Hàng lậu gia tăng ở biên giới Tây Nam

Trần Ngọc
Trần Ngọc
15/06/2022 08:02 GMT+7

Tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng gian, hàng giả diễn ra phức tạp trở lại ở biên giới Tây Nam. Có trường hợp giới buôn lậu thành lập doanh nghiệp , tạo “lớp vỏ bọc” doanh nhân để đối phó với ngành chức năng.

Buôn lậu “núp bóng” doanh nhân

Theo ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, kinh doanh hàng hóa nhập lậu ở An Giang diễn ra tại các địa bàn trọng điểm, biên giới của tỉnh như TP.Châu Đốc, TX.Tân Châu và các huyện Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn…

Trong 5 tháng đầu năm 2022, An Giang phát hiện 584 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả với tổng trị giá hàng hóa bắt giữ gần 130 tỉ đồng, tăng hơn 116 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã khởi tố 13 vụ với 17 đối tượng. Trong đó, tang vật thu giữ gồm: gần 86.000 bao thuốc lá, gần 10 tấn đường cát, hơn 5,5 triệu khẩu trang y tế, trên 50 tấn phân bón, gần 28.000 hũ dầu, gần 8.000 hộp mỹ phẩm, hơn 23 kg vàng, trên 2 triệu USD, 25,5 tỉ đồng và một số hàng hóa khác.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tỉnh có biên giới giáp Campuchia dài gần 100 km, địa hình có nhiều đường mòn, lối mở thông với các đồng nước, kênh rạch nên các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng đặc điểm địa hình, đóng giả người dân thăm đồng để đai vác, vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới hoặc vận chuyển hàng bằng xuồng máy tốc độ cao đến các bãi đất trống trong nội địa và tổ chức vận chuyển đi tiêu thụ.

Quá trình vận chuyển hàng lậu, nhóm buôn lậu tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người canh coi, theo dõi cơ quan chức năng, sử dụng phương tiện liên lạc hiện đại để thông tin. Thời gian gần đây, do bị đấu tranh mạnh nên các đối tượng buôn lậu trở nên manh động, hoạt động ngày càng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng để giành giật lại tang vật, phương tiện bị bắt giữ hoặc đe dọa, xúc phạm, hạ uy tín của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ngoài ra, các nhóm này tìm cách “ẩn mình”, dùng các “lớp vỏ bọc” với danh nghĩa là các doanh nhân, thương nhân có nhiều đóng góp cho xã hội để tạo niềm tin với chính quyền, nhân dân, ngầm thoát khỏi sự chú ý của lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình điều tra, đánh án.

Thuốc lá điếu nhập lậu tăng ở Đồng Tháp

Đồng Tháp có gần 50 km đường biên giới giáp Campuchia. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới gia tăng. Lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 693 vụ (tăng gần 22% số vụ so với cùng kỳ) với 243 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu giữ tang vật trị giá hơn 5,4 tỉ đồng.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra số thuốc lá nhập lậu được phát hiện rạng sáng 7.5 trên địa bàn TP.Châu Đốc

CÔNG AN CUNG CẤP

Đáng chú ý, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu gia tăng. Từ nội ô TP.Hồng Ngự ra biên giới chỉ vài cây số, nhưng theo thống kê của lực lượng chống buôn lậu tỉnh Đồng Tháp, chênh lệch giá bán từ biên giới về đến thị trường nội địa từ 8.000 - 10.000 đồng/cây thuốc (mỗi cây 10 gói). Do lợi nhuận béo bở nên các đối tượng buôn lậu đã tăng cường vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Tính đến tháng 6.2022, tỉnh Đồng Tháp phát hiện 421 vụ vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu, tăng hơn 10% số vụ và thu giữ tang vật gần 321.000 bao thuốc lá ngoại các loại, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021.

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết hoạt động buôn lậu thường xảy ra tại các tuyến, địa bàn biên giới như: xã Thường Phước 1, xã Thường Lạc (H.Hồng Ngự); xã Bình Thạnh (TP.Hồng Ngự); xã Tân Hộ Cơ, xã Thông Bình (H.Tân Hồng). Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại, pháo nổ, đường cát, bia, tân dược, mỹ phẩm, phế liệu và một số loại hàng hóa khác.

Về phương thức, thủ đoạn vận chuyển, buôn lậu không mới. Riêng mặt hàng thuốc lá và đường cát thì dùng xe gắn máy điều khiển với tốc độ cao từ biên giới về đến TP.Hồng Ngự, sau đó phân phát đưa đi tiêu thụ.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, dự báo tình hình thị trường hàng hóa 6 tháng cuối năm 2022, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng có thể tăng nhẹ, do ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu. Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn tiếp tục diễn ra và có khả năng xuất hiện những hành vi, phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.