Hàng hiệu nhái xuất hiện khắp nơi

03/04/2021 06:54 GMT+7

Túi LV, Chanel hay giày Hermes, Gucci... “dỏm” đang tràn ngập từ chợ truyền thống đến cửa hàng online, mạng xã hội Facebook và nhiều người tiêu dùng cũng công khai mua về sử dụng.

500.000 đồng mua được túi Chanel

Khoe với chúng tôi hai chiếc túi nhái thương hiệu Chanel vừa mới mua tại Trung tâm mua sắm Saigon Square (TP.HCM) vào đầu tháng 3, Lâm - một bà mẹ 2 con ngoài 30 tuổi - cho biết do rất mê thương hiệu này nhưng không đủ tiền mua hàng chính hãng, nên cô mua hàng nhái “super vip” theo lời của người bán. Đó là một chiếc ví nhỏ (card holder) giá 500.000 đồng và một chiếc túi đeo vai hiệu Chanel giá 5 triệu đồng, chưa bằng 10% so với hàng chính hãng tại cửa hàng Chanel ở Việt Nam. Có người xót xa cho rằng túi nhái mà cũng lên đến 5 triệu đồng là quá mắc, thà mua túi bình dân vài trăm ngàn đồng xài. Thế nhưng theo Lâm, hai chiếc túi hàng hiệu “dỏm” này nhìn vẫn thấy dễ thương, nếu ai chưa từng dùng hàng chính hãng thì cũng không biết đó là hàng nhái.
Tương tự, vì để thỏa niềm đam mê xài hàng hiệu nhưng chưa đủ tiền sắm hàng “xịn” thật sự, Kim Cúc - một khách hàng ở Q.5 (TP.HCM) - cũng cho biết mới mua 2 chiếc áo thun cá sấu nhái thương hiệu Lacoste dành cho nam với giá chưa tới 1 triệu đồng. Trong khi đó, giá một áo thun Lacoste chính hãng không thấp hơn 3 triệu đồng. Trước đó, chị cũng từng mua 1 chiếc ba lô MCM giả với giá hơn 1 triệu đồng trong khi hàng thật lên đến gần 15 triệu đồng. Theo nhận xét của chị Kim Cúc, hàng nhái nhưng chất lượng rất được, từ vải đến kiểu dáng, đường may nên chị mua luôn thay vì mua áo không nhãn mác hay hàng chợ giá cũng lên đến 250.000 - 300.000 đồng mà vải mỏng, xấu hơn. Chiếc ba lô nhái nhìn bên ngoài không khác gì hàng xịn và cũng sử dụng... như nhau.
Không chỉ ở Trung tâm Saigon Square hay một số cửa hàng, chợ truyền thống mà hàng loạt người bán “hàng hiệu giá rẻ”, “hàng hiệu sale” cũng công khai trên mạng. Hàng loạt túi xách, giày dép của các thương hiệu nổi tiếng như LV, Chanel, Gucci, Tory Burch... với lời quảng cáo “hàng xịn giá rẻ như hạt dẻ”, “hàng xịn giá sale” hay “hàng hiệu giá xuất khẩu” tràn ngập. Những chiếc túi nhái cao cấp được quảng bá là “hàng F1” hay “super vip” nhưng không nêu rõ giá. Chỉ cần người mua thích mẫu nào thì người bán mới nhắn tin riêng báo giá sản phẩm đó. Các loại sản phẩm phong phú với giá từ 2 triệu, 5 triệu và thậm chí lên cả 10 triệu đồng tùy thuộc vào tình trạng nhái hoặc thương hiệu nhái. Ví dụ các mẫu túi của những thương hiệu trung bình như Michael Kors, Tory Burch thì giá thấp hơn so với túi nhái sản phẩm Chanel, LV, Hermes.
Đôi khi không có hàng sẵn, người bán sẽ nhận cọc tìm mua nếu khách hàng chốt giá. Một cá nhân chuyên bán hàng “super vip” tại TP.HCM thừa nhận đối tượng khách hàng của cô khá đa dạng, kể cả giới công chức, văn phòng, sinh viên…

Hàng ngàn đơn hàng “dỏm” bán xuyên Việt

Không chỉ bày bán, quảng bá công khai mà nhiều cá nhân, đơn vị bán hàng ngày nay thường xuyên tổ chức livestream (trực tiếp phát sóng hình ảnh) thường xuyên để giới thiệu và bán hàng hiệu “dỏm”. Đồng thời các kho hàng nhái, hàng giả này thường được thay đổi và khá bí mật để tránh bị theo dõi. Có những cá nhân mỗi ngày chốt được hàng trăm, có khi lên đến hàng ngàn đơn hàng trên khắp cả nước.
Liên tục trong những ngày vừa qua, quản lý thị trường nhiều địa phương đã phát hiện và xử lý nhiều kho hàng “dỏm” quy mô lớn. Chẳng hạn ngày 31.3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích 1.000 m2 của ông Trần Văn Bản (H.Gia Viễn). Kho hàng tập trung chủ yếu là sản phẩm từ dân dụng, gia dụng, tiêu dùng, thực phẩm chức năng, điện thoại, áo quần... có dấu hiệu là hàng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, hàng vi phạm về nhãn hàng hóa và an toàn thực phẩm. Cơ sở này thường xuyên livestream bán hàng trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook). Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở này, mỗi video livestream có khoảng 5.000 lượt xem và trung bình một ngày sẽ có khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển.
Hàng hiệu nhái xuất hiện khắp nơi1

