Vướng quy định, hàng lậu đành tiêu hủy thay vì bán đấu giá

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
04/01/2022 17:51 GMT+7

Phí kiểm định một số mặt hàng lậu nhiều hơn tiền đấu giá, khống chế số lượng rượu trong vụ buôn lậu phải hơn 100 đơn vị… là 2 trong số nhiều lý do các loại hàng lậu có giá trị ở Quảng Trị đành tiêu hủy

Ngày 4.1, ông Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cho biết, đã có kiến nghị gửi Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về những quy định bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cụ thể, đối với một số hàng hóa bị tịch thu đủ điều kiện để bán đấu giá, nhưng chi phí kiểm định theo quy định tại Luật quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa 2018 cao hơn số tiền bán đấu giá. Đơn cử, trong năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện các vụ buôn lậu với tang vật hơn 30 máy điều hòa nhiệt độ. Sau khi thu giữ, muốn bán đấu giá thì phải đưa đi kiểm định, nhưng chi phí kiểm định 1 máy khoảng 35-40 triệu đồng. Nếu kiểm định số lượng ít hoặc nhiều sản phẩm nhưng khác chủng loại, thì chi phí thẩm định vẫn cao hơn tiền bán đấu giá.

Cũng tại tỉnh Quảng Trị, suốt trong năm và đặc biệt là vào dịp giáp Tết Nguyên đán, loại hàng lậu được các cơ quan chức năng phát hiện nhiều là rượu nhập lậu có giá trị khá lớn. Có vụ việc, số lượng rượu thu giữ nhiều, nhưng không ít vụ việc nhỏ lẻ. Tuy nhiên, tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 36/2012/TT-LT quy định: “Rượu nhập lậu bị tịch thu trong một vụ vi phạm buộc phải tiêu hủy trong các trường hợp sau: Có số lượng dưới 100 đơn vị sản phẩm”. Nghĩa là, nếu một vụ buôn lậu rượu được phát hiện nhưng tang vật dưới 100 chai, thì không được bán đấu giá sung công quỹ mà phải tiêu hủy, quy định này gây lãng phí không nhỏ.

Ngoài bất cập nói trên, tại quy định xử phạt về hành vi vận chuyển hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý vì mục đích kinh doanh quy định tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29.8.2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ thiếu tính khả thi, nhất là trong trường hợp người vận chuyển không cố ý, không biết đó là hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ. "Để tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính cũng như xử lý hàng hóa vi phạm, hàng lậu, chúng tôi đã đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương sớm sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn nói trên", ông Lê Tiến Dũng, nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.