Hàng giả “chui” vào quốc phòng

19/11/2011 08:38 GMT+7

(TNTS) An ninh của Mỹ đang ngày càng xấu đi qua từng năm bởi các mặt hàng giả trong nền quốc phòng được nước này nhập khẩu ngày một tăng cao. Đáng chú ý phần lớn trong số đó là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

(TNTS) An ninh của Mỹ đang ngày càng xấu đi qua từng năm bởi các mặt hàng giả trong nền quốc phòng được nước này nhập khẩu ngày một tăng cao. Đáng chú ý phần lớn trong số đó là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hàng giả có đủ loại, từ hệ thống vũ khí thông thường, đến các hệ thống bảo vệ máy bay. Lần đầu tiên xuất hiện các tin tức đáng quan ngại với Mỹ là vào tháng 1.2010. Khi đó Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết: Năm 2005 ghi nhận 3.868 trường hợp hàng giả quân sự, nhưng đến năm 2008 đã có tới 9.356 trường hợp. Những con số trên khiến Ủy ban điều tra về quốc phòng (ASC) của Quốc hội Mỹ phải vào cuộc. Sáng kiến này thuộc về các thượng nghị sĩ Carl Levin, John McCain và ASC đã kiểm tra 1.800 vụ hàng giả trong 2 năm gần đây.

 
Máy bay trinh sát P-8A Poseidon có khả năng bị lắp chip giả trong bộ hiển thị - Ảnh: airliners.net

Trong báo cáo trên website của ông Carl Levin, trong 1.800 vụ việc nêu trên, có hơn một triệu các linh kiện điện tử nhập khẩu mà 70% trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra còn 20% thuộc về Canada, Vương quốc Anh. Linh kiện hàng giả được sản xuất ở Trung Quốc sau đó xuất khẩu vào Mỹ. Theo báo cáo của ASC, trung tâm sản xuất hàng giả linh kiện điện tử là thành phố Thâm Quyến.

Trong phần lớn trường hợp - ASC khẳng định - đó không phải linh kiện điện tử mà phía Trung Quốc trực tiếp sản xuất. Các hãng của Trung Quốc mua lại tại Mỹ và trên thế giới tất cả các linh kiện điện tử phế thải, sau đó chuyển tới Hồng Kông. Tại đó, người ta bóc bỏ nhãn, mác cũ các bộ vi xử lý, con chip… đem chúng ra sông rửa sạch, sau đó sấy khô và gửi tới Thâm Quyến để làm mới lại.

Khái niệm "hàng giả" ở đây là hàng không có giấy phép sản xuất, hay là hàng nhái. Trong báo cáo của ASC sử dụng thuật ngữ này chủ yếu đối với hàng điện tử và các linh kiện cũ được độ lại và bán dưới dạng hàng mới sản xuất.

Báo cáo của ASC cho biết: Tuổi thọ của hàng giả các bộ vi xử lý, con chip chỉ là 2 - 3 năm, trong khi vũ khí, khí tài của quân đội cần loại có tuổi thọ từ 5 - 10 - 20 năm. Một số hãng điện tử của Mỹ do không đủ năng lực nên đã mua lại các linh kiện trên thị trường, hay phải liên kết với các hãng khác (các hãng này chuyên cung cấp các linh kiện giả). Ví dụ, trung tuần tháng 8.2011, hãng Boeing, đơn vị thiết kế sản xuất loại máy bay trinh sát P-8A Poseidon (theo đơn đặt hàng của lực lượng hải quân Mỹ, cho biết:  hệ thống phát hiện cánh máy bay bị phủ băng có vấn đề. Hệ thống này do hãng BAE Systems (Vương quốc Anh) cung cấp. Trong quá trình điều tra, ASC thấy rằng phần lớn linh kiện của hệ thống này được BAE Systems mua lại của hãng A Access Electronics (Nhật Bản) - là chi nhánh của tập đoàn A Access Electronics của Trung Quốc, có trụ sở tại Thâm Quyến. Đường đi của việc mua bán này khá phức tạp: A Access Electronics bán hàng cho hãng Abacus Electronics của Mỹ, hãng này bán lại số hàng mua được cho Tandex Test Labs (Vương quốc Anh) và cuối cùng BAE Systems mua lại rồi cung cấp cho Boeing. Đáng chú ý là BAE Systems mua lại 300 bộ linh kiện, nhưng chỉ kiểm tra 50 bộ trong số này.

