TNO

Hàng không Mỹ bị hàng không Vùng Vịnh ép sân

27/02/2015 16:20 GMT+7

(Tin Nóng) Việc các hãng hàng không hàng đầu của Mỹ đang thúc giục chính quyền Obama ra tay can thiệp, ngăn ngừa sự mở rộng nhanh chóng của 3 hãng bay vùng Vịnh, đã châm ngòi cho một cuộc phản đối dữ dội, chủ yếu từ bên trong nước Mỹ.

(Tin Nóng) Việc các hãng hàng không hàng đầu của Mỹ đang thúc giục chính quyền Obama ra tay can thiệp, ngăn ngừa sự mở rộng nhanh chóng của 3 hãng bay vùng Vịnh, đã châm ngòi cho một cuộc phản đối dữ dội, chủ yếu từ bên trong nước Mỹ.


Các hãng bay vùng Vịnh đang khiến các hãng bay Mỹ phải đau đầu ngay tại thị trường Mỹ - Ảnh: Arabian Business

Hàng không Mỹ không ưa "bầu trời mở" ?

Bản báo cáo nhanh của tập đoàn hàng không American Airlines Group Inc., công ty United Continental Holdings Inc. và  Delta Air Lines Inc., gồm 55 trang, được lưu hành vào cuối tháng 1.2015 tại thủ đô Washington đã đưa ra những gì được cho là bằng chứng cho thấy bộ 3 hãng bay các nước vùng Vịnh đang làm méo mó ngành thương mại toàn cầu với các khoản trợ cấp khổng lồ từ chính phủ của họ. Tuy nhiên, các hãng hàng không vùng Vịnh đã lập lại lời phủ nhận lâu nay của họ về các khoản trợ cấp hoặc những lợi thế bất chính khác.

Ngoài ra, nhóm phát triển các sân bay Mỹ, ngành du lịch, nhóm bảo vệ người tiêu dùng và các hãng vận tải hàng hóa phàn nàn rằng các hãng bay lớn được bảo hộ của Mỹ, đang cố phá hoại chính sách “Bầu trời mở”, vốn đã bãi bỏ việc kiểm soát vùng trời du hành quốc tế, tạo công ăn việc làm mới và dành nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng với giá vé rẻ.

Từ năm 1992, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đàm phán 114 hiệp ước Bầu trời mở với các nước, cho phép các hãng hàng không đôi bên có thể bay đến bất cứ nơi nào họ muốn trong lãnh thổ của nhau, theo tần suất và mức giá do họ lựa chọn. Năm 1999, Mỹ đã đạt thỏa thuận mở cửa bầu trời với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - trụ sở của Emirates Airline và Etihad Airways; và với Qatar - hãng Qatar Airways, vào năm 2001. Khi ấy, Etihad thậm chí còn chưa có mặt, Qatar cũng chỉ mới bốn tuổi, trong lúc Emirates đã có 11.000 nhân viên.

Bộ ba hãng bay vùng Vịnh đã mau chóng phát triển, thu hút du khách quốc tế về các trung tâm tại Abu Dhabi, Dubai và Doha, vốn trước đây thường bay trên các hãng của Mỹ, châu Âu, châu Á. Emirates hiện có 75.000 nhân viên và là hãng hàng không quốc tế lớn nhất thế giới về năng lực. Với hàng trăm máy bay thân rộng đang đặt hàng, bộ 3 vùng Vịnh đã bắt đầu nhắm vào Mỹ, gây ra nỗi e sợ các hãng bay Mỹ rồi sẽ chung số phận với các đối tác châu Âu, đang phải chia thị phần trên các đường bay cạnh tranh với các hãng bay Trung Đông.

Trong báo cáo, các hãng hàng không Mỹ cáo buộc các hãng bay vùng Vịnh từ năm 2004 đã nhận được khoản trợ cấp có thể xác định là 42,3 tỉ USD, cùng với các lợi ích khác như được khai thác cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại sân bay địa phương, miễn thuế doanh nghiệp và lợi thế từ các giao dịch “ngoài luồng”. Các hãng bay Mỹ khẳng định: Điều này cho phép họ đưa dịch vụ giá rẻ vào thị trường nước ngoài. Vì vậy, họ muốn Washington sửa đổi hoặc bãi bỏ các hiệp ước hàng không với UAE và Qatar.


Tiếp viên hãng Emirates bên cạnh máy bay khổng lồ Airbus A380 - Ảnh: AFP

Người tiêu dùng, giới kinh doanh ủng hộ

Tuy nhiên, một số công ty Mỹ cho rằng 3 hãng bay lớn của Mỹ chỉ đơn giản là muốn đóng cửa để cạnh tranh với các dịch vụ xuất sắc đã chinh phục khách hàng. Nhiều thỏa thuận trong hiệp ước ‘Bầu trời mở’ cũng cho tất cả các hãng chở hàng bay giữa nhiều quốc gia nước ngoài mà không đụng chạm các thị trường nội địa của họ. Ông David Bronczek, tổng giám đốc hãng vận chuyển hàng không FedEx đã viết thư ngày 18.2 gửi chính phủ, bộ Thương mại và Giao thông rằng: ba hãng bay lớn chở khách của Mỹ “tin rằng họ sẽ giảm thiểu rủi ro bằng cách hạn chế các hãng nước ngoài thâm nhập thị trường Mỹ, nhưng chúng ta không thể vận hành và cung cấp hiệu quả các dịch vụ quốc tế với chi phí thấp mà không có vùng trời mở”.

