Người mua tăng đột biến
Có mặt tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) 1 tiếng đồng hồ sau lệnh "cách ly toàn xã hội" trưa 31.3, lượt người đi siêu thị đã tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường, đa số tập trung mua những mặt hàng thực phẩm như rau củ, thịt heo, thịt bò, cá, trứng, thịt gà, gạo, mì gói, nước tương, nước mắm… Nhân viên quầy rau cho biết buổi sáng lượng khách đến siêu thị vẫn bình thường. Thế nhưng đến trưa, lượt người mua sắm bắt đầu tăng lên. Thực phẩm, rau củ liên tục được các nhân viên siêu thị tiếp thêm trên các quầy, kệ. Quầy thực phẩm tươi sống và tính tiền được bộ phận quản lý Co.op Mart tăng cường thêm nhân viên hỗ trợ nhằm tránh gây ùn tắc. Tình trạng tương tự diễn ra tại siêu thị Aeon Citimart ở chung cư Himlam Riverside (Q.7). Buổi trưa, cư dân xuống mua khá đông, quầy rau và thịt cá được vét sạch. Hàng hóa ngay sau đó được tăng cường gấp 3 lần so với bình thường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hà Nội cho xe chở hàng lưu thông vào nội thành 24/24Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định không có xáo trộn, khó khăn gì trong việc cung ứng hàng hóa đến người dân, đặc biệt là các hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng cách ly xã hội 15 ngày. Cách đây 2 tuần, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đã cho xe chở hàng chạy vào nội thành 24/24, thay vì chỉ được chạy ban đêm như trước, để tăng cường cung ứng hàng hóa cho thủ đô. Đến thời điểm này, chính sách này vẫn được duy trì.
Vũ Hân
|
Dù siêu thị liên tục phát loa khẳng định tất cả hệ thống Saigon Co.op trên toàn TP sẽ không đóng cửa, phục vụ hằng ngày đến vị khách cuối cùng, đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm cho tất cả mọi người. “Siêu thị không đóng cửa thì thời gian tới cũng hạn chế ra đường, vẫn phải mua đồ ăn nhiều một chút”, một khách hàng đứng gần đó thì thầm với bạn. Cũng vì quá đông, nên không ai chấp hành quy định mỗi người chờ tính tiền phải đứng cách nhau tối thiểu 2 m. Mọi người chỉ còn cách hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với người bên cạnh thông qua xe hàng hay giỏ hàng lỉnh kỉnh dưới chân. Các hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op Extra (chợ Xóm Chiếu, Q.4) hay cửa hàng Vissan gần đó cũng ghi nhận hình ảnh người dân xếp hàng chờ tính tiền, trên tay khệ nệ khay hàng toàn đồ ăn sẵn, trứng và rau củ.
|
Mua nhiều để khỏi phải ra đường
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại siêu thị Lotte Mart Q.7, Big C, hệ thống cửa hàng tiện lợi... Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết sản phẩm trong quầy thịt gà tại Lotte được “vét” sạch, trong khi lượng người mua vẫn đứng chờ khá đông. Tuy nhiên cứ 5 - 10 phút, nhân viên siêu thị lại bổ sung thêm hàng lên kệ và liên tục khẳng định hàng hóa vẫn luôn có đủ, không sợ thiếu. Ở quầy thịt heo, thịt bò sát bên lượng người cũng chen kín, một số loại thịt cũng tạm hết và sau đó cũng được bổ sung thêm. Riêng quầy thịt bò nhập khẩu vẫn đầy ắp. Tương tự, quầy cá, hải sản kế bên cũng có đủ loại cá biển, mực, tôm... Lượng người mua sắm ở khu vực thực phẩm càng về chiều tối càng đông. Thế nhưng tại các quầy rau củ quả thì lượng sản phẩm dồi dào và khách hàng vẫn tha hồ lựa chọn; quầy gạo với đủ chủng loại.
Thị trường chứng khoán vẫn giao dịch bình thườngHôm qua 31.3, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã gửi Thông báo số 131 đến các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán và các công ty chứng khoán về việc triển khai hoạt động thị trường chứng khoán trong mùa dịch Covid-19. Theo đó, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 16/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán là dịch vụ thiết yếu và phải được đảm bảo tổ chức giao dịch an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống. Hiện nay trên thực tế, nhà đầu tư hầu hết đều giao dịch chứng khoán online. Mới đây một số công ty chứng khoán cũng thông báo tạm ngưng tiếp khách tại quầy giao dịch và mọi giao dịch khách hàng có thể liên hệ qua điện thoại hoặc online...M.Phương
|
Tại một số cửa hàng Bách Hóa Xanh, SatraFood, Co.opFood và chợ Tân Quy (Q.7, TP.HCM), lượng người mua hàng cũng khá đông nhưng hàng hóa vẫn dồi dào. Đặc biệt dù lượng khách hàng đông, số hàng hóa mua nhiều nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau củ quả hay trái cây từ chợ, cửa hàng bách hóa đến siêu thị đều không thay đổi, vẫn giữ nguyên.