Các linh kiện hàng giả còn được lắp đặt cho máy bay vận tải quân sự C-27J Spartan. Có 11 chiếc loại này đã được biên chế vào không lực Mỹ, trong đó có 2 chiếc đang hoạt động tại Afghanistan. Máy bay do hãng Alenia Aeronautica của Ý sản xuất, còn nâng nó lên chuẩn của Mỹ thì do hãng L-3 (Mỹ) thực hiện. Hãng L-3 vào trung tuần tháng 9.2011 đã thông báo cho lãnh đạo không lực Mỹ rằng, có 8 chiếc C-27J Spartan, kể cả 2 chiếc tại Afghanistan có thể có 38 con chip là hàng giả trong bộ nhớ của video-camera, truyền hình ảnh tới ca-bin máy bay. Điều này có thể làm hình ảnh không chân thực, hay thậm chí làm màn hình hư hỏng hoàn toàn. 

ASC nghiên cứu kỹ trường hợp vừa nêu trên và đi đến kết luận, các con chip hàng giả do hãng Hong Dark Electronic Trade tại Thâm Quyến bán cho tập đoàn Global IC Trading Group của Mỹ. Tập đoàn này sau đó bán lại cho L-3. Có hơn 500 bộ hiển thị đã sử dụng những con chip này, ngoài C-27J Spartan sử dụng, còn có máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster III, các máy bay trực thăng CH-46 Sea Knight của hải quân Mỹ. Trong vài năm, Global IC bán cho L-3 tổng cộng hơn 208.000 linh kiện điện tử mua lại từ Hong Dark.

ASC còn phát hiện ra vụ mua bóng bán dẫn giả do hãng Raytheon cung cấp để lắp đặt cho trực thăng SH-60B Seahawk. Vì là hàng giả nên có thể là nguyên nhân dẫn đến hệ thống quan sát ban đêm và hệ thống bắn tên lửa AGM-114 Hellfire không hoạt động. Khởi đầu việc mua bán bóng bán dẫn giả là hãng Huajie Electronics cũng tại Thâm Quyến. Hãng này bán linh kiện cho hãng Pivotal Electronics của Vương quốc Anh, sau đó hãng E-Warehouse của Mỹ mua lại số hàng này rồi bán cho hãng Thomson Broadcasting ở bang Massachusetts, Mỹ. Thomson Broadcasting cung cấp loại bóng bán dẫn nhái này cho tập đoàn Technology Conservation Group - TCG của Mỹ. Các kiện hàng được đóng mới, hộp đựng chuẩn được hãng Texas Spectrum Electronics mua lại và cuối cùng bán cho Raytheon. Theo ASC, nhiều khi đường đi của các con chip, các bộ vi xử lý khá phức tạp, liên tục qua tay đến hơn 10 hãng mua đi, bán lại. Tựu trung cho đến nay, linh kiện giả được phát hiện tại hệ thống vi tính của tên lửa THAAD, các máy bay vận tải C-17, C-130J, C-27J, máy bay trinh sát P-8A, trực thăng tiến công  AH-64D Apache, trực thăng đa năng SH-60B, CH-46.

Theo đánh giá của ASC, việc hàng giả gia tăng trong lĩnh vực quân sự là sự đe dọa đối với an ninh nước Mỹ, khi các loại vũ khí, khí tài mất đi tính bền vững, độ tin cậy và mất niềm tin ở các nhà sản xuất. Thậm chí hàng giả có vượt qua các cuộc thử nghiệm, đáp ứng đúng chuẩn đặt ra thì đó cũng là sự mạo hiểm cao, vì không thể biết chúng sẽ hư hỏng vào lúc nào. Hiện nay việc phát hiện hàng giả do Cơ quan điều tra hình sự (DCIS) của Lầu Năm Góc đảm nhiệm. Cơ quan này nghiên cứu cẩn thận 225 vụ việc, trong đó có cả vụ các con chip hàng giả của C-27J Spartan.

Pháp luật hiện hành của Mỹ hiện chỉ buộc nhà sản xuất (NSX) phải đổi con chip, bóng bán dẫn… hàng nhái, hàng kém chất lượng. Như vậy năm 2012, Mỹ dự kiến sẽ tu chỉnh luật để chế tài mạnh hơn đối với các NSX trong lĩnh vực này.

 
Hệ thống vi tính của tên lửa THAAD cũng có linh kiện giả - Ảnh: media.defenseindustrydaily.com

Phát biểu vào ngày 8.11.2011 trong buổi dự họp khi ASC công bố báo cáo, cho biết: Để chống nạn hàng giả từ năm 2008 đến nay MDA siết chặt khâu kiểm tra, kiểm soát hệ thống cung cấp linh kiện điện tử, phát hiện và loại 61 hãng ra khỏi danh sách bán hàng cho MDA vì không trình được văn bản chứng minh nguồn gốc thật của hàng hóa. Ngoài ra, năm 2009, Patrick O'Reilly cũng đã ký sắc lệnh buộc các nhà cung cấp trước khi mua hàng phải có sự đồng ý của lãnh đạo MDA.

Ngữ Tử Yên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.