Robin Hayes, TGĐ hãng JetBlue Airways, một hãng bay giá rẻ có trụ sở tại New York, trong lá thư ngày 26.1 gửi các cơ quan trên cũng cho rằng: các hiệp ước hàng không “có nhiều cơ chế giải quyết những tranh chấp hợp pháp về sự cạnh tranh công bằng”. Ông kêu gọi chính phủ tiếp tục thúc đẩy chính sách mở cửa bầu trời và cho rằng nó đã đưa đến sự thành công mang tầm quốc tế cho hãng JetBlue và quan hệ đối tác với 30 hãng hàng không nước ngoài, gồm cả 3 hãng bay Trung Đông.

Gần đây các tập đoàn thương mại như Hội đồng Hàng không Quốc tế - Bắc Mỹ, Hiệp hội Du lịch Mỹ và Liên hiệp Kinh doanh Du lịch đã cùng lên tiếng chống lại 3 hãng bay lớn của Mỹ.

Cuộc tranh luận càng nóng lên sau khi TGĐ hãng Delta là Richard Anderson, bác bỏ trên CNN các cáo buộc cho rằng hãng hàng không Mỹ được hưởng lợi từ khoản trợ cấp của chính phủ sau  cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001: “Thật mỉa mai khi các nước Ả-rập nói như thế. Vì trên thực tế, ngành hàng không của chúng tôi đã thực sự bị sốc sau biến cố 11.9, mà những kẻ khủng bố lại đến từ bán đảo Ả Rập”.

Và trong khi Delta xin lỗi về phát ngôn trên, TGĐ của Qatar Airways là ông Akbar Al Baker sau đó nói trên CNN rằng ông Anderson “nên xấu hổ vì dùng vấn đề chủ nghĩa khủng bố để cố che đậy khả năng kém cỏi trong việc điều hành một hãng hàng không”. Chủ tịch Emirates Tim Clark cũng từ chối lời xin lỗi, cho rằng ông Anderson đã “vượt quá giới hạn” và “gây nên lỗi lầm lớn”.

UAE và Qatar là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS. Trong khi Etihad vốn đã có thỏa thuận về các chuyến bay liên danh với Mỹ, tuy không lên tiếng, nhưng khẳng định họ hoạt động “theo một ủy quyền thương mại rõ ràng” và không nhận trợ cấp.


Qatar Airways với siêu máy bay Airbus A380 đầu tiên, tại sân bay quốc tế Hamad tại Doha - Ảnh: AFP

Những người ủng hộ các hãng bay Mỹ bao gồm 3 công đoàn phi công lớn của Mỹ. Tim Canoll, chủ tịch Hiệp hội các Phi công, đại diện cho phi công hãng Delta, United… cho biết: “Chúng tôi không thắc mắc gì về các khoản trợ cấp lớn và cũng chưa từng nghe thấy”. Theo Keith Wilson, chủ tịch công đoàn của 15.000 phi công Mỹ, ông tin rằng “các hãng bay vùng Vịnh đang có nhiều lợi thế hơn trong một sân chơi bất bình đẳng”. Ngay cả Paul Jackson, chủ tịch công đoàn của 8.000 phi công Southwest Airlines chủ yếu phục vụ trong nước, cho biết ông lo ngại các hãng bay vùng Vịnh là mối đe dọa lâu dài cho các phi công Mỹ.

Các hãng bay Mỹ nói họ đang được Washington lắng nghe, dù chính phủ liên bang Mỹ vẫn nhấn mạnh cam kết mở cửa bầu trời. Bộ Giao thông Mỹ cho biết chính phủ “coi trọng các mối quan tâm của các hãng về sự cạnh tranh và sẽ xem lại cách thấu đáo”, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.

Các hãng bay vẫn đang gia tăng nỗ lực. Gần đây họ phân phát báo cáo tại Ủy ban Thương mại Thượng viện và Ủy ban Giao thông của Quốc hội Mỹ. Một người tham gia vào chiến dịch  cho biết báo cáo đã được tiếp nhận tốt hơn mong đợi tại Washington: “Thật khó mà nói không có việc gì”.

Riêng trong năm 2014 qua, bộ ba gã không lồ Trung Đông (Middle East Big 3 - MEB3) đã khánh thành tổng cộng 8 đường bay mới đến Mỹ: Emirates bay từ Dubai đến Boston, Chicago; Qatar Airways bay từ Doha đến Dallas/Fort Worth, Miami và Philadelphia; Etihad Airways từ Abu Dhabi đến Dallas/Fort Worth, Los Angeles và San Francisco.

Theo lịch hiện nay, Emirates bay đến 9 thành phố ở Mỹ và 1 thành phố ở Canada; Qatar Airways bay đến 7 thành phố Mỹ và 1 thành phố Canada; Etihad bay đến 6 thành phố Mỹ và 1 thành phố Canada.

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Các hãng bay vé rẻ Đông Nam Á sẽ tăng trưởng trong năm 2015
>> Hãng bay Thổ Nhĩ Kỳ thuê Messi và Drogba quảng bá
>> Ba hãng bay Vùng Vịnh tấn công mạnh thị trường Mỹ
>> Emirates, hãng bay khiến các đối thủ Mỹ lo ngại
>> Tìm hiểu ‘vua’ sáp nhập hãng bay Mỹ
>> Các hãng bay châu Âu: Đổi mới hoặc gẫy cánh!
>> Hãng bay cạnh tranh giành khách hạng nhất
>> Bầu trời châu Á đầy hãng bay vé rẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.