên (xã Quảng Minh), ông Hoàng Suyển (85 tuổi, xã Quảng Minh).
Tiếp tục hành trình cứu trợ đồng bào vùng lũ, hôm qua 9.10, chúng tôi đã có mặt tại hai xã Phong Hóa (H.Tuyên Hóa) và Quảng Thuận (H.Quảng Trạch) để chia sẻ khó khăn với đồng bào nơi đây. Mỗi món quà gồm 10 kg gạo, nước uống, dầu ăn và mì tôm mà chúng tôi mang đến đã được người dân đón nhận bằng tất cả nỗi mừng rỡ. Chị Mai Thị Thanh cứ trầm trồ bên bình nước lọc: "Có bình nước ni về, các cháu nhà tui chắc sướng lắm đây. Mấy ngày rồi, nước đỏ ngầu bùn đất, chắt lọc mãi mới có được chút ít để nấu ăn, nhưng cơm canh vẫn nặng mùi lụt. Chừ có nước sạch, chúng tôi để dành cho các cháu nhỏ thôi".
Mất trắng vì lũ
Lẫn trong đoàn người nhận quà, chúng tôi được cán bộ xã giới thiệu chị Mai Thị Hoa và chị Cao Thị Huệ, ở thôn Yên Tố, xã Phong Hóa (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình), hai gia đình bị trôi sạch nhà cửa. Tương tự như họ, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi) nhà đối diện cũng chịu cảnh mất trắng. Con nước lũ hợp lưu giữa hai dòng sông Gianh và sông Trổ (từ Hà Tĩnh đổ về) hung dữ đã càn quét qua thôn cuốn phăng đi mọi công sức dành dụm của người dân. Toàn xã có hơn 332 hộ bị ngập lụt lên đến tận nóc. Trong lụt, đa số người dân đều chạy lên núi cao trú ẩn, phó mặc nhà cửa tài sản cho nước lũ, nên giờ nhiều hộ chỉ còn lại căn nhà trống huơ trống hoác.
Rời Phong Hóa, ngay trong buổi chiều chúng tôi có mặt tại xã Quảng Thuận (H.Quảng Trạch) để chia sẻ với đồng bào nơi đây. Người dân Quảng Thuận ghi nhận đây là đợt lụt lịch sử từ hơn 100 năm qua. Nằm biệt lập phía hạ lưu sông Gianh, 50 hộ dân thôn Cồn Két mấy ngày qua đối mặt với cảnh thiếu thốn đủ thứ. Sống giữa bốn bề sông nước, nhưng từ khi lập xóm cho đến nay người dân ở đây vẫn sống cảnh khát nước. Ngày thường, để có nước ngọt sinh hoạt người dân phải mua nước của những ghe buôn từ nơi khác đến. Nay lụt lội, những người bán nước ngọt cũng không thể đến, nên mấy ngày nay người dân phải dùng nước mưa hứng được.
62 người chết, 23 người mất tích, 55 người bị thương Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư hôm qua 9.10 cho biết, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã cướp đi sinh mạng của 62 người (Nghệ An 5 người, Hà Tĩnh 12 người, Quảng Bình 42 người, Quảng Trị 3 người), 23 người bị mất tích và 55 người khác bị thương. Mưa lũ cũng đã làm ngập, hư hại và tốc mái tổng cộng 148.860 ngôi nhà, 3.716 ha lúa bị úng ngập và đổ, 314.900 con gia cầm bị chết và nước cuốn trôi. Tổng thiệt hại vật chất ước tính lên tới 2.236 tỉ đồng. Hiện các bộ ngành và địa phương đang khẩn trương triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước ổn định đời sống của người dân. Quang Duẩn |
Làm vệ sinh và phòng chống dịch bệnh
Sáng 9.10, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Quảng Bình làm lễ ra quân giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Ngay sau đó, 2.500 đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên… dàn quân về 6 huyện (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa) để cùng thanh niên địa phương triển khai công tác dọn dẹp nhà dân, trường học, trụ sở đang còn ngập trong bùn. Trước ngày ra quân, lực lượng đoàn viên thanh niên các địa phương đã tham gia giúp dân từ trong và sau lũ.
Tại huyện Quảng Trạch, 3 ngày qua, từ sáng sớm đến tối mịt, 20 y bác sĩ là đoàn viên Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình lặn lội vào tận các thôn, bản ở 4 xã Quảng Trung, Quảng Thủy, Quảng Sơn và Quảng Lộc cấp phát thuốc. Ở hướng khác, 25 bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba mang theo 250 cơ số thuốc đến khám và cấp cho gần 1.000 lượt người dân tại xã Quảng Tiên và Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch. Mỗi ngày, các đoàn tình nguyện tranh thủ đến 4 - 5 xã trong sự chờ đợi, mong ngóng của người dân và các trạm y tế, bởi thuốc men và hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường đang vô cùng cần kíp.
Trạm y tế xã Quảng Tiên bị ngập gần hết tầng 1. Trưởng trạm là y sĩ Nguyễn Thị Nga cho biết sau lũ mỗi ngày có đến 30 - 40 lượt người dân đến khám và xin các loại thuốc chữa bệnh ngoài da như ghẻ lở, nấm chân, mụn nhọt, mắt đỏ, các bệnh về đường tiêu hóa do nước bẩn và một số bệnh về đường hô hấp. Trong khi đó, 5 nhân viên và y tế thôn bản phải tỏa đi khám chữa bệnh cho người dân nên trạm y tế luôn quá tải. Nghe thông báo có đoàn viên ngành y tế đến khám, bà Đinh Thị Luận (72 tuổi, trú Đội 2, xã Quảng Tiên) vội đến xin thuốc chữa bàn tay, bàn chân bị lở loét do dầm nước và thường xuyên bị đau bụng nhiều ngày không dứt. Chị Nguyễn Thị Huệ (40 tuổi) cũng đưa con trai Phạm Thanh Hoài (2 tuổi) đến chữa mụn nhọt nổi trên đầu, bởi nhiều ngày qua chị không thể nào tìm ra chỗ mua thuốc. Bà Đinh Thị Duẩn (70 tuổi) cho biết chồng là ông Hoàng Thao cũng bị nước ăn chân lở loét rất nặng, không thể tự đến trạm y tế để khám chữa được, các đoàn viên vội vàng theo bà Duẩn về đến tận nhà cấp phát thuốc cho ông.
Ở một hướng khác, đoàn viên Sở Y tế ngược dòng nước lũ đến huyện Minh Hóa, nơi đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chống dịch bệnh do thiếu thốn trang thiết bị y tế cũng như thuốc men. Bác sĩ Lê Mạnh Hà, Bí thư Đoàn Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, cho biết: "Bên cạnh khám chữa bệnh, y bác sĩ vệ sinh các bể chứa nước, giếng bơm công cộng để dập các ổ dịch về các bệnh đường tiêu hóa thường gặp khi mưa lũ, đoàn viên bệnh viện sẽ tiếp tục thay phiên liên tục trong những ngày sắp đến để đảm bảo cho người dân có nước sạch, bệnh tật được chữa trị dứt điểm".
N.Thế Thịnh - N.Phúc - Nguyễn Tú - B.N.Long
Bình luận (0)