Hàng hóa chịu nhiều áp lực tăng giá

25/06/2016 08:07 GMT+7

Từ nay đến cuối năm giá cả hàng hóa sẽ chịu áp lực lớn khi dịch vụ y tế, xăng dầu, và giáo dục dự báo sẽ tăng giá mạnh.

Ngày 24.6, tại buổi họp báo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng năm 2016, Tổng cục Thống kê nhận định từ nay đến cuối năm giá cả hàng hóa sẽ chịu áp lực lớn khi dịch vụ y tế, xăng dầu, và giáo dục dự báo sẽ tăng giá mạnh.
Theo báo cáo, CPI tháng 6 tăng 0,46% so với tháng 5, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng, trong đó giao thông tăng cao nhất với 2,99%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%...
Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Với kết quả trên, CPI 6 tháng đầu năm nay đã tăng 2,35%, tốc độ tăng bình quân mỗi tháng 0,39%. Tổng cục Thống kê đánh giá, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu... Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường; cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Bộ KH-ĐT), cho biết theo Thông tư liên tịch 37 giá dịch vụ y tế điều chỉnh đợt 1 vào tháng 3, đợt 2 dự kiến vào tháng 7, tuy nhiên văn bản của Bộ Y tế mới đây khẳng định sẽ chia thành nhiều đợt và lần lượt điều chỉnh theo từng tỉnh, không diễn ra đồng loạt.
Trong khi đó, giá dịch vụ giáo dục từ tháng 12.2015 một số tỉnh, thành điều chỉnh cho các cấp học đã tác động 0,22% vào CPI so với cùng kỳ năm trước. Kỳ học đầu tiên năm 2016 - 2017 khai giảng vào tháng 9 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và gây áp lực lớn cho CPI. Áp lực cuối cùng, ẩn số khó lường nhất không thể kiểm soát được là giá xăng dầu đang tăng trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.