Hàng lậu Trung Quốc - Kỳ 2: Vì 'ôi' nên rẻ

30/12/2009 15:32 GMT+7

Vì sao hàng Trung Quốc vào Việt Nam cái gì cũng rẻ? Đi tìm câu trả lời, tôi thực sự ngỡ ngàng khi chất lượng hàng hoá Trung Quốc vào Việt Nam không hề được kiểm soát, thậm chí rau quả vào Việt Nam có chất độc hay không ai biết được..

Quần áo: Hàng loại

Vào chợ Lũng Vài như lạc vào mê cung hàng hóa Trung Quốc. Những dãy chợ, cửa hàng chất đầy hàng hóa, với đủ chủng loại, mẫu mã, màu sắc bắt mắt.

Chị Hương, một chủ cửa hàng người Việt bán quần áo trẻ em, tất chân, tay, khăn các loại… ở Lũng Vài cho biết, các loại hàng này đều đóng theo cân, mua quạ từng đống từ các xưởng Quảng Châu, hoặc mua các loại đồ một giá (quần bò giá đồng hạng 70.000 đồng/chiếc), sau đó về Việt Nam, phân loại bán giá cao gấp hai đến ba lần.

“Tôi có người quen ở đó, nên cứ gọi điện là có xe chở về. Hầu hết các cửa hàng ở đây không bán lẻ, chỉ bán sỉ cho chủ hàng người Việt sang đây đóng”, chị Hương nói.  

Tại khu vực cửa khẩu có các lối mòn chính ở khu chợ Sài Gòn - Tam Thanh và Lọ Bon, do địa hình núi đá, nhiều người tranh thủ lúc chập choạng tối để cõng hàng nên khó đuổi bắt.

Ông Nguyễn Hữu Vượng, Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh cho biết: Theo chính sách hiện hành, mỗi cư dân biên giới, một ngày được trao đổi hàng hóa miễn thuế trị giá 2 triệu đồng trở lại. Những mặt hàng đó vào khu vực chợ, lẫn lộn với hàng đã đóng thuế, nên khó kiểm soát hàng lậu.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, mức giá các mặt hàng ở chợ Lũng Vài, Pò Chài chênh lệch 3-4 lần so với giá cùng mặt hàng tại các chợ ở Lạng Sơn và Hà Nội.

Từ chợ Pò Chài, đi sâu vào chừng 30 km, mất 3 nhân dân tệ (NDT) trên chuyến “xe cóc” là đến Bằng Tường, nơi được xem là thủ phủ, trạm trung chuyển hàng hoá lớn của Trung Quốc trước khi vào Việt Nam.

Nhưng điều đặc biệt, những mặt hàng bán ở trung tâm Bằng Tường đều là hàng chất lượng cao, và tất nhiên không hề có mức giá bèo như hàng bán ở Tân Thanh, Đông Kinh (Lạng Sơn), thậm chí còn đắt hơn cả những cửa hiệu ở Hà Nội.

Một bộ quần áo hiệu Adidas, Nike giá 160 - 210 NDT (khoảng 480 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/bộ), đắt gấp 3-4 lần so với hàng cũng nhãn mác đó ở chợ Tân Thanh.

Anh Sáng, người Bằng Tường, chuyên chạy xe tải chở hàng đến các cửa khẩu tiết lộ, tất cả quần áo, đồ thời trang đều lấy ở Quảng Châu, nhưng hàng loại một để bán ở Trung Quốc, còn hàng tồn, hàng lỗi và hàng chất lượng thấp, giá rẻ sẽ tống về các khu cửa khẩu.

Từ Bằng Tường, phải đi gần 1.000 km mới tới Quảng Châu (mất 600 nghìn đồng tiền xe ô tô - PV), chủ hàng người Việt toàn vào tận xưởng, lùng hàng rẻ mua từng xe rồi chở về Lũng Vài, Pò Chài… Sau đó, dùng lực lượng cửu vạn cõng hàng lậu qua đường đồi về Việt Nam.

Hoa quả: Coi chừng!

Chợ Pò Chài là nơi “đóng đô” các loại hoa quả, nông sản Trung Quốc, trước khi thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh.

Qua giới thiệu của người quen, tôi làm quen một người tên Chính, cai ở khu vực bãi lớn chợ Pò Chài. Theo cai Chính, dịp này xe ra vào hầu như không ngớt, bãi trên, bãi dưới ở khu chợ đầy ắp các loại cam, quýt, táo… của Trung Quốc dồn dập đổ về.

Nhiều chủ hàng Trung Quốc đã trữ sẵn lượng hàng lớn ở các tổng kho gần đó để bán. Muốn lấy hàng đẹp, phải đặt hàng trước với chủ Trung Quốc, muốn thế phải có người quen ở bên này đã làm ăn với chủ Trung Quốc nhiều năm. Những người mới đánh hàng, phải đặt cọc trước mới lấy được hàng.

Theo quan sát, hàng loạt các loại xe 3,5 đến 5 tấn của chủ hàng người Việt nhộn nhịp ra vào, chủ yếu là biển số Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn…

Nghĩa, một cai hoa quả ở đây cho hay, để một xe tải 3,5 tấn hoa quả thông quan trót lọt, chi phí cho cửu vạn, các thủ tục hải quan, tổng cộng 3 triệu đồng; loại xe 5 tấn là 4 triệu đồng, cước xe tính riêng, tùy điểm đến.

Theo cai Chính, các cò và cửu vạn ở đây phần lớn là người Lạng Sơn, sáng đi tối về. Khi được hỏi, lấy hàng ồ ạt thế liệu có kiểm tra được các loại thuốc họ tẩm ướp không? “Hoa quả nào mà chẳng có phun thuốc, vấn đề là mình không biết được liều lượng, mức độ như thế nào - cai Chính nói - Tôi làm đây cả chục năm, nhưng để phân biệt hoa quả có thuốc ít hay nhiều rất khó, vấn đề là bên kiểm dịch họ làm thôi”.

Đưa câu hỏi này về Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh, lãnh đạo trạm này cho hay, Trạm làm theo quy trình Cục Bảo vệ thực vật ban hành với từng loại hàng một.

Khi doanh nghiệp đến đăng ký thông quan, cán bộ Trạm sẽ ra bãi kiểm tra lấy mẫu, đưa về phòng, và chỉ giám định xem có sinh vật gây hại không, nếu không có sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu và vận chuyển.

“Chuyện tẩm ướp các loại chất, các cơ quan chuyên môn phải làm sâu, kỹ hơn. Tại cửa khẩu chỉ kiểm tra sinh vật gây hại từ Trung Quốc, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay những chất ngâm, tẩm trên các loại hoa quả thì vẫn chưa làm được”. 

Theo Phạm Anh (Tiền Phong)

>> Kỳ 1: Làm "cửu vạn"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.