Túi nhái hiệu Chanel chỉ có giá 500.000 đồng (túi nhỏ) và 5 triệu đồng (túi lớn)

ẢNH: AN YẾN

Hay trước đó vào ngày 29.3, Đội cảnh sát kinh tế - Công an Q.Long Biên (Hà Nội) kiểm tra kho hàng tại ngách 139 Thạch Cầu, Q.Long Biên. Kho hàng rộng trên 100 m2 được chủ cơ sở thuê lại để chứa giày dép thời trang các loại. Hàng vạn sản phẩm được chủ cơ sở sắp xếp ngay ngắn và phân chia theo thương hiệu và đoàn kiểm tra phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ mới có thể phân loại các sản phẩm tại đây. Cơ sở này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livestream bán hàng qua Facebook và qua một số nền tảng thương mại điện tử. Theo kiểm đếm sơ bộ, lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior lên tới trên 3.000 sản phẩm. Chủ cơ sở thường xuyên đóng cửa, chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới mở cửa, giao hàng đi cho khách...

Hàng nhái, hàng “dỏm” công khai và tràn lan trên thị trường sẽ tạo ra hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung. Nó khiến cho các thương hiệu nội địa, nhất là thương hiệu mới không thể lớn mạnh vì không được người tiêu dùng ủng hộ

Th.S Vũ Quốc Chinh

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên mạng của việc kinh doanh hàng “dỏm” là tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các cá nhân thường xuyên lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận nhắn tin riêng; một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Gây thiệt hại cho nền kinh tế

Đáng chú ý, khi hàng nhái, hàng “dỏm” xuất hiện tràn lan thì không ít người tiêu dùng cũng chấp nhận mua các loại, từ giá rẻ đến giá cao, miễn sao rẻ hơn nhiều so với giá hàng “xịn”. Tâm lý này ngày càng lan rộng với sự giúp sức của mạng xã hội.
Th.S Vũ Quốc Chinh, giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), phân tích nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này là từ lòng tham của các nhà sản xuất, đánh vào lòng tham của người tiêu dùng, khơi gợi tâm lý sử dụng hàng hiệu có giá trị thể hiện cao. Từ đó khiến nhiều người lao theo thị hiếu đám đông, sẵn sàng bỏ qua các giá trị khác mà chỉ đặt nặng giá trị mang tính biểu tượng. Chính những người chấp nhận mua hàng nhái sẽ tự an ủi là sành điệu, thậm chí còn cho mình khôn ngoan khi chỉ bỏ ra một ít tiền những cũng có sản phẩm sử dụng không khác gì hàng hiệu.
Thế nhưng, hàng nhái, hàng “dỏm” công khai và tràn lan trên thị trường sẽ tạo ra hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung. Nó khiến cho các thương hiệu nội địa, nhất là thương hiệu mới không thể lớn mạnh vì không được người tiêu dùng ủng hộ. Điều này cũng ngày càng củng cố thêm sự thống trị của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam. Hơn nữa, người tiêu dùng dần dần không còn khả năng phân biệt và lựa chọn sản phẩm phù hợp hoặc luôn thỏa hiệp với hàng nhái. Nguy hiểm hơn là khiến niềm tin của người tiêu dùng nói chung bị giảm sút và tâm lý nghi ngờ về hàng thật, hàng “dỏm” của nhiều sản phẩm khác nhau cũng gia tăng.
Th.S Vũ Quốc Chinh nhấn mạnh: Để khắc phục tình trạng này, nhà nước phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh và công khai các hoạt động gian dối khi phát hiện, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chung của cả quốc gia. Đồng thời, các nhà phân phối hàng chính hãng nên thường xuyên truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng hiểu rõ về giá trị sử dụng cũng như có thể phân biệt được hàng nhái để tránh những trường hợp bị nhầm lẫn.
Cơ quan quản lý cần có sự phối hợp cùng các đơn vị truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề sở hữu trí tuệ, về trách nhiệm tiêu dùng để không thỏa hiệp với việc mua bán hàng giả, hàng nhái dù chỉ để thỏa mãn tâm lý nhất thời.
Th.S Vũ Quốc Chinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.