Đến 17 giờ hôm qua, tại siêu thị Big C Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú, TP.HCM) các mặt hàng rau củ quả trong siêu thị vẫn còn nhiều, nhưng thịt heo, thịt gà trong các tủ hầu như được “dọn sạch”. Bà Thanh Châu (ngụ chung cư Thoại Ngọc Hầu) cho biết: “Chỉ mua thêm quả bí, quả bầu, bó rau để hạn chế tối đa xuống siêu thị mua đồ. Chứ bảo mua trữ ồ ạt thì không có vì theo tôi được biết, siêu thị vẫn mở cửa bán hàng trong những ngày tới. Quan trọng là giá cả không tăng và nguồn hàng dồi dào”. Lượng khách đến siêu thị Big C này theo ghi nhận vẫn còn ít hơn nhiều so với ngày thường, đặc biệt ngày cuối tuần. Đa số mọi người chỉ mua đồ khô như bún, mì, nui khô và trứng hơn là rau củ quả.
Tại siêu thị Co.op Mart Tân Thành (quốc lộ 51, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), từ 14 giờ ngày 31.3, lượng người mua sắm cũng khá ít. Nhưng đến 15 giờ, khách hàng dồn về đông hơn. Theo nhân viên bán hàng, thịt các loại được người dân mua nhiều hơn, còn rau củ quả vẫn phong phú. Hiện tại, siêu thị này cũng áp dụng bán hàng qua mạng, giao tận nhà cho khách mua 5 món trở lên.
Hàng hóa thiết yếu vẫn phục vụ bình thường
Chiều cùng ngày, Sở Công thương TP.HCM có văn bản đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông, UBND 24 quận, huyện tuyên truyền tới người dân về việc các cửa hàng thiết yếu cung cấp thực phẩm hằng ngày, đồ dùng vệ sinh, các đồ chống dịch, nhiên liệu... trên địa bàn TP vẫn phục vụ người dân bình thường trong thời gian 15 ngày cách ly toàn xã hội. “Chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của bà con. Các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Khuyến cáo người dân không cần mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hạn chế đến các điểm bán tập trung và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà để giảm rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19”, văn bản của Sở Công thương TP.HCM nêu rõ.
Người dân vùng sâu ở Đắk Lắk đổ xô mua xăng dầu về trữNgày 31.3, UBND H.Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết trên địa bàn xảy ra tình trạng khá đông người dân mua xăng dầu về dự trữ; huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân không tích trữ xăng dầu để phòng chống cháy nổ, không có chuyện các cửa hàng xăng dầu đóng cửa như tin đồn... Trước đó, từ sáng 30.3, hàng trăm người dân ở các xã Cư Pui, Cư Đrăm (H.Krông Bông) đổ xô mua xăng dầu. Chỉ trong một ngày, nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã hết hàng, người dân tiếp tục đến các cây xăng xa hơn để mua. Qua tìm hiểu, mỗi cửa hàng xăng dầu ở vùng sâu H.Krông Bông bán bình quân khoảng 1.000 lít xăng dầu/ngày, nhưng trong hai ngày qua tiêu thụ từ 4.500 - 5.000 lít/ngày. Một lãnh đạo Sở Công thương Đắk Lắk cho biết việc đổ xô mua xăng dầu ở một số xã xuất phát từ tin đồn các cửa hàng sẽ hết xăng dầu và đóng cửa vì dịch Covid-19. Ngoài ra, do giá xăng dầu giảm mạnh khiến nhiều người dân mua về trữ để chạy máy tưới cây trồng trong mùa khô và lo giá tăng trở lại.
Trung Chuyên
|
Là đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood, cho biết, sau thông tin Thủ tướng Chính phủ ban hành lệnh cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid- 19, nhiều khách hàng đã liên hệ với các cửa hàng của NutiFood để mua hàng đồng thời bày tỏ sự lo lắng về sự khan hiếm hàng trong giai đoạn này. Tuy nhiên theo bà Lệ, hiện NutiFood vẫn bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho khách hàng trong thời gian dài. Không chỉ thế, Nutifood cũng duy trì số hotline để tư vấn về dinh dưỡng trong mùa dịch cũng như hỗ trợ thông tin các cửa hàng bán sản phẩm của Nutifood cho các khách hàng có nhu cầu.
Bình luận (0)