Hàng không Việt Nam cất cánh

06/02/2011 11:32 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Nằm trên một trong những trục giao thông quan trọng và đông đúc nhất thế giới, cùng với dân số hơn 86 triệu người, Việt Nam đang là thị trường hàng không hấp dẫn, nhiều tiềm lực phát triển và đã có những bước nhảy vọt trong năm qua.

Nhật ký mở đường bay

Liên tục trong 2 năm qua, thị trường hàng không đã chứng kiến sự bùng nổ của Vietnam Airlines (VNA).

Nếu như trong năm 2009 VNA mở thành công một loạt đường bay mới như Hà Nội - Cần Thơ, Hà Nội - Quy Nhơn, TP.HCM - Đồng Hới, Hà Nội - Fukuoka (Nhật Bản), Hà Nội - Tuy Hòa, Hà Nội - Pleiku thì bước sang đầu năm 2010, chỉ một ngày sau khi Japan Airlines ngừng khai thác đường bay thẳng giữa Hà Nội và Osaka (Nhật Bản), VNA đã quyết định nhảy vào thế chỗ. “Đó là thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh của hãng hàng không quốc gia, góp phần tích cực vào việc phát triển và thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư, và du lịch giữa khu vực Kansai và Hà Nội nói riêng và giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam nói chung”, Tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh nói về sự kiện này.

Cùng với các đường bay đi/đến Tokyo, Nagoya và Fukuoka, Hà Nội - Osaka là đường bay thứ 4 từ Hà Nội đến Nhật Bản và là đường bay thứ 7 giữa hai nước mà VNA trực tiếp khai thác.

Tháng 3.2010, VNA cùng lúc khởi động 3 đường bay mới, trong đó 2 đường bay quốc tế là TP.HCM và Hà Nội đi Thượng Hải và đường bay TP.HCM - Cần Thơ - Phú Quốc. Cùng với Bắc Kinh, Côn Minh và Quảng Châu, Thượng Hải là điểm đến thứ tư tại Trung Quốc mà VNA trực tiếp khai thác.

Tháng 6.2010, VNA khai thác trở lại đường bay Hà Nội - Vinh và đường bay mới Hà Nội - Chu Lai. Gần đây nhất là mở đường bay TP.HCM - Rangoon (Myanmar) với tần suất 3 chuyến/tuần. VNA đã mở đường bay Hà Nội - Rangoon từ tháng 3.2010 với tần suất 4 chuyến tuần, rồi nâng lên 5 chuyến/tuần kể từ lịch bay mùa đông 2010.


Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Số lượng điểm đến cả quốc tế và quốc nội liên tục được mở rộng sau khi VNA gia nhập Liên minh Hàng không toàn cầu Skyteam vào tháng 6.2010. Với việc gia nhập Skyteam, khách hàng của VNA được tiếp cận hệ thống sản phẩm, dịch vụ đồng nhất trên toàn cầu bao gồm: Mạng đường bay rộng khắp tới hơn  850 điểm đến; dịch vụ thân thiện, đồng nhất và thông suốt trên các hành trình; được tính điểm và nhận thưởng trên các chuyến bay của các hãng thành viên…

Năm 2010 còn đánh dấu nhiều hợp đồng liên danh quan trọng của VNA với đối tác. Như với Air France trên hành trình Việt Nam - Charles de Gaulle (Pháp); với KLM Royal Dutch Airlines trên hành trình Việt Nam - Amsterdam (Hà Lan); với Alitalia trên hành trình Việt Nam - Roma (Ý)...

Hiện nay mỗi ngày VNA có không dưới 50 chuyến bay trên 24 đường bay nội địa và nhiều chuyến bay thuê đưa khách du lịch từ các nước đến Việt Nam. Lợi thế lớn của hãng này là đang khai thác đội máy bay trẻ, hiện đại, trong đó có 34 chiếc Airbus và 10 chiếc Boeing 777.

Trong ngày khai trương đường bay mới TP.HCM - Rangoon, ông Trịnh Hồng Quang - Phó tổng giám đốc VNA đã tự tin nhấn mạnh đến chiến lược đưa VNA trở thành hãng  hàng không lớn trong khu vực Đông Nam Á và xây dựng Hà Nội, TP.HCM thành trung tâm trung chuyển  hàng không của khu vực trong tương lai. 

Thêm nhiều sân bay mới

So với 9 năm trước, tổng lượng khách thông quan cảng hàng không Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt hơn 26 triệu khách và hàng trăm nghìn tấn hàng hóa vào năm ngoái. Tổng cộng đã có 45 hãng hàng không quốc tế khai thác 55 đường bay quốc tế tới Việt Nam. Các hãng hàng không trong nước cũng khai thác trên 40 đường bay nội địa.

Việt Nam hiện đã có 3 hệ thống cảng  hàng không ở 3 miền: Bắc, Trung và Nam, bao gồm 20 cảng  hàng không, trong đó có các cảng  hàng không quốc tế trung tâm là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và Long Thành trong tương lai. Tuy nhiên với đặc điểm địa lý “đòn gánh”, Chính phủ đã và đang triển khai những chiến lược lớn nhằm nhanh chóng đẩy mạnh khai thác thị trường nhiều tiềm năng này.

Theo Quyết định số 589/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, cảng  hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020 sẽ trở thành điểm trung chuyển  hàng không của khu vực và thế giới; cải tạo, nâng cấp để đến năm 2020 đạt công suất 20 triệu hành khách/năm. Quy hoạch này cũng nói đến việc lập dự án đầu tư xây dựng cảng  hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai để có thể triển khai xây dựng sau năm 2010. Vào thời điểm này Tân Sơn Nhất là cảng  hàng không “bận rộn” nhất Việt Nam, với khoảng 330 lượt hạ cất cánh và hơn 40.000 lượt hành khách thông quan/ngày, chiếm trên 50% thị phần vận chuyển  hàng không toàn quốc.

Còn theo Quy hoạch giao thông vận tải vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quốc tế Nội Bài sẽ trở thành cảng hàng không lớn, hiện đại khu vực phía bắc: năm 2020 đạt 15,2 triệu hành khách/năm, tương lai đến năm 2030 và sau 2030 có thể tiếp nhận 25 triệu và 50 triệu hành khách/năm.

3 cảng  hàng không đã được Chính phủ định hướng quy hoạch thành các cảng  hàng không quốc tế là Phú Quốc, Cần Thơ và Liên Khương. Chia sẻ thêm với Thanh Niên, ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị và nhà chức trách  hàng không của các nước liên quan nghiên cứu, xây dựng và mở các đường  hàng không quốc tế từ các cảng  hàng không Phú Quốc, Cần Thơ, Liên Khương nối với Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và khu vực Đông Bắc Á.

“Bên cạnh các cảng  hàng không quốc tế trung tâm, Việt Nam cũng đã chú trọng phát triển các cảng  hàng không quốc tế vùng, địa phương. Chính sách này vừa tạo điều kiện cho sức cạnh tranh của thị trường vận tải  hàng không Việt Nam trong khu vực, vừa nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế vùng - địa phương, khẳng định vị trí và vai trò của ngành  hàng không trong nền kinh tế quốc gia”, ông Thanh phân tích.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.